GS Hoàng Chí Bảo: Khát vọng cống hiến luôn tiềm tàng trong mỗi con người

Cập nhật: 01/05/2022

[VOV2] - "Khát vọng cống hiến luôn tiềm tàng trong mỗi con người, nhất là lớp trẻ. Nhưng cần tạo cơ hội và điều kiện cho thế hệ trẻ thực hiện khát vọng cống hiến", GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030” vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung Ương có bài tham luận sâu sắc về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong thanh thiếu niên, nhi đồng.

GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định, khát vọng cống hiến luôn tiềm tàng trong mỗi con người, nhất là lớp trẻ. Nhưng nó có thể phát triển tích cực, lành mạnh trong môi trường xã hội, đạo đức và nhân văn nhưng ngược lại nó sẽ bị suy giảm, thui chột nếu chịu sự áp đảo của kỹ thuật - công nghệ, sự thiếu vắng, yếu kém của các phẩm chất xã hội về đạo đức, nhân tính.

“Muốn thanh thiếu niên nuôi dưỡng và phát huy được khát vọng cống hiến, góp sức vào thực hiện khát vọng phát triển đất nước cần phải tìm kiếm và áp dụng các giải pháp phù hợp với bản thân họ và tương thích với sự đòi hỏi, mong đợi của xã hội"  GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.

Cụ thể, ông chỉ ra năm giải pháp quan trọng để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, trước tiên là phải giáo dục lòng yêu nước, ý thức và niềm tự hào dân tộc.

Giáo dục lòng yêu nước theo GS.TS Hoàng Chí Bảo phải bắt đầu từ tuổi còn nhỏ, qua những trang sử, những truyền thuyết, sự kiện và nhân vật… Đặc biệt, phải thấy hết giá trị, tầm vóc và ý nghĩa của môn Lịch sử. Phải coi môn học này là nền tảng của giáo dục đạo đức, bổn phận, nghĩa vụ trách nhiệm chính trị và xã hội cho mỗi học sinh.

“Bác Hồ đặc biệt chú trọng giáo dục lịch sử. Người nhấn mạnh, phải coi trọng các môn học về tinh thần, những môn Khoa học nhân văn, Văn học, Lịch sử, Đạo đức, Giáo dục công dân..."

Nhưng GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, phải tìm tòi để đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục sao cho có sức lôi cuốn, hấp dẫn, thuyết phục nhất đối với thanh thiếu niên.

Các nhà giáo phải có sức “truyền lửa”, “truyền cảm hứng”, “chạm” vào trái tim, tâm hồn trẻ thơ, “đánh thức” tiềm năng thông minh, sáng tạo trong trí tuệ của các em, dẫn dắt các em biết tự mình nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước.

Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên, GS Hoàng Chí Bảo đặc biệt nhấn mạnh đến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cần tận dụng triệt để những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ trong giáo dục thiếu niên, nhi đồng, với “Năm điều khuyên” (1946) và “Năm điều dạy” (1961) và ý nghĩa của việc Bác bổ sung 5 điều này vào dịp Bác viết và sửa di chúc (1965 - 1969)…

Cần phải khuyến khích, cổ vũ các tài năng trẻ; Phong trào tuổi trẻ sáng tạo; Phải phát hiện kịp thời các nhân tài trẻ ở trong mọi lĩnh vực, nhất là trong khoa học và nghệ thuật… coi đó là tài nguyên phát triển đất nước, tạo môi trường và dư luận xã hội để làm cho nhân tài trẻ xuất hiện, giúp họ thực hiện khát vọng cống hiến. Đây cũng là giải pháp phát triển, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Đảng ta đã đề ra.

"Có chính sách nhằm thúc đẩy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, tạo cơ hội và điều kiện cho thế hệ trẻ thực hiện khát vọng cống hiến”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Cuối cùng, GS.TS Hoàng Chí Bảo lưu ý, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong thanh thiếu niên cần đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, của cán bộ Đoàn, của những người có ảnh hưởng tới thế hệ trẻ như các trí thức chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà quản lý….

Thực hiện lời Bác dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị và ý nghĩa hơn hàng trăm bản diễn văn, tuyên truyền”. Đó là những tấm gương văn hoá, nhân cách, thúc đẩy tuổi trẻ nuôi dưỡng và thực hiện khát vọng cống hiến.

Từ khóa: Giáo sư Hoàng Chí Bảo, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, học sinh, sinh viên, thanh niên, thiếu niên, Vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập