"Hà Nội cần có giải pháp từ sớm, từ xa chặn giá tiêu dùng tăng cao"
Cập nhật: 02/07/2024
VOV.VN - Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đề nghị, UBND thành phố Hà Nội đánh giá kỹ hơn nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tăng cao; các giải pháp từ sớm, từ xa khắc phục tình trạng này trong các tháng cuối năm khi mức lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2024.
Theo chương trình kỳ họp chiều 1/7, HĐND thành phố Hà Nội thảo luận tại các tổ về 4 nội dung về: Nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024 của thành phố Hà Nội. Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp Thành phố năm 2024 và định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của thành phố Hà Nội; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm 2021-2025 cấp Thành phố. Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.
Về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024 của thành phố Hà Nội. Các đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của Thành phố trong triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết, Chương trình của Thành ủy và của HĐND Thành phố trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH đã được xác định từ cuối năm 2023 và nội dung triển khai công tác năm 2024.
Trong bối cảnh tình hình chính trị của thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, biến động phức tạp, khó lường. Bức tranh kinh tế của Thủ đô có kết quả nổi bật và được đại biểu đánh giá cao là: Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện là 252.054 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ; Vốn đầu tư phát triển xã hội ước đạt 208.784 tỷ đồng, tăng 9,55% - cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 9,0%). Các ngành kinh tế thương mại, dịch vụ được duy trì tăng trưởng; du lịch được phục hồi với nhiều chỉ số tích cực…
Thành phố đã quan tâm đến triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…; tích cực xây dựng và phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 trình Quốc hội cho ý kiến; đặc biệt đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi để báo cáo Chính phủ và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa qua với tỷ lệ tán thành cao. Đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển, tạo cơ chế đột phá, huy động tối đa nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Thành phố tiếp tục triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng trong nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt nỗ lực trong thực hiện GPMB và triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Công tác CCHC, tăng cường kỷ luật kỷ cương của các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố có những chuyển biến tích cực. Việc tổ chức sắp xếp, tinh giản biên chế tại các cơ quan, đơn vị cơ bản đã triển khai có hiệu quả. Văn hóa - xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được vấn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân. Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đề nghị, UBND thành phố Hà Nội đánh giá kỹ hơn nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong các tháng đầu năm; các giải pháp từ sớm, từ xa khắc phục tình trạng này trong các tháng cuối năm khi mức lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2024.
Đánh giá kỹ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan về thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, mặt nước chưa đạt kết quả cao; trong đó công tác đấu giá đất còn gặp không ít khó khăn (như việc xác định giá khởi điểm còn chậm, số lượng nhà đầu tư quan tâm chưa nhiều…); việc triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với nhiều khu vực chưa đạt kết quả như mong đợi, rất ít nhà đầu tư quan tâm.
Theo các đại biểu trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; trong đó các nhóm các dự án trọng điểm của Thành phố triển khai còn chậm, cần đánh giá kỹ hơn để rút kinh nghiệm. Phân tích cụ thể nguyên nhân chỉ số PCI của Thành phố liên tiếp giảm qua các năm. Ngoài ra các đại biểu cũng đề nghị, Thành phố Hà Nội oổ sung, đánh giá làm rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc các vấn đề như: trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai của các đơn vị trên địa bàn Thành phố.
Các nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc số lượng doanh nghiệp giảm so với năm 2023; công tác hỗ trợ doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả.
Công tác quản lý nhà chung cư tái định cư, quỹ nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước còn bất cập, đề nghị Thành phố có biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý hiệu quả.
Đại biểu cũng đề nghị, Hà Nội đánh giá rõ thêm vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng để tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố làm nơi kinh doanh, dừng đỗ phương tiện trên nhiều tuyến đường phố vẫn đang tồn tại; vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm lấn chiếm hành lang đê điều, vi phạm trên đất công ích, đất nông nghiệp chưa được giải quyết triệt để.
Nguyên nhân việc triển khai các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông và tại các làng nghề chậm chuyển biến; ô nhiễm không khí tại khu vực đô thị vẫn là vấn đề chậm được giải quyết.
Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng, Thành phố cần làm rõ thêm nguyên nhân tình trạng quá tải ở các bệnh viện đặc biệt là các bệnh viện tuyến trên; tình trạng thiếu thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế.
Phân tích rõ hơn tình trạng quá tải học sinh tại một số địa bàn, khu vực; khắc phục tình trạng chênh lệch chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và khu vực ngoại thành; dạy thêm không đúng quy định… Đánh giá rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở.
Tình trạng cháy nổ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy còn cao tại các khu vực ngõ hẻm đông dân cư, khu vực kinh doanh kết hợp cho thuê trọ, khu vực kho xưởng lợp tôn trong các quận nội thành… đề nghị phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân để có có biện pháp phòng chống cháy nổ tốt hơn trong thời gian tới.
Từ khóa: tiêu dùng, tiêu dùng, đại biểu hà nội, giải pháp, từ sớm, từ xa, chặn giá tiêu dùng tăng, giá tiều dùng
Thể loại: Xã hội
Tác giả: h.la/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN