Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Bảo đảm nền tư pháp độc lập
Cập nhật: 12/11/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Tiến sĩ Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao cho biết, một trong những vấn đề cơ bản là thiết lập các cơ chế pháp lý hiệu quả, bảo đảm nền tư pháp độc lập.
Ngày 11/11, tại TAND Tối cao (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị.
Dự thảo các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ mục tiêu: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân…”
Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục kế thừa các mục tiêu cơ bản đối với định hướng xây dựng nền tư pháp trong thời gian tới, đồng thời định hướng cải cách tư pháp theo Văn kiện của Đảng cũng được bổ sung, phát triển nhiều mục tiêu cơ bản mới, như: chuyên nghiệp, công bằng, liêm chính. Đây là bước chuyển mới về chất, thể hiện bản chất của nền tư pháp. Qua đó kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc và tiếp cận giá trị tư pháp hiện đại trên thế giới.
Đóng góp ý kiến, Tiến sĩ Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao cho biết: Một trong những vấn đề cơ bản là thiết lập các cơ chế pháp lý hiệu quả, bảo đảm nền tư pháp độc lập, đảm bảo tòa án phục vụ cho sự công bằng.
"Tôi có nhiều học trò là thẩm phán ở các tòa án tỉnh. Một số vụ việc khi tôi thấy nghi ngại với kết quả xét xử thì đã gọi cho họ. Có những thẩm phán tòa tỉnh đã nói với tôi, để xét xử vụ án này thì trằn trọc mất hai đêm không ngủ được. Tôi nghĩ rằng, để cải cách tư pháp có hiệu quả thì bản thân mỗi thẩm phán phải tự cố gắng để cải thiện bản thân, làm sao để mỗi thẩm phán phải là một biểu tượng sáng ngời của công lý”. - Tiến sĩ Đặng Quang Phương nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi đã nhận được các bài viết, lắng nghe các phát biểu của nhiều nhà khoa học, các đại biểu là giáo sư đầu ngành rất tâm huyết với sự nghiệp cải cách tư pháp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ phát biểu và bài viết, để chúng ta tư vấn thêm với Tiểu ban văn kiện. Về phương hướng chung, chúng ta tôn trọng dự thảo, cả về nội dung căn cốt và dung lượng. Những ý kiến gợi mở của các đại biểu là rất đáng lưu ý. Chúng ta sẽ góp ý, bổ sung một số vấn đề quan trọng, trở thành căn cốt của nền tư pháp. Tiếp tục kế thừa những giá trị của cải cách tư pháp trong thời gian qua.”./.
Từ khóa: thẩm phán, TAND Tối cao, cải cách tư pháp, hội nghị, đại biểu, văn kiện đại hội Đảng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN