Hải Dương khắc phục khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất công nghiệp
Cập nhật: 05/03/2021
Hiện thực hoá mục tiêu 3.000 cao tốc Bắc – Nam: hành trình khát vọng (20/01/2025)
Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ 2025 (21/01/2025)
VOV.VN - Sau thời gian phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương đã mở cửa, hoạt động trở lại.
Những khó khăn về nhân lực, những yêu cầu cao trong công tác phòng chống dịch được các doanh nghiệp và địa phương nỗ lực khắc phục, nhằm từng bước khôi phục sản xuất nhưng không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Công ty TNHH ANT đóng tại xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương có gần 500 lao động. Trong thời gian huyện Cẩm Giàng bị phong tỏa, doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động. Sau khi đáp ứng được các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, ngày 25/2, công ty đã hoạt động trở lại nhưng đến thời điểm này mới có khoảng một nửa số lao động của công ty quay trở lại làm việc, chủ yếu là lao động tại địa phương. Nguồn nhân lực thiếu hụt đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của công ty. Để khắc phục tình trạng này, mỗi công nhân phải làm việc vất vả hơn, một người kiêm nhiều vị trí khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Sự, Phó Giám đốc Phòng Dược phẩm, Công ty TNHH ANT cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng ban lãnh đạo công ty xác định, mục tiêu số 1 lúc này là đảm bảo an toàn phòng dịch trong sản xuất, bởi chỉ khi phòng dịch tốt, công ty mới có thể từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh.
"Hiện tại, công ty chúng tôi mới chỉ hoạt động được 70% công suất thực tế để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Hy vọng các cấp chính quyền quan tâm hơn đến doanh nghiệp. Hiện, lái xe của công ty vẫn chưa vào được Quảng Ninh. Một số khách hàng của công ty vẫn đang thiếu hụt hàng hóa, mong chính quyền quan tâm nhiều hơn" - ông Nguyễn Văn Sự cho biết.
Đến nay, huyện Cẩm Giàng đã có 85 doanh nghiệp với gần 5.000 lao động hoạt động trở lại. Ngay sau khi chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ, UBND huyện Cẩm Giàng đã xây dựng kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với công tác phòng chống dịch. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải có thông báo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương mới được quay trở lại hoạt động và phải đáp ứng các tiêu chí về phòng chống dịch do Ban quan lý khu công nghiệp đặt ra.
Đối với những doanh nghiệp trên địa bàn Cẩm Giàng nhưng nằm ngoài Khu công nghiệp, địa phương đã yêu cầu phải tự chấm điểm theo quy định của Bộ Y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân, có cam kết về công tác phòng, chống dịch…
Ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho biết: "Đối với những doanh nghiệp ngoài KCN thuộc quản lý của UBND huyện thì khi chúng tôi tiếp nhận những thông tin, vấn đề khó khăn trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Chúng tôi sẽ có kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".
Còn tại thành phố Hải Dương, Công ty TNHH Sản phẩm giấy Leo Việt Nam trong Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho trên 1.000 công nhân theo quy định, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế khi công nhân trở lại làm việc. Công ty cũng thực hiện tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 theo yêu cầu của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương và xây dựng kịch bản chống dịch ở mức cao nhất.
Theo ông Trương Mạnh Long, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương, trên địa bàn thành phố có gần 2.500 doanh nghiệp hoạt động ngoài khu công nghiệp. Để đảm bảo mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh, các công ty đều lập bảng đánh giá chỉ số nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, xây dựng phương án xử lý khi có ca mắc Covid-19 tại công ty; lắp đặt buồng khử khuẩn; lắp vách ngăn bàn ăn, chia ca khi ăn để hạn chế số người tập trung tại nhà ăn...
Ông Trương Mạnh Long chia sẻ: "Chúng tôi đã gửi bảng chấm điểm xuống các doanh nghiệp, trong đó có 15 tiêu chí, 3 tiêu chí quan trọng, đối với các tiêu chí quan trọng không vượt qua được điểm tiêu chuẩn thì chúng tôi lập tức kiến nghị để công ty thực hiện theo đúng quy định. Nếu không thực hiện theo đúng quy định chúng tôi sẽ kiến nghị để công ty đóng cửa".
"Tự bảo vệ bản thân là vaccine quan trọng nhất" - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh điều này và yêu cầu các doanh nghiệp phải luôn trong trạng thái báo động, không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Cùng với thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh Hải Dương cũng khắc phục khó khăn, tập trung cao độ để bảo đảm sản xuất an toàn, đạt mục tiêu kép, vừa phòng dịch, vừa phát triển sản xuất kinh doanh./.
Từ khóa: Hải Dương, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, doanh nghiệp, covid-19, doanh nghiệp ảnh hưởng covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN