Hà Nội: Phố Vọng, những điều nhức mắt... thành quen!
Cập nhật: 25/09/2019
Vì sao cứ va chạm giao thông lại “nhảy bổ” vào nhau?
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng, giải pháp không thể chỉ là cho học sinh nghỉ học
VOV.VN -Phố Vọng bị “bỏ quên”- như chưa hề có chuyện “giải phóng” vỉa hè!
“Cuộc chiến giành lại vỉa hè”ở Hà Nội được triển khai từ tháng 3/2017, đến nay đã được 2 năm 6 tháng. Không xa trung tâm thủ đô, nhưng phố Vọng bị “bỏ quên”- như chưa hề có chuyện “giải phóng” vỉa hè !
“Xe Việt” trả và đón khách trước công ty. |
Nỗi buồn phố giáp ranh
Phố Vọng - từ cổng trường Đại học Kinh tế quốc dân qua Ngã tư Vọng đến đường Giải Phóng, dài khoảng 800 mét, nhưng qua 3 phường, thuộc 3 quận. Trong đó, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) gồm các nhà bên số lẻ, chạy suốt chiều dài của phố. Các nhà bên số chẵn, từ cổng trường Đại học Kinh tế quốc dân đến ngã tư Vọng thuộc phường Phương Mai (quận Đống Đa); qua ngã tư đến giáp đường Giải phóng thuộc phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân). Phố Vọng tuy ngắn nhưng có tới 2 đồn công an: Đồng Tâm và Phương Liệt, cách nhau khoảng 100 mét.
Không phải bây giờ, mà từ lâu lắm rồi, sáng sáng bước chân vào phố Vọng, khách bộ hành đã nhìn thấy ông chủ bán thịt bò một mình, một bàn, một ghế ngự trên hè phố, trước số nhà 51- cửa hàng giò chả, nem chua Bà Bính. Sáng đến, chiều về khi đã bán hết thịt, chiếc bàn lại được tấp vào bên hè, ranh giới với số nhà 53 - cửa hàng bún chả, sặc mùi than quyện mùi thịt nướng phả ra đường như khói, bởi chiếc quạt thông gió công nghiệp chạy hết công suất.
Đối diện, phía bên kia đường, trước nhà số 14 đến Hotel Đức Trọng số 38A thuộc phường Phương Mai, lâu nay hình thành một bến cóc, xe dù, loại xe 16 chỗ ngồi, hầu hết xe màu đen, mang biển đăng ký Hà Nội (29B). Để “hợp thức hóa”, tại số nhà 38 treo biển “Công ty TNHH xe Việt Nam”. Hành khách gọi đây là “Bến Vọng”. Rất nhiều xe ra vào “Bến Vọng” thường xuyên...ăn theo “Công ty TNHH xe Việt Nam” bến cóc có cả xe màu đen của Hải Phòng (15B), Ninh Bình (35B) và xe màu trắng của HTX Bình Minh... “Bến Vọng” hoạt động tấp nập suốt ngày. Vé được bán trước hoặc đăng ký qua điện thoại. Để tránh cơ quan chức năng, xe đến, đón khách là đi ngay. Tuy vậy, cũng có lúc 4 - 5 chiếc ô tô đỗ một dãy dài chờ khách.
Công an quận và thành phố thì ở xa, 2 đồn Phương Liệt và Đồng Tâm chỉ cách vài trăm mét. Không hiểu vì nhà xe hoạt động “linh hoạt”, hay vì lý do nào khác, mà lâu nay 2 “nhà đồn” ở phố Vọng dường như không biết phố mình có bên cóc, xe dù.
Thỉnh thoảng, sáng sớm, người đi bộ từ Ngã tư Vọng lên Công viên Thống Nhất tập thể dục, thấy vài cán bộ thanh tra giao thông đi xe máy (có khi ô tô) từ cây xăng cầu vượt ngã tư Vọng lên, qua nhà hàng cà phê Xanh không vào phố Vọng. Mà, đi ngược lên đường Giải Phóng, dừng lại gần cầu vượt vào Bệnh viện Bạch Mai, kiểm ra những xe khách 16 chỗ từ phía nam ra, hoặc từ Quảng Ninh, Hải Phòng... qua cầu Thanh Trì, phố Minh Khai, vòng vèo ra Trần Đại Nghĩa vào trung tâm thành phố, trốn sự kiếm soát của lực lượng chức năng. Sáng 7/9, lần đầu tiên người đi đường “mục sở thị” vài thanh ra giao thông làm việc với 1 chiếc “xe VN” - trước trụ sở công ty. Trông khi đó, cũng chiếc xe màu đen, 18 chỗ đang ung dung nổ máy đón và chờ khách bên kia đường.
Vỉa hè thành gara
Phố Vọng là một phố hẹp, đường đi hai chiều. Bên cạnh “Công ty TNHH xe Việt Nam” là Hotel Đức Trọng. Hotel này lấy vỉa hè làm gara. Không đêm nào vắng ô tô đỗ trước cửa, có lúc 3 - 4 chiếc.
Qua Hotel Đức Trọng là chung cư Hoà Phát (48 phố Vọng). Phía dưới đường có vạch sơn trắng, chỉ địa giới cuả công ty TNHH cho thuê điểm đỗ xe thuộc Sở Giao thông- Vận tải Hà Nội, tại đây có những chiếc xe “chết” nằm “suốt ngày dài lại đêm thâu”, lốp xì hơi, dưới gầm xe đầy rác. Trên vỉa hè - hai bên “cánh gà”- cửa ra, vào chung cư Hoà Phát cũng thành ga ra, thường xuyên có ô tô đỗ.
Hết đoạn đường thuộc phường Phương Mai, qua Ngã tư Vọng là phường Phương Liệt. Đồn CA phường Phương Liệt ở 128 phố Vọng, đầu ngõ 128 (dưới cột điện) là một bãi rác của cư dân trong ngõ, nhiều nhất là của cửa hàng buôn bán mỹ phẩm Linh Anh (134 phố Vọng); cửa hàng buôn bán đồ điện Thanh Tùng (136 phố Vọng) thải ra trong đêm. Gần đây, Điện máy xanh khai trương cửa hàng 150 phố Vọng, thêm một đoạn vỉa hè bị “nuốt” trọn.
Hàng ngày người đi bộ qua đoạn phố này, phải vượt qua một “rừng” xe máy; ngổn ngang hàng hóa nhà buôn; vượt qua “ga ra vỉa hè” của chiếc Camry trước nhà 140A; phải bịt tai vì những âm thanh chát chúa của hai chiếc loa thùng bật hết cỡ, quảng cáo hàng của Điện máy xanh. Và, cuối cùng, không còn lựa chọn nào khác, người đi bộ phải “nghiến răng, liều mình” đi xuống lòng đường. Người dân lấy làm lạ, ngày 2 lượt sáng và chiều, ô tô của đồn CA Phương Liệt và đồn CA Đồng Tâm vẫn đi “tuần” qua đây, nhưng không hiểu vì sao họ không thấy?
Nhà mặt phố lấn chiếm vỉa hè, nhà trong ngõ 219 - sát bệnh viện Yecxanh thuộc phường Đồng Tâm, cũng treo biển trông giữ xe 24 giờ. Không có mặt bằng, nơi nào vỉa hè còn khoảng trống họ ấn xe của khách vào đấy, thậm chí chiếm cả lòng đường, sang cả ngõ 229, hoặc sang cả vỉa hè bên kia đường thuộc địa phận phường Phương Liệt.
Ngang nhiên hơn, tại ngã ba Nguyễn An Ninh - phố Vọng (nơi có cửa hàng kinh doanh ăn uống), vào các buổi sáng tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, lòng đường thành nơi đỗ xe ô tô, choán hết lối sang đường giành cho người đi bộ. Vì vậy, ngã ba này thường xảy ra ách tắc, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Một cán bộ ở đồn CA Đồng Tâm giải thích: “Khách đi ăn phở có thể người ta đỗ xe dọc đường, nhưng tuyến phố lại không thuộc tuyến phố cấm nên cũng rất khó trong việc xử lý!”. Xin thưa! Không thuộc tuyến phố cấm, không có nghĩa được đỗ xe lâu dưới lòng đường.
“Ốc đảo” Hà Nội
Chung cư ngõ 229 phố Vọng, gồm hai nhà A1, A2 cao 17 tầng. Lâu nay làm tốn không ít giấy, mực của báo chí thủ đô, nhưng đến nay cuộc tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà về quỹ bảo trì, về phần diện tích sở hữu chung và riêng, như: nhà để xe, các diện tích cho thuê kinh doanh...vẫn diễn ra gay gắt, chưa có hồi kết. Vì vây, có báo đã giật tít: “229 phố Vọng điển hình “méo mó” chung cư Hà Thành”. Ngược lại, một người ở nhà A2 lại “tự hào”, rằng: đây là “ốc đảo” của Hà Nội. Ông ta phân tích, đường đi qua chung cư nối phố Vọng với đường Trần Đại Nghĩa là đường nội bộ. Xe máy thì tự do ra, vào; còn ô tô vào và ra chỉ duy nhất lối phố Vọng. Thảo nào, hai bên đường vào chung cư la liệt ô tô to, nhỏ phải tới vài chục chiếc. Ô tô gửi qua đêm, qua tháng, qua giờ, có người trông giữ 24 giờ? Hỏi người trông giữ xe về chủ nhân cho thuê đất, ông trả lời không biết, tôi chỉ là người làm thuê. Cũng tại đây, một nhà tận ngoại thành thuê đất làm bãi rửa xe. Chiến dịch giải phóng vỉa hè năm 2017, họ “giải lao” mấy ngày về quê, rồi ra. Công việc lai tiếp tục như không có chuyện gì. Cơ sở trông giữ và rửa xe rộng rãi, hoành tráng, không biết nhà nước có thu được đồng thuế nào không? Nối tiếp nơi trông xe, rửa xe của tư nhân là địa phận trông, giữ xe của bảo vệ chung cư 229.
Cần được nói thêm, đường nội bộ qua “ốc đảo Hà Nội” là con đường lý tưởng cho cánh xe máy, kéo “moóc” (thùng gỗ 2 bánh) chở đá, cát, sỏi, xi măng từ cửa hàng bán vật liệu xây dựng Trần Đại Nghĩa chạy ra phố Vọng, rồi tỏa đi các nơi. Đó là những chiếc xe máy không thể cũ hơn và không thể nát hơn, lại phạm luật chở hàng cồng kềnh, nhưng các nhà chức trách ở phố Vọng vẫn im re?
Phải nhìn thẳng vào sự thật
Sau một năm rầm rộ ra quân giải phóng vỉa hè, ngày 16/3/2018 Giám đốc CA TP Hà Nội lại ban hành mệnh lệnh 02 về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự ATGT. Phố Vọng vẫn “nguyễn như vân”, thậm chí ngày càng nhức nhối, phức tạp hơn. Phải chăng vì phố giáp ranh? “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”? Vì buông lỏng quản lý?
Có trăm ngàn lý do, nhưng có một điều cần phải khảng định rằng: không thể giải phóng vỉa hè bằng những đợt ra quân “phong trào”, hay lối làm việc hành chính. Sáng, chiều hai lượt CA phường, dân phòng ngồi lên ô tô “đi tuần” qua các phố trong địa bàn, rồi “loa, loa...” dẹp lấn chiếm vỉa hè, thu về những bàn ghế nhựa, biển quảng cáo...
Đã đến lúc phải nghiêm khắc nhìn thẳng vào sự thật. Điều này hoàn toàn không mới, nhưng lâu nay rơi vào tình trạng “trên nóng, dưới nguội”. Hơn 2 năm trước, tại hội nghị về đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị (4/3/2017), chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã thẳng thắn nói rằng: khi làm GĐCATP tôi thống kê trên 180 quán bia hơi vỉa hè thì 150 quán có CA đứng đằng sau. Ông dẫn chứng tiếp: Có điểm bán hoa quả mỗi tháng nộp 3 triệu đồng cho CA. Hay, có cửa hàng nằm giáp ranh 3 quận, các đoàn kiểm tra xuống cứ đổ cho nhau vì “cả ba đều thu tiền”. Đó là tiếng nói của lãnh đạo cao nhất chính quyền TP. Còn, đây là tiếng nói của một người bán hàng ăn ở phố Vọng: Thức khuya, dậy sớm làm ăn “ba cọc, ba đồng”, nhưng hàng tháng các vị ở phường, ở quận xuống “lĩnh lương” đều đều. Không “chi” kịp thời thì hôm sau đừng hòng bán hàng (!)
Đúng như lời phát biểu của ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong phiên họp toàn thể của Ủy ban kinh tế Quốc hội (30/8/2019), rằng: họ (hộ kinh doanh) đang phải “nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương, nuôi rất lớn...” Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng, làm cho công tác giải phóng vỉa hè rơi vào tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa” Nhiều người lấy làm khó hiểu! Chính quyền trong tay, có đầy đủ công cụ, phương tiện pháp lý từ lực lượng CA đến trật tự đô thị, nắm chi tiết từng hộ dân, từng đoạn vỉa hè, thế mà nhiều lãnh đạo phường, quận, ngành lại “than trời kêu khó” trong việc quản lý trật tự vỉa hè?
Ngày 18/10/2018, CA Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai thực hiện mệnh lệnh số 02. Phát biểu kết luận hội nghị, sau khi nêu ra những chuyển biến tích cực, Đại tá Nguyễn Văn Viện phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ rõ những tồn tại và yêu cầu các đơn vị, địa bàn nhanh chóng khắc phục trên tinh thần: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”.
Với lực lượng đông đảo như ngày nay, kết hợp với cấp ủy, chính quyền sở tại, để thực hiện được “3 rõ”- một cách tiếp cận tính công khai và minh bạch, nên chăng ngành CA - trước hết ở các đồn, thực hiện chế độ khoán từng tuyến phố cho từng chiến sĩ, tránh tình trạng “cha chung”, “ra quân” ồ ạt...hết chiến dịch lòng đường, hè phố lại “nguyễn như vân”, mà không biết trách nhiệm thuộc về ai (!) Phải chăng, đây là một trong những giải pháp thiết thực, đảm bảo công tác an ninh trật tự đô thị, ATGT đươc duy trì một cách bền vững và hiệu quả./. Lấn chiếm vỉa hè ở Sơn La: Có hay không chuyện “bán” chỗ ngồi?
Từ khóa: phố vọng, giải phóng vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN