VOV.VN - Hà Nội là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và làng nghề. Đây là lợi thế để Thủ đô phát triển du lịch gắn với quảng bá các sản phẩm OCOP của các làng nghề truyền thống, tạo thành những tour du lịch trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Với trên 1.300 làng có nghề, Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu cả nước về số sản phẩm đạt chuẩn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Đến hết năm 2024, toàn thành phố có trên 3.000 sản phẩm OCOP đã được đánh giá đạt OCOP từ 3 đến 5 sao. Mỗi sản phẩm OCOP là kết tinh sáng tạo, tài hoa của mỗi nghệ nhân làng nghề để từ đó quảng bá, giới thiệu tới du khách và nâng cao giá trị làng nghề ở Hà Nội.
Vốn là "đất trăm nghề", huyện Thường Tín xác định qua việc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm sẽ là cơ hội để quy hoạch, nâng tầm phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương. Theo ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, qua 4 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, địa phương đã có 180 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến 4 sao. Trong năm 2024, huyện Thường Tín đánh giá, phân hạng 48 sản phẩm OCOP ở tất cả các lĩnh vực, trong đó phần lớn là các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề.
"Các sản phẩm được công nhận từ trước đến nay luôn được duy trì chất lượng, được huyện tổ chức 2 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP ở Chợ Vồi là nơi có nhiều khách hàng thường xuyên qua lại; và đặc biệt là tại khu du lịch làng nghề xã Hồng Vân đã thu hút khách hàng khắp cả nước và các đoàn tour du lịch đến đây. Các sản phẩm đều được khách hàng đón nhận rất tốt", phía UBND huyện Thường Tín cho biết.
Đến làng miến Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội những ngày này thấy rõ không khí khẩn trương, tấp nập của người dân chuẩn bị hàng cho dịp Tết. Hiện toàn xã Tân Hòa có khoảng 60 hộ sản xuất miến dong.
Ông Dương Đình Khôi, một trong những người thành công khi mang miến làng So ra thế giới, với các thị trường chính là Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ… cho biết: "Cũng như 60 hộ dân ở đây, chúng tôi mong muốn được kết nối làng nghề trở thành điểm du lịch để cho khách đến tham quan, trải nghiệm, quảng bá các sản phẩm miến của làng. Chúng tôi có chuỗi du lịch từ chùa Tây Phương, chùa Thầy. Hiện nay Quốc Oai đáng phát triển du lịch làng nghề và chúng tôi muốn mang các sản phẩm làng nghề để mọi nơi được biết".
Nằm trong đề án phát triển tour du lịch của huyện Quốc Oai, đình Làng So nổi tiếng trên cả nước bởi sự cổ kính, mang những nét đặc trưng riêng của vùng đồng bằng Bắc Bộ mà du khách muốn đến tham quan, nghiên cứu. Ông Vương Đắc Lập - Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai cho biết với lợi thế vùng và hơn 170 sản phẩm OCOP đa dạng, Quốc Oai đã lôi cuốn du khách về trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên cũng như những di tích lịch sử đặc sắc. Hiện huyện Quốc Oai đang xây dựng đề án tổng thể phát triển sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng của địa phương.
Đại diện Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội - ông Ngọ Văn Ngôn cho biết, đến nay, toàn thành phố đã đánh giá phân hạng được trên 3.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Thành phố cũng đã mở được trên 100 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó có hơn 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề tạo điểm nhấn để quảng bá các sản phẩm nông sản đặc sản, làng nghề truyền thống của mỗi địa phương.
Cùng với việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, Hà Nội cũng tập trung triển khai xây dựng 10 Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các làng nghề đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm địa phương gắn với các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống và phát huy tối đa sự tham gia của người dân, các nghệ nhân và sự vào cuộc của các đơn vị, doanh nghiệp.
Việc phát triển làng nghề gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm và thúc đẩy hoạt động du lịch làng nghề sẽ giúp gia tăng giá trị, thu nhập cũng như nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề, thu hút nhiều du khách tham quan mua sắm khi đến với Hà Nội.
VOV.VN - Sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch ”Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội” đang được Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với địa phương, doanh nghiệp triển khai xây dựng tại các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên.
Từ khóa: làng nghề, du lịch làng nghề,sản phẩm làng nghề,làng nghề hà nội,sản phẩm ocop,ocop hà nội,làng nghề truyền thống