Hà Nội và tình yêu trong nhạc phẩm của Phú Quang
Cập nhật: 21/06/2020
VOV.VN -Những sáng tác của Phú Quang viết về Hà Nội và tình yêu đã trở thành “đặc sản" mà mỗi người yêu âm nhạc không thể không biết đến.
Tôi may mắn có dịp được ngồi trò chuyện cùng nhạc sĩ Phú Quang, người vốn được mệnh danh là “Nhạc sĩ của Hà Nội và tình yêu” tại quán cafe quen thuộc của ông trên phố Lý Thường Kiệt. Không phải ngẫu nhiên mà ông lại được người yêu nhạc đặt cho danh xưng ấy, có lẽ bởi trong những sáng tác của ông, phần lớn những ca từ đều dành cho Hà Nội, nơi mà với ông Hà Nội không chỉ là một thành phố, mà còn là một người bạn, một người tình, một cố nhân.
Nhạc sĩ Phú Quang. |
Và khi nghe những nhạc phẩm của ông, những người yêu nhạc cũng sẽ thấy ở đó thấp thoáng bóng hình của một người con gái mà Phú Quang đã sáng tác dành tặng phần lớn những ca khúc của mình.
Phú Quang - Nhạc sĩ đau đáu tình yêu với Hà Nội
Nhắc đến tranh về Hà Nội thì người ta sẽ liên tưởng tới những góc phố của Bùi Xuân Phái, còn nhắc đến âm nhạc viết về Hà Nội thì không thể vắng bóng âm nhạc Phú Quang. Ngay kể cả những bài hát không có một chữ nào nhắc đến địa danh Hà Nội, khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều biết rằng, đó là một ca khúc viết về Hà Nội, chỉ có Hà Nội mà thôi: “Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi.”
Hà Nội trong những sáng tác của Phú Quang là Hà Nội mà bất cứ ai nghe được cũng càng thêm yêu thương, càng đi xa càng nhớ. Chính Phú Quang cũng bởi xa Hà Nội mà nhớ Hà Nội để mà viết lên những nhạc phẩm mà nhân vật chính là “em” - một Hà Nội được nhân hoá như một con người.
Nhạc sĩ chia sẻ, giai đoạn phải vào Sài Gòn sống, nắng gió phương Nam mới càng làm ông khắc khoải về Hà Nội. Bởi Hà Nội ấy là tất cả sự rung động, suy tư, đắm đuối trong hoài niệm xưa. Nó không phải Hà Nội hiện đại, xô bồ với nhịp sống hối hả mà là Hà Nội trữ tình, yên bình, một Hà Nội với đêm mùa thu trăng lạnh trong “Im lặng đêm Hà Nội”, Hà Nội với mùa thu lá vàng trong “Đâu phải bởi mùa thu" hay Hà Nội với mùa đông bắc se lòng trong “Nỗi nhớ mùa đông" mà không chỉ ông mà bất cứ người yêu Hà Nội nào khi nghĩ về đều không khỏi suy tư, thổn thức.
Hà Nội tựa như cô gái đẹp khiến Phú Quang yêu là thế. Nhưng yêu thì cũng có vô vàn cung bậc, có vui buồn, có hờn giận, có xót xa, và đôi khi cũng đầy mất mát. Đó là cái mất mát đã trở thành nỗi ám thành thường trực của ông về con phố Khâm Thiên trong ca khúc "Em ơi, Hà Nội phố", bởi đài tưởng niệm B52 ở Khâm Thiên chính là ngôi nhà mà ông từng sống. Ông đã từng phải chứng kiến cảnh người thợ chuyên cắt tóc của ông phải mất mẹ. Chứng kiến cảnh một người phụ nữ phải nhìn 27 người thân của mình ra đi bởi chiến tranh. Với ông, đó là những kỷ niệm không thể nào quên.
Những bản tình ca đậm tình yêu Hà Nội với hàng trăm ca khúc về mảnh đất này không chỉ hát về sự lãng mạn của mùa thu, chất chứa của mùa đông, lãng đãng của những con phố để có thể làm người nghệ sĩ như ông “Chẳng thể nhớ nổi một con đường” như chúng ta vẫn biết. Những bản tình ca ấy đôi khi chẳng cần lời lẽ, câu từ, chỉ có âm nhạc thôi cũng đủ chạm đến trái tim. Nhạc sĩ có chia sẻ rằng ông có viết những giao hưởng chiến tranh. Dù là nhạc không lời thôi nhưng khi trình diễn ông đều thấy những giọt nước mắt của khán giả. “Tôi nghĩ là đó là do bởi tôi viết về những cái thật của mình. Đời tôi đã phải chứng kiến nhiều điều đau khổ.”
Phú Quang yêu Hà Nội và có lẽ Hà Nội cũng yêu Phú Quang. Hàng năm, liveshow những ca khúc của chính ông về Hà Nội ở khán phòng trang trọng của Nhà hát Lớn thành phố đều đông kín khán giả. Những đêm nhạc tổ chức các năm gần đây đều được khán giả ủng hộ nhiệt tình: “Cho những ngày thu muộn” (2017), “Trong ánh chớp số phận” (2018) hay “Dương cầm lạnh và phố cũ của tôi” (2019),...
Mỗi một bài hát của ông ra đời đều chảy trôi theo số phận riêng, nhưng tất cả đều hội tụ ở hình ảnh một Hà Nội cũ kĩ nhưng chan chứa những kỷ niệm. Mỗi một đêm nhạc là một cách để Phú Quang thể hiện tình yêu khác nhau. Những nhạc phẩm ấy không chỉ được thể hiện bởi những ca sĩ mà đôi khi, chính Phú Quang cũng tự hát lên những nỗi lòng mình. Ông có tâm sự rằng ông biết giọng mình khó có thể so với những ca sĩ khác. Nhưng khán giả vẫn khen người nghệ sĩ hát hay nhất những đêm ấy là chính tác giả. Có lẽ bởi ông đã hát rất chân thành, rút cả máu xương mình ra.
Qua âm nhạc, Phú Quang đã cho ta góc nhìn tiệm cận về Hà Nội, vừa sắc nét nhưng cũng đầy sâu lắng, đủ để ta có thể mở rộng tâm hồn, thêm yêu mảnh đất ngàn năm văn hiến. Số phận đã vô tình đẩy nhạc sĩ phải xa Hà Nội suốt những năm tháng tuổi trẻ của ông. Nhưng phải chăng chính sự xa cách ấy đã đóng dấu vào ông một nỗi buồn xa xứ. Để khi ngồi vào bàn viết, bên cạnh cây đàn piano, Hà Nội mãi là cố hương, là nguồn cội của những bản tình ca.
Nhạc sĩ của những bản tình ca
Cuộc đời, sự nghiệp viết nhạc của Phú Quang không chỉ đau đáu trước những kí ức về Hà Nội mà còn là những rung động, day dứt về tình yêu, về người con gái mà ông từng đem lòng cảm mến. Và tình cảm ấy cũng đã trở thành nguồn cảm hứng chính để ông viết nên những bản tình ca làm lay động lòng người. Trong những ca khúc viết về tình yêu của ông, luôn có bóng dáng một người con gái đã cùng ông trải qua 13 năm để yêu nhau. Nhạc sĩ Phú Quang có tâm sự: “Tôi đã viết hàng nghìn bài nhạc nhưng quá nửa đều là dành cho cô ấy. Khi cô ấy phải sang Mỹ theo nguyện vọng của gia đình, cô ấy đã muốn tôi đi cùng. Nhưng tôi còn mẹ già và quê hương ở đây, làm sao tôi đi được. Bài "Đâu phải bởi mùa thu" cũng là tôi sáng tác cho cô ấy, khi cô ấy gửi cho tôi một lá thư, nói rằng dù có chuyện gì cô ấy cũng vẫn yêu tôi".
Những bản tình ca của Phú Quang đều được viết từ những rung động, xúc cảm từ tình yêu có thật của chính ông. Nặng lòng bao năm về một người con gái, ông chia sẻ, tình yêu ấy, tâm tư ấy đã được gửi gắm Album thứ 8 của mình có tên “Chuyện bình thường”.
“Những bài hát của tôi là những chuyện bình thường, tôi viết cho những kỷ niệm không thể nào quên. Và khi bạn đồng cảm với những bài hát ấy cũng là lúc tôi tìm thấy nỗi an ủi trong sự cảm thông” - nhạc sĩ xúc động chia sẻ.
Thật không ngoa khi nói Phú Quang đa tài mà cũng rất đa tình, mà cái tình ở đây không chỉ ở cái tình dành cho Hà Nội với những sắc màu phố phường quen thuộc, đó còn là là cái tình với người phụ nữ đã khiến Phú Quang tự nguyện trở thành một gã si tình. Để rồi những bài hát của ông, dẫu là những câu chuyện riêng, nhưng nó đều trở thành câu chuyện đẹp gửi gắm qua những câu hát lưu giữ trong kí ức của rất nhiều người, và luôn gợi cho ta những vùng kí ức êm đềm, những hoài niệm đẹp đẽ không phai./.
Từ khóa: phú quang, âm nhạc phú quang, nhạc sĩ phú quang, phú quang nhập viện, hà nội phú quang
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN