Hạ tầng nghề cá làm khó ngư dân miền Trung
Cập nhật: 25/09/2019
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN - Cửa biển, luồng lạch bị bồi lấp; cảng cá chật hẹp, thiếu nơi neo đậu, dịch vụ nhỏ lẻ… là thực trạng chung tại các tỉnh, thành phố miền Trung.
Thực tế này, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững.
Cảng cá Tam Quan, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có sức chứa gần 1.500 tàu cá. Luồng lạch ra vào cảng thường xuyên bị bồi lấp khiến tàu thuyền gặp nhiều khó khăn. Mỗi năm, ở đây xảy ra hàng chục vụ tai nạn do tàu bị mắc cạn hoặc va vào núi đá, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Hàng năm, chính quyền địa phương phải bỏ ra cả tỷ đồng để nạo vét, khơi thông luồng lạch nhưng đâu lại vào đấy. Vào mùa mưa bão, hàng ngàn tàu cá chen chúc nhau tìm nơi neo đậu, nguy cơ tai nạn và cháy nổ rất cao.
“Mỗi lần đi biển rất khó khăn, phải chờ nước lớn, nước cạn, phải cần ghe nhỏ để dắt tàu mình ra khỏi cửa. Số tàu đông, ngư dân đi biển theo con trăng. Cao điểm là từ mùng 9 - 13 hàng tháng, tàu tập trung về, lượng tàu đông. Người vô chen lấn để cân được cá, người đứng chờ. Nhiều khi, anh em trên tàu xích mích nhau” - ngư dân Trần Tiến Thành, chủ tàu cá BĐ 96679 phàn nàn.
Cửa biển bồi lấp gây khó khăn cho ngư dân Quảng Ngãi. |
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi có 6 cửa biển thì tất cả đều bị sạt lở, bồi lấp luồng lạch. Nhiều tàu công suất lớn phải di tản sang các địa phương khác neo đậu, trú tránh. Theo bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi thì tình trạng bồi lấp cửa biển Cửa Đại diễn ra từ nhiều năm nay khiến cuộc sống của hàng trăm hộ ngư dân khốn khó. Đa số tàu thuyền sau khi đánh bắt đều đi nơi khác bán hải sản, kéo theo mọi hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ bị ngưng trệ.
Bà Võ Thị Lệ Thu cho biết: “Tỉnh cho chủ trương các công ty tận thu cát nhiễm mặn để thông luồng. Nhưng trong quá trình tận thu cát nhiễm mặn, vượt quá cho phép nên phá vỡ dòng chảy tự nhiên.”
Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có nhiều ưu thế về vị trí, hạ tầng đáp ứng nhu cầu dịch vụ nghề cá và trú bão của ngư dân các tỉnh miền Trung. Thế nhưng sau hơn 15 năm hoạt động, nơi đây đang quá tải và trở thành “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường. Nhiều hạng mục xuống cấp gây khó khăn khi tàu cập bến bán hải sản và tiếp cận các dịch vụ hậu cần.
Cảnh chật chội, nhếch nhác tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng. |
Cảng cá âu thuyền Thọ Quang có sức chứa gần 500 tàu cá nhưng vào mùa mưa bão, lượng tàu thuyền về neo đậu gấp đôi. Trong khi đó, việc nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang đầu tư chắp vá, thiếu đồng bộ ảnh hưởng đến năng lực tiếp nhận tàu thuyền.
“Những dự án này đầu tư năm 2004, rồi năm 2008 và năm 2010. Các lần đầu tư kết nối chưa đồng bộ dẫn đến việc tiếp nhận tàu thuyền quá tải, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và an ninh trật tự…” - ông Nguyễn Văn Cát, Phó Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng nói.
Việc khai thác, đánh bắt hải sản đang chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại. Vì vậy, cùng với việc phát triển đội tàu khai thác, các địa phương cũng cần chú ý đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá bền vững hơn./.
Tăng cường hợp tác phát triển nghề cá hiện đại, bền vững
Phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm: Nỗ lực gỡ thẻ vàng EC
Từ khóa: nghề cá, hạ tầng nghề cá, cảng cá, miền Trung, tàu thiếu nơi neo đậu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN