Hà Nội còn khoảng trống không nhỏ để tạo động lực phát triển giáo dục sáng tạo

Cập nhật: 3 giờ trước

VOV.VN - Trong triển khai kế hoạch giáo dục, Hà Nội đang có một khoảng trống không hề nhỏ trong chương trình, nội dung, đánh giá giáo dục để tạo động lực phát triển giáo dục sáng tạo. Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội chưa tạo ra hệ sinh thái giáo dục hướng đến sáng tạo, kết nối: Giáo dục - Văn hoá - Kinh tế- Xã hội.

Ngày 8/11, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Diễn đàn văn hóa và giáo dục mùa Thu lần thứ nhất với chủ đề “70 năm văn hóa, giáo dục Thủ đô - Hành trình kiến tạo và phát triển”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội bày tỏ: "Hội thảo không chỉ là một sự kiện khoa học đơn thuần mà còn là một hành trình trở lại, một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa giữa những người yêu văn hóa, hết lòng vì giáo dục và mong muốn góp sức vào sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. Đây cũng là sự biểu hiện cho ý thức trách nhiệm, tấm lòng, tình cảm trân quý của thế hệ hôm nay cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục Thủ đô - Hành trình kiến tạo và phát triển".

Trong công tác giáo dục, 70 năm qua, Hà Nội đã có sự bứt phá ngoạn mục khi quy mô ngày càng phát triển, chất lượng ngày càng nâng cao thuộc tốp đầu cả nước. Từ góc độ đào tạo giáo viên, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, giáo dục Hà Nội vẫn còn những tồn tại, trong đó có vấn đề quy hoạch mạng lưới trường học.

Với quá trình chuyển đổi số giáo dục, theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, nên giữ ở mức tối thiểu thời gian dạy trực tuyến, nhất là với học sinh mầm non, phổ thông; ngược lại, quy trình quản lý thì cần số hoá ở mức tối đa. Thêm nữa, Hà Nội cần có chính sách miễn toàn bộ chi phí học tập, ít nhất đến cấp THCS để dẫn dắt các địa phương trên cả nước và đẩy mạnh trong công tác hợp tác quốc tế.

Còn theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một khảo sát mới đây với 37 hiệu trưởng trường THPT của TP Hà Nội cho thấy, hầu như các trường học đã tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, nhưng không xác định rõ mục tiêu giáo dục sáng tạo.

Những ưu tiên nếu có của các nhà trường hiện nay tập trung vào việc đưa học sinh đến không gian trải nghiệm hơn là đưa nội dung học tập phát triển năng lực sáng tạo trong chương trình nhà trường. Trong khi đó, sự phân bố các không gian sáng tạo tập trung vào địa bàn quận Hoàn Kiếm và một số địa bàn thuộc vùng lõi Thủ đô. Sự phân bố này không thuận lợi cho sự trải nghiệm thực tiễn.

Thực tế, trong triển khai kế hoạch giáo dục, Hà Nội đang có một khoảng trống không hề nhỏ trong chương trình, nội dung, đánh giá giáo dục để tạo động lực phát triển giáo dục sáng tạo. Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội chưa tạo ra hệ sinh thái giáo dục hướng đến sáng tạo, kết nối: Giáo dục - Văn hoá - Kinh tế- Xã hội. Hà Nội lựa chọn trở thành một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, với các mục tiêu có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên.

"Hà Nội cũng đã có chiến lược và chương trình hành động để phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, là cơ sở để trở thành thành phố sáng tạo bền vững. Tuy nhiên, thực tế triển khai những năm qua cho thấy, từ chỉ đạo và điều hành, còn chưa rõ những giải pháp thiết thực cho giáo dục sáng tạo trở thành một mục tiêu, một quyết tâm hành động của Thành phố, của ngành giáo dục, của mỗi nhà trường", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, Hà Nội đã tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực Thiết kế từ năm 2019. Cùng với sự triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển đổi số trong giáo dục,… Hà Nội đang có cơ hội thay đổi để tạo ra hệ sinh thái cho giáo dục sáng tạo. Trong bối cảnh hiện nay và khoảng thời gian 3-5 năm tới đây, các giải pháp nên tập trung vào truyền thông, tạo động lực, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, thực hành kĩ năng về thiết kế sáng tạo. "Sự chậm trễ trong triển khai sẽ lấy mất đi cơ hội và chắc chắn làm trễ tiến độ xây dựng thành phố sáng tạo. Đồng thời, nếu không xuất phát từ giáo dục, thì thành quả sáng tạo có được cũng không thể bền vững".

Từ khóa: hà nội, hà nội, sáng tạo, giáo dục, giáo dục sáng tạo,đổi mới giáo dục

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nguyễn trang/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập