Hai lần quyết định phân lô, tách thửa nhưng vẫn làm khó dân
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Lợi dụng kẽ hở của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về phân lô, tách thửa, nhiều tổ chức, cá nhân đã tách thửa đất nông nghiệp để bán trái quy định.
Để khắc phục tình trạng này, mới đây, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 18 thay thế Quyết định số 23 quy định cụ thể hơn trong việc phân lô, tách thửa.
Cụ thể, Quyết định số 18 quy định về diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch sản xuất nông nghiệp không nhỏ hơn 500m2 tại các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và trung tâm huyện Côn Đảo; không nhỏ hơn 1.000m2 tại địa bàn các xã còn lại.
Trường hợp thửa đất được đề nghị tách thửa có diện tích lớn hơn 2.000m2 tại thành phố Vũng Tàu và lớn hơn 5.000m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại thì người sử dụng đất phải lập bản vẽ phương án tách thửa và liên hệ UBND cấp huyện để được hướng dẫn thỏa thuận phương án mặt bằng tách thửa, nhằm đảm bảo quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển.
Đường giao thông hình thành trên đất nông nghiệp không đúng quy định. |
Đối với thửa đất có diện tích từ 500m2 đến 2.000m2 tại thành phố Vũng Tàu và diện tích từ 1.000 - 5.000m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại, trước khi tách thửa theo quy định thì người sử dụng đất phải lập phương án mặt bằng tách thửa được UBND cấp huyện chấp thuận.
Đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 2.000m2 tại thành phố Vũng Tàu và lớn hơn 5.000m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại, trước khi tách thửa theo quy định thì người sử dụng đất phải lập phương án đầu tư theo quy định pháp luật có liên quan.
Theo ông Hoàng Xuân Nguyễn, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, vấn đề tạo điều kiện cho người dân bao giờ cũng có 2 mặt, trong đó có việc người dân sẽ lợi dụng chính sách, phá vỡ quy hoạch, tạo thành những khu ổ chuột.
Đối với TP Vũng Tàu, theo quy định của Quyết định 18, các lô đất trong dự án phải đảm bảo tối thiểu 80 m2/lô cùng với các hạ tầng hoàng chỉnh, như thế sẽ hình thành nhiều tuyến đường, có cả hẻm trong đô thị. Hiện nay, TP Vũng Tàu cũng đang chờ hướng dẫn từ sở Xây dựng vì vướng quy hoạch.
“Sở Xây dựng đang hướng dẫn thủ tục cấp phép đường giao thông, nhưng cấp phép đường giao thông không hề đơn giản để phù hợp với Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Tức là đường giao thông phải phù hợp với quy hoạch, nhưng quy hoạch đó không tự vẽ ra được. Chắc chắn là không phù hợp quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất. Muốn cho chuyển mục đích từ đất nông nghiệp hoặc đất ở sang đất giao thông mà không có quy hoạch sử dụng đất thì làm sao chuyển được”, ông Hoàng Xuân Nguyễn cho biết.
Quyết định số 18 cũng quy định chặt chẽ hơn khi yêu cầu thửa đất thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sau khi tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu do Nhà nước quản lý. Trong trường hợp hình thành đường giao thông mới khi tách thửa, người sử dụng đất phải được UBND cấp huyện chấp thuận bản vẽ xin phép hình thành đường giao thông.
Về vấn đề này, ông Lê Công Hải, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, huyện Long Điền cho rằng, Quyết định 23 trước đây địa phương chỉ phê duyệt làm đường giao thông, còn việc phân lô như thế nào thuộc thẩm quyền của cấp sở. Hiện nay, Quyết định 18 thì ngược lại, cấp huyện phê duyệt luôn cả mặt bằng tách thửa và thửa đất bao nhiêu, dài rộng ra sao thì UBND huyện chịu trách nhiệm.
Hệ thống hạ tầng hoàng chỉnh được cơ quan chức năng TP Bà Rịa-Vũng Tàu cấp phép. |
Cũng theo ông Hải, khi tách 1 - 2 thửa cho con cái thì không thể đầu tư các hạng mục hạ tầng như: điện, thoát nước, đường giao thông. Do đó hiện nay, huyện Long Điền đang chờ hướng dẫn từ sở Xây dựng và Sở Tài nguyên môi trường để tiến hành tách thửa đối với các hộ dân có nhu cầu thực sự.
“Hiện nay, đang vướng ở chỗ, chưa thể hiện rõ những trường hợp người dân tách từ 2 – 3 thửa nhưng không có đường vào, bắt buộc phải chừa đường, như vậy có bắt dân làm đường giao thông hay không? Có bắt người dân làm bê tông hay không, Trụ điện, có nước hay không? Vì chỉ tách 2 – 3 thửa cho con mà làm các khoảng trên thì biết bao nhiêu tiền”, ông Lê Công Hải chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường TP Bà Rịa, nếu để các hộ gia đình làm hạ tầng, đầu tư đúng quy hoạch sử dụng đất thì chính quyền sẽ có một quỹ đất do người dân hiến làm đường, có được hạ tầng hoàng chỉnh nếu quản lý tốt. Cái khó hiện nay là đối với những gia đình tách đất để chia cho con cháu trong gia đình.
“Quyết định 18 vừa triển khai, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế địa phương, hình thành những khu dân cư đúng quy định. Tuy nhiên, cái khó là đối với những gia đình muốn cho lại con, trên một thửa đất mà hình thành đường giao thông khoảng 50m nếu nhà nước yêu cầu họ đầu tư hạ tầng hoàng chỉnh như những trường hợp mua bán đất nền thì người dân phải tốn rất nhiều tiền để làm đường”, ông Thanh nói.
Trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở Xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu, các địa phương trong tỉnh phải chặt chẽ hơn trong công tác sử dụng đất, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng tại địa phương. Chủ tịch UBND và công chức địa chính - xây dựng của các địa phương chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, cần rà soát lại toàn bộ trường hợp đã phân lô, tách thửa có hình thành đường giao thông, nếu thửa đất đang được sử dụng không đúng mục đích thì phải có phương pháp vận động hoặc cưỡng chế trả lại hiện trạng đất như ban đầu./.
Bình Phước dừng tách thửa đất nông nghiệp do “loạn” phân lô, bán nền
Từ khóa: phân lô tách thửa, đất nông nghiệp, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, đường giao thông, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN