Hai Thủ tướng Việt Nam và Campuchia giao lưu với sinh viên Ngoại thương
Cập nhật: 12/12/2023
VOV.VN - Trong chương trình thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet, sáng 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã thăm và giao lưu với giảng viên, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương.
Báo cáo với hai Thủ tướng, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết, Trường Đại học Ngoại thương là một trong những trung tâm giáo dục hàng đầu tại Việt Nam – nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút sinh viên ưu tú hàng đầu của Việt Nam và tiếp đón hàng nghìn sinh viên quốc tế đến từ khắp các châu lục trên thế giới.
Đồng thời là trung nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế; một trong những cơ sở giáo dục tiên phong thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hướng tới nuôi dưỡng năng lực tự thân của giới trẻ, đáp ứng nhanh chóng với những thách thức và cơ hội mới của thế giới biến động không ngừng.
Trong đó, Trường Đại học Ngoại thương tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Vương Quốc Campuchia, góp phần tích cực trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia. Nhà trường đã đào tạo nhiều sinh viên từ Vương Quốc Campuchia trong các chương trình đào tạo ngành kinh tế, kinh doanh, thương mại và quan hệ kinh tế Á - Âu, quản trị đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác.
Trường Đại học Ngoại thương mong muốn tiếp tục hợp tác mật thiết với các trường, các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục của Campuchia trong đào tạo, nghiên cứu, tư vấn chính sách và đặc biệt trong phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thúc đẩy khả năng tự thân của giới trẻ hai nước.
Phát biểu với giảng viên, sinh viên nhà trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính ôn lại truyền thống gắn bó, đoàn kết, hợp tác, phát triển giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước láng giềng gần gũi, uống chung dòng nước sông Mekong, trong lịch sử cùng nhau vượt qua nhiều thăng trầm, đột phá, nhất là trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.
Thủ tướng mong muốn, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, thế hệ trẻ hai nước cần mãi mãi khắc ghi và biết ơn sâu sắc công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước; đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sỹ Việt Nam và Campuchia vì nền độc lập, tự do của mỗi nước, vì tình hữu nghị và đoàn kết của hai dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, được xây dựng trên nền tảng đặc biệt và vững chắc đó, mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia liên tục phát triển mạnh mẽ.
Hai bên thường xuyên duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cơ chế hợp tác quan trọng. Thương mại song phương năm 2022 đạt 10,57 tỷ USD, đưa Việt Nam thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia. Hợp tác quốc phòng, an ninh đóng vai trò là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương ngày càng được mở rộng và hiệu quả.
Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tiếp tục phát huy vai trò gắn kết hai nước, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước. Chính 3.000 sinh viên Campuchia đang theo học tại Việt Nam, trong đó có các bạn sinh viên đang có mặt tại Trường Đại học Ngoại thương là những nhịp cầu nối quan trọng cho tình hữu nghị giữa hai nước, là chất keo dính vững chắc giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia anh em.
Thủ tướng khẳng định, có được những thành quả đó là nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát sao của Lãnh đạo cấp cao hai nước qua các thời kỳ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, gắn bó, ủng hộ, đồng hành của nhân dân và doanh nghiệp hai nước chúng ta.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Campuchia đã luôn tin tưởng, lựa chọn Việt Nam là một trong những điểm đến, đối tác hàng đầu trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Campuchia; đánh giá cao vai trò quan trọng và đóng góp rất hiệu quả, thực chất của ngành giáo dục hai nước nói chung và trường Đại học Ngoại thương nói riêng, trong nhiều năm qua đã góp phần xây dựng và củng cố những “nhịp cầu nối” cho quan hệ hai nước.
Thông tin tới giảng viên, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương về các định hướng phát triển đất nước, trong đó có đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng để không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia.
Thủ tướng cho rằng, thế hệ trẻ hai nước ngày nay đang có được hành trang kiến thức ngày càng toàn diện và hiện đại hơn; nhưng cũng cần luôn trân trọng truyền thống đoàn kết, hy sinh xương máu, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai dân tộc để thêm quyết tâm, góp phần bồi đắp cho tình hữu nghị và quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai nước. Trường Đại học Ngoại Thương được biết đến là trường đại học tiên phong trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng tuyển sinh và chất lượng đầu ra thuộc nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn Trường Đại học Ngoại Thương phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tích cực đóng góp cung cấp nguồn nhân lực cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phục vụ các hoạt động kinh tế đối ngoại, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước nói chung và với Campuchia nói riêng; đề nghị nhà trường nói riêng, Ngành Giáo dục đào tạo nói chung hết sức quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất về học tập, nghiên cứu, về nơi ăn chốn ở cho các bạn học sinh, sinh viên Campuchia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học nói chung, Trường Đại học Ngoại Thương nói riêng phát huy vai trò dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các sinh viên Trường Đại học Ngoại thương không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, rèn luyện, nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để có những đóng góp xứng đáng đối với công tác hội nhập quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác thương mại với các quốc gia trên thế giới nói chung cũng như tăng cường hợp tác thương mại với Campuchia nói riêng, góp phần vào củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước; sinh viên Việt Nam, Campuchia thi đua học tập, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, cùng nhau vun đắp những tình bạn đẹp, để từ đó cùng đóng góp, vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Về phần mình, Thủ tướng Hun Manet bày tỏ đồng tình cao với ý kiến phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; khẳng định Việt Nam, Campuchia và Lào có vị trí, địa lý, lịch sử quan hệ truyền thống không thể tách rời và không ngừng được vun đắp vì lợi ích của mỗi nước, nhân dân mỗi nước, vì khối đại đoàn kết 3 nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới, trong đó có hợp tác giáo dục, đào tạo như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập.
Phát biểu về chính sách phát triển kinh tế của Campuchia và quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Campuchia, Thủ tướng Hun Manet cho biết, giành độc lập và lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, với xuất phát điểm từ số 0, từ năm 1993, Campuchia chuyển sang nền kinh tế thị trường. Sau hơn hai thập kỷ phát triển, kinh tế Campuchia từng bước có thay đổi. Campuchia đang tập trung cải cách toàn diện kinh tế-xã hội, tăng cường hội nhập, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050.
Với quan điểm “cải cách thì sống, không cải cách thì chết”, Chính phủ Campuchia đang tích cực triển khai Chiến lược Ngũ Giác với 5 ưu tiên cốt lõi gồm: phát triển nguồn nhân lực; đa dạng hóa kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển khu vực tư nhân và việc làm; phát triển bền vững; phát triển kinh tế - xã hội số. Trong quá trình đó lấy con người làm trung tâm.
Trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam, Thủ tướng Vương quốc Campuchia cho rằng, cùng với yếu tố lịch sử chính trị, kết cấu nền kinh tế hai nước có sự đan xen, có thể bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Campuchia. Quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước không ngừng phát triển, nhất là sau khi hai bên củng cố kết nối cơ sở hạ tầng; cho rằng đây là yếu tố quan trọng cần tiếp tục tăng cường.
Thủ tướng Hun Manet cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế, là cửa ngõ cho hàng hóa của Campuchia và khu vực; mong muống tăng cường kết nối hai nền kinh tế, cả kết nối về hạ tầng cơ sở và kết nối về thể chế chính sách; đẩy mạnh thương mại song phương, đặc biệt là thương mại biên giới và hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước.
Cho rằng con người, đặc biệt là thế hệ trẻ là yếu tố quan trọng, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Manet mong muốn sinh viên Việt Nam và sinh viên Campuchia luôn tiến bộ trong học tập, đồng thời luôn trân trọng và ý thức sâu sắc về tầm quan trọng đặc biệt của việc gìn giữ và phát huy truyền thống quan hệ hữu nghị và đoàn kết lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia.
Phát biểu của hai Thủ tướng được giảng viên, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương nồng nhiệt hưởng ứng. Nhiều giảng viên, sinh viên bày tỏ suy nghĩ, khắc ghi lời căn dặn của hai Thủ tướng; đồng thời thể hiện quyết tâm nỗ lực, phấn đấu, đạt thành tích cao trong giảng dạy, học tập và hỗ trợ lẫn nhau cùng tiến bộ, góp phần xây dựng đất nước mỗi bên và quan hệ Việt Nam – Campuchia ngày càng bền chặt và vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới.
Từ khóa: Phạm Minh Chính, Hun Manet,giao lưu,sinh viên,đại học ngoại thương
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov
Nguồn tin: VOVVN