Gươl - ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu
Cập nhật: 19/08/2023
VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam là địa phương có số lượng đồng bào dân tộc Cơ Tu tập trung sinh sống nhiều nhất, cũng là nơi hiện diện của nhiều Gươl nhất. Đây là nơi thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu
Gươl theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là nhà cộng đồng. Mỗi làng Cơ Tu đều có Gươl. Đây là nơi diễn ra những sinh hoạt chung của cộng đồng và qua không gian chung đó, người Cơ Tu khái quát được phần nào đó đời sống văn hóa cũng như trình độ kiến trúc, điêu khắc của mình.
Trong ảnh là một Gươl lớn của người Cơ Tu ở thôn Pơr'ling, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam. Đây là một trong những Gươl được xếp hạng đẹp nhất của tỉnh Quảng Nam. Gươl là biểu tượng văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Không gian của Gươl được bố trí hài hòa, tạo cảm giác ấm cúng, nồng hậu và chân tình của người Cơ Tu.
Gươl thường tọa lạc ở những vùng đất rộng, trung tâm của thôn, của làng. Bên cạnh Gươl lớn là các gươl nhỏ của các dòng họ.
Ông Võ Văn Hòe, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Quảng Nam cho biết: Gươl của người Cơ Tu giống như đình làng của người Việt. Xưa kia, Gươl không phải là nơi họp hội mà Gươl là nơi cúng Giàng, thờ Giàng (Thờ cúng thần mặt trời). Ngoài ra đây là nơi để thờ cúng tổ tiên ông bà, những người tiền bối của họ. Điều này là tín ngưỡng của người Cơ Tu liên quan đến vũ trụ quan, nhân sinh quan , như vậy Gươl là nơi thờ tự, cúng Giàng. Gươl còn là một chốn linh thiêng để dân làng tiến hành các thủ tục tâm linh vì người dân Cơ Tu khi sinh ra hay khi mất đi, đều làm lễ ở Gươl.
Gươl có kiến trúc kiểu nhà sàn bằng gỗ truyền thống, mái lợp lá cao vút. Trên vách của Gươl là nơi trạm khắc hình ảnh thể hiện cuộc sống sinh động đời thường của người Cơ Tu như muông thú, cỏ cây, cảnh múa cồng chiêng, săn bắt thú rừng của các chàng trai, cô gái Cơ Tu.
Kết cấu của Gươl có một trụ to ở chính giữa, xung quanh nhiều trụ nhỏ kết nối với nhau thành hệ thống vững chắc. Cây cột trụ này khẳng định uy quyền, sự lớn mạnh của bản làng này với bản làng khác. Cột to ở giữa thể hiện trái tim của làng. Cây cột càng to thì nó thể hiện sự đoàn kết của làng càng mạnh. Cây cột to đó được đồng bào Cơ Tu gọi là cây cột bố vì người Cơ Tu theo chế độ phụ hệ.
Điêu khắc nhà Gươl của người Cơ Tu gắn với linh hồn của mỗi thôn, làng. Chính vì thế, người Cơ Tu tin rằng, chính linh hồn của làng đã tạo nên linh hồn cho các tác phẩm điêu khắc ấy. Gươl cũng chính là chốn linh thiêng, mọi người dân trong làng đều phải tôn kính.
Giá trị kiến trúc chạm khắc của đồng bào Cơ Tu được thể hiện trong chính công trình Gươl, đó là những mặt người và hệ sinh thái động thực vật. Những gì mà đồng bào Cơ Tu thấy trong đời sống sinh hoạt của mình thì người Cơ Tu chạm khắc lên trên nhà Gươl. Mục đích để giáo dục con cái về bảo vệ môi trường vì mọi giá trị văn hóa người Cơ Tu đều gắn với mẹ rừng.
Khi bước chân vào làng của đồng bào Cơ Tu thì ấn tượng đầu tiên là ngôi nhà Gươl. Gươl là nơi thể hiện tính đoàn kết cộng đồng làng. Các lễ hội lớn nhỏ của làng đều diễn ra tại Gươl. Đối với đồng bào Cơ Tu, làng mà không có Gươl thì làng đó không phải làng của Cơ Tu. Trong ảnh là các thiếu nữ Cơ Tu biểu diễn điệu múa “Tung tung – Da dá” - linh hồn của di sản văn hóa Cơ Tu.
Gươl không chỉ là sản phẩm của một cá nhân mà là thành quả từ sự chung tay góp sức của tất cả người dân trong làng. Dưới những đôi bàn tay khéo léo của những người thợ giỏi nhất, Gươl toát lên vẻ bề thế nhưng rất tự nhiên, hội tụ được tinh hoa kiến trúc từ bao đời. Để rồi, qua thăng trầm của thời gian, nó trở thành niềm tự hào của người Cơ Tu. Trong ảnh là một ngôi làng truyền thống Cơ Tu, được tái hiện ngay tại trung tâm hành chính huyện Tây Giang- Quảng Nam
Ngôi làng Cơ Tu này không chỉ có giá trị trưng bày mà còn là nơi ở cho các cán bộ, con em đồng bào Cơ Tu mỗi khi có việc phải ra trung tâm huyện họp, học hành, tập huấn...
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thì có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, nhưng đông nhất là đồng bào Cơ Tu. Đối với đồng bào Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn huyền thoại trong đó có các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang thì công trình Gươl như một bảo tàng sống.
Từ khóa: gươl, cơ tu, quảng nam, sinh hoạt, cộng đồng, văn hóa
Thể loại: Đời sống
Tác giả: giáng hương/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN