Hai xu hướng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cập nhật: 29/09/2020

VOV.VN - Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie, có 2 xu hướng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam là: dịch chuyển số và phục hồi chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020 sáng nay (29/9), bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, có 2 xu hướng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bao gồm dịch chuyển số và phục hồi chuỗi cung ứng.

"Tại Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và 10 năm tới cũng đề cập đến xu hướng này", bà Robyn Mudie nhấn mạnh.

Đại sứ Robyn Mudie bày tỏ kỳ vọng Việt Nam có thể hưởng lợi từ các xu hướng đó, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Theo bà Robyn Mudie, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng cao từ những năm 1990, đặc biệt trong 1/4 thế kỷ vừa qua. "Chúng tôi kỳ vọng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Australia cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hồi phục kinh tế, hỗ trợ phát triển kỹ năng cần thiết cho các ngành công nghiệp để Việt Nam có thể khôi phục lại chuỗi cung ứng và khắc phục được sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng", bà Robyn Mudie nói.

Đại sứ Australia tại Việt Nam tin tưởng rằng, sự hỗ trợ liên tục và sắp tới của Australia sẽ giúp Việt Nam trong quá trình hồi phục kinh tế, gặt hái được những thành công trong phát triển chuỗi cung ứng và chuyển đổi số.

Theo đánh giá của TS. Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho đến nay, hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu là chiến lược tạo việc làm có thu nhập cho lực lượng lao động đang tăng nhanh. Cho biết các ngành xuất khẩu tạo ra trên 20 triệu việc làm (trực tiếp và gián tiếp), chiếm khoảng 40% lực lượng lao động hiện nay, TS. Jacques Morisset cho rằng Việt Nam đã “rất thành công”.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ về việc các đột phá công nghệ đã, đang và sẽ làm giảm nhu cầu về lao động kỹ năng thấp trong ngành chế biến chế tạo. Ông dẫn chứng về câu chuyện một nhà đầu tư tại Việt Nam trong vòng 10 năm có sản lượng tăng gấp đôi nhưng nhân công giảm 40%. Đối  với quốc tế, từ đầu những năm 1990 đến nay, thâm dụng lao động trong ngành điện tử đã giảm một nửa.

TS. Jacques Morisset khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào một giải pháp dài hạn, gồm thúc đẩy giáo dục và đào tạo sau trung học, do Việt Nam cần có một lực lượng lao động với năng lực tốt hơn. Tập trụng vào công nghệ mới, R&D (nghiên cứu và phát triển), nhưng trên hết là bắt kịp về công nghệ thông qua nắm bắt công nghệ mới từ các nhà đổi mới sáng tạo toàn cầu bởi nhiều doanh nghiệp trong nước hiện đang tụt hậu trong đổi mới sáng tạo và cải thiện chất lượng. Kết nối Việt Nam với các thị trường toàn cầu nhưng cũng cần cải thiện liên kết giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam. Xoá bỏ các rào cản gia nhập và sự thiên vị dành cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ nâng cao cạnh tranh và giúp dần cải thiện năng suất cũng như thương mại hàng hoá (các dịch vụ như logistics và tài chính có ảnh hưởng khá lớn) vì theo thời gian ranh giới giữa sản phẩm và dịch vụ ngày càng bị xóa mờ.

Bên cạnh đó, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng co rằng, cần quan tâm đến khả năng chống chịu của môi trường để ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện điều kiện sống./.

Từ khóa:

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập