Hạn nặng tại hạ lưu, các thuỷ điện đổ lỗi cho nhau vì tích nước
Cập nhật: 24/03/2020
250 gian hàng trưng bày tại Hội chợ xuân 2025 thành phố Đà Nẵng
Trà Vinh chuẩn bị gần 290 tỷ đồng trữ hàng phục vụ tết Ất Tỵ
VOV.VN - Hai nhà máy thuỷ điện ở Kon Tum đổ lỗi qua lại về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn nặng ở khu vực hạ lưu.
Sau khi VOV có phản ánh về việc giữa mùa khô thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến hạ lưu hạn nặng, vào chiều ngày 23/3, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cùng đại diện hai nhà máy thủy điện xây dựng trên sông Đăk Snghé là Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh và Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh đã đi kiểm tra thực tế vùng hạn ở thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy.
Điều đáng lưu ý mà phóng viên VOV ghi nhận được là việc đổ lỗi qua lại về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn nặng ở khu vực hạ lưu giữa đại diện hai nhà máy thủy điện.
Lòng sông Đăk Snghé khô hạn. |
Đề cập tình trạng hơn 100 ha cây trồng của người dân thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đang đối diện nguy cơ chết khô vì thiếu nước, ông Lê Thanh, Phó Ban quản lý dự án thủy điện Thượng Kon Tum, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh mặc dù cũng thừa nhận, Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước có một phần ảnh hưởng. Song theo ông Thanh, lỗi chính do thủy điện Đăk Ne ở phía hạ lưu vận hành không đúng quy trình.
“Trước khi chặn dòng có làm việc với Sở Công thương, Sở Công thương có văn bản gửi cho tất cả các đơn vị kể cả huyện, Công ty Năng lượng Trường Thịnh. Tỉnh cũng có văn bản gửi cho Đăk Ne là là vận hành theo đúng quy trình, tức là phải xả thường xuyên sau đập 1,29m3/s. Có mời Công ty Trường Thịnh đến họp với huyện nhưng mà Công ty Trường Thịnh không đồng ý mà xả theo lịch phát điện một ngày 2 lần” - ông Thanh nói.
Không vận hành nhà máy thủy điện Đăk Ne theo đúng quy trình, nghĩa là phải thường xuyên xả nước 1,29m3/s để người dân phía hạ lưu có nước bơm tưới cho cây trồng mà lại chỉ xả ngày hai lần, mỗi lần chỉ khoảng 1 giờ.
Nước ở hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum chưa ngưỡng tràn nên không thể chảy về sông Đăk Snghé. |
Theo ông Nguyễn Văn Quân, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh, quan điểm của Công ty là “ưu tiên” nước tưới cho người dân phía hạ lưu. Thế nhưng từ khi thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng tích nước hồ chứa, nước về hạ lưu rất ít, nhà máy không thể duy trì lượng xả nước thường xuyên là 1,29m3/s.
“Trước khi Thượng Kon Tum tích nước, lưu lượng lượng nước về là khoảng 8 - 10 m3/s. Thế nhưng bây giờ nó chỉ về khoảng 0,75 m3/s có nghĩa nó chỉ bằng 1/10 lượng nước trước kia. Cho nên lượng nước khi mà chúng tôi xả để cho nước chảy về đây thì chỉ được 0,75m3/s thôi nếu như xả hết. Cả lưu vực lớn như thế này thì 0,75m3/s thì nó thấm hoặc bốc hơi cũng hết. Nước về đây là rất ít” - ông Quân cho biết.
Cùng với những trao đổi mang hàm ý đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước ở hạ lưu sông Đăk Snghé giữa đại diện nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Ne thì cũng đã có những dấu hiệu tích cực. Khi đoàn kiểm tra của lãnh đạo tỉnh KonTum đến vùng hạn nên không biết do vô tình hay cố ý, chiều ngày 23/3, thủy điện Đăk Ne bất ngờ xả nước lênh láng khiến người dân thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy tha hồ bơm tưới nước chống hạn cho cây trồng.
Dù chưa đưa ra kết luận chính thức sau khi kiểm tra thực trạng nguồn nước sông Đăk Snghé, song ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã nhắc nhở phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp. Trước tình hình hạn hán cần tập trung khắc phục và không phụ thuộc vào một nguồn nước. Nhà máy thủy điện Đăk Ne cũng đã thống nhất với phương án đêm tích nước ngày xả nước phát điện để người dân có nước bơm tưới chống hạn./.
Từ khóa: thuỷ điện tích nước, hạn nặng, hạn nặng tại hạ lưu, Kon Tum
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN