Gốm Bàu Trúc và thổ cẩm Mỹ Nghiệp "kẹt đường" vào OCOP
Cập nhật: 29/11/2020
VOV.VN - Gốm Chăm ở Bàu Trúc (Ninh Thuận) không chỉ là sản phẩm gốm mà còn ở giá trị lịch sử, văn hóa của nó với phát triển du lịch.
Ninh Thuận có hai làng nghề truyền thống của người Chăm là làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Các sản phẩm từ hai làng nghề này được đánh giá là có tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP, tuy nhiên quá trình thực hiện hồ sơ để trở thành sản phẩm OCOP trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” vẫn còn vướng ở một số tiêu chí.
Là người trực tiếp tham gia tập huấn, hướng dẫn hồ sơ để xây dựng và phát triển làng nghề gốm Bàu Trúc trở thành sản phẩm OCOP trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, ông Đàng Chí Quyết, Trưởng khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cho rằng, từ nhiều năm nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường, các sản phẩm gốm của làng nghề đã hướng tới thiết kế mang tính hiện đại nhưng vẫn giữ được đặc trưng của gốm không bàn xoay, tất cả đều làm bằng tay. Hiện các nghệ nhân tại làng nghề gốm Bàu Trúc đã nỗ lực, phấn đấu tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới mang tính đặc thù và đặc biệt là khâu chất lượng, để đáp ứng tiêu chí về sản phẩm đạt chuẩn chương trình OCOP.
"Mong rằng qua chương trình OCOP này thì sản phẩm của làng nghề gốm Bàu Trúc sẽ đạt tiêu chuẩn chương trình OCOP và quan khách du lịch tham quan cũng như các thị trường chấp nhận sản phẩm gốm Bàu Trúc không chỉ là thị trường trong nước mà cả thị trường ngoài nước" - ông Quyết cho biết.
Gốm Chăm ở Bàu Trúc không chỉ là sản phẩm gốm mà còn ở giá trị lịch sử, văn hóa của nó với phát triển du lịch. Tuy nhiên để cho làng nghề này phát triển bền vững thì vấn đề nguồn nguyên liệu cũng phải được tính đến. Đây đang là rào cản để cho sản phẩm gốm có mặt trong chương trình OCOP.
Cũng như gốm Bàu Trúc, sản phẩm nghề dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cũng có từ lâu đời, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận “Nhãn hiệu tập thể”. Để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, nhiều mẫu mã đã được thay đổi với các hình thức đa dạng, nhiều màu sắc sặc sỡ có đan xen những hoa văn độc đáo của người Chăm.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng hồ sơ phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp thành sản phẩm OCOP, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là địa phương không chủ động được nguồn nguyên liệu mà chủ yếu là nhập khẩu hoàn toàn.
Bà Đàng Sinh Ái Chi - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận cho biết, hiện nay vẫn đang có nhiều vướng mắc về nguồn nguyên liệu như tơ, sợi để tạo ra các dòng sản phẩm phục vụ du khách.
Bà Ái Chi nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, chúng tôi mong rằng các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đầu tư, để bà con của hai làng nghề nhận được hỗ trợ các chính sách ưu đãi. Qua đó tạo điều kiện cho bà con phát triển làng nghề của mình và có hướng giải pháp, cùng với địa phương để tạo nguyên liệu để phát triển sản phẩm".
Để hai làng nghề này góp mặt trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, việc hình thành nguyên liệu tại chỗ cần phải được địa phương quan tâm. Về nguyên liệu làm gốm Bàu Trúc, địa phương cần quy hoạch tách bạch vùng đất làm gốm ra khỏi đất trồng lúa. Còn về nguyên liệu phục vụ cho nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cần khôi phục lại vùng trồng cây bông.
Theo Tiến sỹ Ngô Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia TP HCM, trước đây, Ninh Thuận từng là nơi có nghề trồng bông khá nổi tiếng. Khi trồng bông không chỉ phát triển nguyên liệu cho sản phẩm dệt mà chúng ta có thể hình thành một làng du lịch tại đây.
"Yếu tố từ nguồn nguyên liệu bông rất là đẹp, mỗi người có thể chụp ảnh. Đặc biệt kỹ năng về dệt truyền thống của đồng bào Chăm ở đây sẽ mang yếu tố giá trị rất là lớn không chỉ sản phẩm về thủ công mỹ nghệ mà còn phát triển về du lịch, nông thôn mới của đồng bào Chăm Ninh Thuận" - Tiến sỹ Ngô Thị Thu Trang nêu ý kiến.
“Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, với trọng tâm là phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tinh hoa, đặc biệt của mỗi vùng, được chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất.
Vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức đánh giá, thẩm định, chấm điểm và phân hạng 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020 của các chủ thể 7 huyện, thành phố trong tỉnh… Tại đây, 8 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao, 15 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại đạt 3 sao. Tuy nhiên, trong đợt đánh giá, phân hạng lần này sản phẩm của hai làng nghề truyền thống của người Chăm chưa được chấm điểm phân hạng sao, do chưa hoàn tất thủ tục hồ sơ đăng ký theo bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP.
Ông Đặng Kim Cương – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đang trở thành động lực để kích thích, làm mới kinh tế nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này cũng đang tạo sức bật cho các địa phương theo hướng bền vững, khẳng định vị thế cho sản phẩm hàng hóa địa phương.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá sản phẩm theo tiêu chuẩn và theo chuỗi giá trị để kết nối đầu ra tiêu thụ sản phẩm, từ khâu trồng trọt, đến khâu sản xuất cho đến thu hoạch và cái bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm ở địa phương", ông Cương cho hay.
Hiện các sản phẩm của hai làng nghề truyền thống Chăm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà đang tiếp cận nhiều thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, việc xây dựng sản phẩm của hai làng nghề truyền thống Chăm để tham gia vào chương trình OCOP nhằm hướng các làng nghề này phát triển những sản phẩm chất lượng cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân và khẳng định thương hiệu trên thị trường./.
Từ khóa: Nghệ nhân, gốm thủ công, Gốm Bàu Trúc, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, OCOP, Ninh Thuận, thủ công mỹ nghệ
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN