Hạn hán gây hại 1.000 ha cây trồng, người dân khốn đốn
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN -Tình trạng khô hạn nghiêm trọng xảy ra tại huyện M’Drắk, ở phía đông của tỉnh Đắk Lắk, khiến hơn 1.000 ha cây trồng bị xóa sổ, người dân thiếu nước.
Hồ thủy lợi Ea Pal ở huyện M'Drắk đã cạn trơ đáy nhiều ngày qua. Theo thiết kế, hồ này có dung tích trên 410.000 m3, cấp nước cho cánh đồng lúa hai vụ rộng 80 ha ở xã Krông Jing và thị trấn M'Drắk, nhưng nay, 90% diện tích lòng hồ đã nứt nẻ, chỉ trơ lại vài vũng nước nhỏ.
Khoảng 500 ha lúa nước vụ hè thu của người dân ở huyện M'Drắk đã bị mất trắng. |
Ông Phạm Văn Hóa ở thị trấn M'Drắk cho biết, dù 1,2 ha lúa của gia đình ở sát ngay đập Ea Pal, nhưng gia đình vẫn không tìm được nguồn nước để cứu lúa:"Hiện nay hồ nước này không còn nước. Nước trong hồ hết nên cánh đồng lúa nhà tôi cũng không cứu nổi. Diện tích này cho thu mỗi năm khoảng 6-7 tấn lúa, ước tính thiệt hại phải trên 35 triệu đồng".
Cùng với thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, hạn hán ở huyện M’Đrak còn khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra khắp nơi.
Bà Phan Thị Thành ở thôn 11, xã Cư M'ta cho biết, gần 3 tháng nay gia đình phải đi mua nước đóng bình về sử dụng:"Gia đình tôi sử dụng một ngày cho nấu nướng, ăn uống khoảng 20 lít, nhưng hạn hán thì không có nước dùng thì phải đi mua nước về sinh hoạt. Một ngày cả nhà dùng hai bình thì mất 20.000 đồng. Nắng nóng hạn hán thế này chẳng biết tìm đâu ra nguồn nước. Nhà tôi đang tính khoan giếng, mà khoan phải hết 30-40 triệu đồng, trong khi nhà không tiền thì lại phải đi vay".
Hầu hết các công trình thủy lợi ở huyện M'Drắk đã cạn trơ đáy. |
Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện M'Drắk, hầu hết các hồ thủy lợi trong huyện đã cạn trơ đáy. Gần 500 ha lúa nước đã bị chết khô, khoảng 650-700 ha sắp mất trắng; hàng trăm ha cây trồng ngắn ngày gồm các loại như: ngô, đậu, lạc bị đe dọa; hơn 1.000 hộ dân ở các xã Krông Jing, Cư Króa, Cư Prao, Cư M'ta, Ea Pil và thị trấn M'Drắk bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Ông Thập cho biết, việc cứu cây trồng bị hạn ở địa phương hiện nay chỉ có thể nhờ vào mưa. Còn việc sửa chữa, nâng cấp thủy lợi, chỉ có tác dụng trong những vụ sản xuất sắp tới.
"Chúng tôi sẽ tập trung sửa chữa lại các công trình thủy lợi để tránh thất thoát nước. Về lâu dài, sẽ lập dự án xin chủ trương của UBND tỉnh để xin xã hội hóa nạo vét kênh mương để tăng khả năng tích nước của các hồ đập thủy lợi để hạn chế hạn hán như hiện nay ở huyện M'Drắk. Hỗ trợ giống để bà con tái đầu tư sản xuất chuyển đổi nhanh tái sang vụ đông xuân 2019-2020; đồng thời, tuyên truyền bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Thập cho biết./.
Hạn hán khốc liệt tại Huế, thiếu nguồn nước tưới trầm trọng
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: Không chủ quan trong ứng phó hạn hán
Từ khóa: hạn hán, thiệt hại hoa màu, người dân khốn đốn, hạn hán ở Tây Nguyên
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN