Hà Nội còn 168 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo”
Cập nhật: 25/09/2019
Chí Phèo trên sân khấu nhạc kịch của Đông Hùng gây sốt vì...quá đẹp trai
"Cười xuyên biên giới" vượt mặt doanh thu của "Bỗng dưng trúng số"
VOV.VN-Số lượng “nhà siêu mỏng, siêu méo” ở Hà Nội vẫn còn rất lớn. Điều này cho thấy, chính quyền các quận, huyện vẫn “đủng đỉnh” với những căn nhà dị dạng này
Theo thống kê của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, hiện, trên địa bàn thành phố còn 168 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (hay còn gọi là nhà siêu mỏng, siêu méo) chưa được giải quyết dứt điểm. Trong đó, 42 trường hợp phát sinh giai đoạn 2005 - 2017 và 21 trường hợp phát sinh sau các dự án mở đường năm 2018.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thực trạng chậm trễ trong việc xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng là trách nhiệm của chính quyền quận huyện, xã phường. “Với chức năng của thanh tra xây dựng thì công tác phát hiện là chính. Giải quyết vấn đề này không phải chỉ có thanh tra xây dựng”, ông Dũng nói.
Hà Nội vẫn còn 168 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo”. |
Một điều đáng chú ý là, dù nhiều nhà siêu méo, siêu mỏng cũ chưa được xử lý, nhưng nhà “siêu mỏng, siêu méo” mới luôn tiềm ẩn xuất hiện, nhất là tại các tuyến đường mới mở. Đó là thực trạng đường đang thi công dang dở, nhưng nhiều công trình xây dựng hai bên đã xong, trong đó có cả nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Mặc cho quy định cấm xây nhà “siêu mỏng, siêu méo” của thành phố, nhiều chủ đất vẫn “lách qua ô cửa hẹp” để xây những căn nhà 2, 3 thậm chí 4 tầng, dù diện tích đất chỉ trên dưới 10 m2.
Chứng kiến những căn nhà “dị dạng” xuất hiện bên đường Phạm Văn Đồng, ông Trần Hoàng Anh, trú tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm thất vọng về cách quản lý đô thị, trật tự xây dựng của ngành chức năng quận Bắc Từ Liêm nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung. Đó là thực trạng quyết liệt trong văn bản giấy tờ, hội nghị, nhưng lại không “đến đầu đến đũa” trên thực tế.
Xin được nói thêm rằng, đường Phạm Văn Đồng từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, nằm trong dự án mở rộng tuyến Vành đai 3, có tổng mức vốn đầu tư trên 3.100 tỷ đồng. Để thực hiện dự án quan trọng này, UBND thành phố phải thu hồi khoảng 390.000m2 đất, và ngay lập tức những căn “nhà mỏng, siêu méo” xuất hiện.
"Tôi thấy việc xử lý cũng như ngăn chặn nhà siêu mỏng siêu méo của Hà Nội không đâu vào đâu. Thành phố cần quyết liệt hơn", ông Trần Hoàng Anh kiến nghị.
Trước thực trạng tồn đọng, nguy cơ bùng phát nhà “siêu mỏng, siêu méo”, nhất là tại những dự án giao thông mới, ngành chức năng Hà Nội sẽ thực hiện thu hồi, khuyến khích các chủ hộ giáp ranh hợp khối đối với nhà diện tích dưới 15m2 sau giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Hoành Dũng, Chủ tịch UBND phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng cho biết, để ngăn chặn “nhà siêu mỏng, siêu méo” có thể phát sinh khi thực hiện dự án đường vành đai 2 qua địa bàn, phường phối hợp với các phòng ban giám sát, thực hiện nghiêm về trật tự xây dựng. “Ngay từ khi khảo sát công tác giải phóng mặt bằng chúng tôi đã thực hiện tuyên truyền về các quy định”, ông Dũng nhấn mạnh.
Rõ ràng, với con số 168 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn và nguy cơ bùng phát tại các cung đường mới mở cho thấy, Hà Nội vẫn còn lúng túng trong xử lý đối với những công trình ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị này./.
Hà Nội vẫn phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo khi làm đường
Từ khóa: nhà siêu mỏng siêu méo, xây dựng nhà trái phép, dự án giao thông mới, mỹ quan đô thị, thành phố Hà Nội
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN