Google đang làm gì để bảo vệ người dùng khỏi phần mềm độc hại
Cập nhật: 03/04/2021
VOV.VN - Google được cho là đang thực hiện các thay đổi đối với Chính sách chương trình dành cho nhà phát triển nhằm khiến các ứng dụng khó có thể xem các ứng dụng khác mà họ đã cài đặt trên điện thoại của mình.
Trong một tài liệu hỗ trợ mới, Google Play coi các ứng dụng trên thiết bị của người dùng là “thông tin cá nhân và nhạy cảm”, có nghĩa quyền xem danh sách ứng dụng đó không được cung cấp miễn phí cho mọi ứng dụng. Cụ thể, có một quyền trên Android có tên QUERY_ALL_PACKAGES cho phép một ứng dụng xem mọi ứng dụng khác hiện được cài đặt trên điện thoại hoặc máy tính bảng Android của người dùng. Nhưng kể từ 5/5/2021, chỉ những ứng dụng có chức năng nhất định mới có thể sử dụng quyền này.
Google cũng giải thích rằng quyền chỉ có hiệu lực đối với các ứng dụng cài đặt trên các thiết bị Android 11 trở lên, có nghĩa là nhiều điện thoại sẽ không được bảo vệ bởi thay đổi chính sách nói trên.
Đối với những ứng dụng được phép thu thập, Google yêu cầu đó là các ứng dụng nhằm mục đích nhận biết hoặc khả năng tương tác có thể đủ điều kiện để được cấp phép. Các ứng dụng được phép bao gồm: tìm kiếm thiết bị, ứng dụng chống vi-rút, trình quản lý tập tin và trình duyệt. Các ứng dụng được cấp quyền truy cập vào quyền này phải tuân thủ chính sách dữ liệu người dùng, bao gồm các yêu cầu về sự đồng ý và tiết lộ rõ ràng, đồng thời không được mở rộng việc sử dụng nó cho các mục đích không được tiết lộ hoặc không hợp lệ.
Nếu một ứng dụng đáp ứng tất cả các yêu cầu, nhà phát triển ứng dụng đó vẫn cần phải tuyên bố rằng QUERY_ALL_PACKAGES là một phần của ứng dụng trong Play Console. Bất kỳ nhà phát triển nào không gửi biểu mẫu khai báo hoặc các ứng dụng không đáp ứng yêu cầu mà vẫn cố tìm cách xem các ứng dụng trên điện thoại của người dùng đều có thể bị xóa hoàn toàn khỏi Google Play Store. Không chỉ ứng dụng bị tạm ngưng mà Google còn có thể chấm dứt tài khoản nhà phát triển của họ.
Đây là cách làm của Google nhằm nâng cao việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, đặc biệt khi Apple đã có những hành động mạnh mẽ với vấn đề này. Ví dụ, Apple hiện buộc các nhà phát triển phải minh bạch hơn trong việc theo dõi người dùng, thậm chí công ty đã bắt đầu từ chối các ứng dụng cố gắng theo dõi người dùng mà không nhắc họ trước.
Với những cách làm này, các công ty đang đi đúng hướng khi người dùng đang muốn giành lại một số quyền kiểm soát đối với dữ liệu cá nhân của họ, từ đó nâng cao khả năng bảo vệ quyền riêng tư của mọi người dùng bất kể là Android hay iOS./.
Từ khóa: Google, Android, Apple, iOS, quyền riêng tư, dữ liệu người dùng
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN