Gợi ý đáp án môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm học 2022-2023

Cập nhật: 18/06/2022

[VOV2] - Theo nhận định của các giáo viên, dự kiến phổ điểm trung bình môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 THPT của TP. Hà Nôi năm học 2022-2023 sẽ không thấp. Khoảng điểm phổ biến có thể từ 6.5 - 7.5 điểm.

Sáng 18/06, gần 107.000 sĩ tử 2K7 của thành phố Hà Nội hoàn thành bài thi Ngữ văn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Năm nay, Đề thi môn Ngữ văn gồm 2 phần:

Phần I: (6,5 điểm)

Trong những ngày tháng cuối đời, nhà thơ Thanh Hải vẫn thiết tha đón nhận vẻ đẹp của cuộc sống:

"Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng".

(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021)

Đề yêu cầu:

1. Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác theo thể thơ nào? Ghi lại mạch cảm xúc của bài thơ.

2. Nêu giá trị gợi hình, gợi cảm của hình ảnh "giọt long lanh rơi" trong hai dòng thơ trên.

3. Kể tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn cấp Trung học cơ sở cũng viết về mùa xuân, ghi rõ tên tác giả.

4. Từ những ấn tượng về mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ bộc lộ tiếng lòng náo nức:

"Mùa xuân người cầm súng

"Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao..."

Em hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp làm rõ vẻ đẹp mùa xuân đất nước và cảm xúc của tác giả ở khổ thơ trên, trong đó có sử dụng câu bị động và phép thế để liên kết (gạch dưới, chú thích rõ một câu bị động và từ ngữ dùng làm phép thế).

Phần II (3,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

"Có một gương mặt đẹp soi vào gương quả là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc càng trọn vẹn hơn nếu có một tâm hồn đẹp để mỗi khi soi vào tấm gương lương tâm sâu thẳm mà lòng không hổ thẹn".

(Theo Băng Sơn, Tấm gương, Ngữ văn 7, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021).

1. Gọi tên và chỉ rõ một phép liên kết ở đoạn trích trên. Trong cụm từ "tấm gương lương tâm", người viết sử dụng biện pháp tu từ nào?

2. Theo tác giả, những điều gì giúp con người cảm thấy hạnh phúc?

3. Từ đoạn trích trên, kếp hợp với những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ của mình (khoảng 2/3 trang giấy thi) về vấn đề: Sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

Trao đổi với phóng viên VOV2 (Đài TNVN), cô giáo Phùng Thu Hằng, tổ trưởng tổ Văn Sử, trường THCS Thái Thịnh, (Quận Đống Đa, Hà Nội) nhận định đề thi bám sát với nội dung học tập, phù hợp với trình độ của đa số học sinh hiện nay.

"Đề tương đối vừa sức và vẫn có câu hỏi phân hóa học sinh, học sinh vẫn có thể phát huy phẩm chất, năng lực của mình", cô Hằng cho biết. 

Cụ thể, theo cô Hằng, cấu trúc đề khá giống với các năm trước, học sinh đã khá quen thuộc. Trong đó phần I: Khai thác một văn bản trong chương trình ngữ Văn 9 là bài “ Mùa xuân nho nhỏ”; Phần II: Một ngữ liệu trong sách giáo khoa lớp 7. Tuy nhiên đề bài không yêu cầu thí sinh phải học thuộc nhiều mà phải thực sự hiểu nội dung cũng như có kĩ năng cảm thụ.

Đánh giá yêu cầu của từng phần, từng câu trong đề thi, cô giáo Phùng Thu Hằng phân tích: 

Phần I:

Câu 1: Tương đối cơ bản. Đa số học sinh sẽ làm tốt câu này.

Câu 2: Học sinh cần có sự hiểu biết, năng lực cảm thụ để làm. Tuy nhiên hình ảnh “ giọt long lanh” cũng khá quen thuộc và được các thầy cô dậy tương đối kĩ.

Câu 4: Luận điểm cho viết đoạn văn khá rõ. Yêu cầu về tiếng việt là Câu bị động và phép thế học sinh cũng không còn xa lạ gì.

Phần II: Câu hỏi nghị luận xã hội với chủ đề sự cần thiết  của việc  nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn khá hay. Học sinh cần có những hiểu biết về xã hội, về cuộc sống xung quanh và đặc biệt thấu tỏ sự vô giá của vẻ đẹp trong tâm hồn mỗi người thì mới có thể viết sâu sắc vấn đề này. Câu hỏi này có tính phân loại cao.

"Với đề bài này, dự kiến phổ điểm trung bình của môn văn sẽ khoảng trên dưới 7 điểm như mọi năm", cô giáo Phùng Thu Hằng nhận định. 

Trong khi đó, theo nhận định của tổ Ngữ văn (Hệ thống giáo dục Học mãi), cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của thành phố Hà Nội vốn có đặc trưng riêng và vẫn giữ ổn định nhiều năm và năm nay cũng không ngoại lệ. Do thời gian làm bài quay trở về 120 phút nên số lượng câu hỏi thành phần tăng so với đề thi 2021-2022 (với thời gian 90 phút) là điều tất yếu.

Kiến thức Văn học và Tiếng Việt trải ra ở cả hai học kì, tuy nhiên trọng tâm vẫn rơi vào nội dung của Học kì II, phù hợp với tình hình “đặc biệt” của năm học 2021 - 2022. Với sức ép của số lượng thí sinh rất đông, có thể nói đề thi đã đảm bảo yêu cầu của một kì thi tuyển sinh với độ phân hoá khá tốt, giảm áp lực cho thí sinh lúc làm bài. Dự kiến kiến phổ điểm trung bình không thấp, có thể từ 6.5 - 7.5 nhưng sức nóng điểm chuẩn cũng vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan tâm của kì thi năm nay.

Dưới đây là gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ văn - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 của thành phố Hà Nội của các giáo viên Tổ Ngữ Văn (Hệ thống giáo dục HOCMAI): 

 

Từ khóa: Gợi ý đáp án, môn Ngữ văn, tuyển sinh vào lớp 10, Trung học phổ thông, Hà Nội, VOV2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập