Gợi ý đáp án môn Ngữ văn thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2020
Cập nhật: 17/07/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Sáng nay (17/7), các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội vừa hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. Buổi chiều thi môn Tiếng Anh trong 60 phút.
Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội năm 2020 gồm 2 phần. Phần 1 chiếm 6,5 điểm, phần 2 là 3,5 điểm.
Dưới đây là phần hướng dẫn đề thi Ngữ văn vào lớp 10 THPT của các giáo viên tổ Ngữ văn Hệ thống giáo dục HOCMAI:
Phần I
Câu 1:
Bài thơ ra đời vào năm 1976 – một năm sau khi đất nước thống nhất, lăng Bác mới được khánh thành. Nhà thơ Viễn Phương ra miền Bắc, vào lăng viếng Bác. Bài thơ in trong tập “Như mây mùa xuân”.
Câu 2:
- Hình ảnh thực: “mặt trời đi qua trên lăng”.
- Hình ảnh ẩn dụ: “mặt trời trong lăng rất đỏ”.
- Tác dụng của việc xây dựng cặp hình ảnh sóng đôi:
+ Thể hiện sự sáng tạo độc đáo của nhà thơ; gợi những liên tưởng và suy ngẫm sâu xa.
+ Đề cao tầm vóc và công lao to lớn, vĩ đại của Bác Hồ dành cho dân tộc.
+ Thể hiện sự yêu quý, kính trọng, biết ơn của tác giả dành cho Bác Hồ.
Câu 3:
1. Về hình thức
- Đoạn văn đảm bảo dung lượng: 12 câu.
- Hình thức lập luận: diễn dịch.
- Đoạn văn không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
- Thực hiện đủ yêu cầu Tiếng Việt trong bài viết: có sử dụng phép nối và câu chứa thành phần biệt lập tình thái (gạch dưới, chú thích rõ từ ngữ dùng làm phép nối và thành phần biệt lập tình thái).
2. Về nội dung
a. Xác định vấn đề cần nghị luận
Cảm xúc và suy nghĩ của tác giả thể hiện ở khổ thơ thứ 3 của bài Viếng lăng Bác.
b. Triển khai vấn đề
* Niềm xúc động của nhà thơ khi đứng trước di hài của Bác
- Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh vừa làm vợi bớt đau thương vừa gợi hình ảnh Bác thanh thản trong giấc ngủ ngàn thu.
- Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” gợi liên tưởng đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong và những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Bác.
* Những suy nghĩ sâu sắc của nhà thơ về Bác
- Trời xanh” là hình ảnh ẩn dụ gợi suy ngẫm về sự cao cả, vĩ đại, bất tử của Bác. Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước.
- Cấu trúc đối lập “vẫn biết … mà sao” kết hợp với câu cảm thán và động từ “nhói” diễn tả cảm xúc nghẹn ngào, nỗi đau vô hạn của của tác giả khi đứng trước di hài của Người.
Câu 4:
Một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở cũng viết về Bác Hồ: “Đêm nay Bác không ngủ” (Minh Huệ) hay “Phong cách Hồ Chí Minh” (Lê Anh Trà) hoặc “Đức tính giản dị của Bác Hồ” (Phạm Văn Đồng).
Phần II
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn: Tự sự.
Câu 2:
Câu nói: “Thưa thầy, với thầy con vẫn là đứa họ trò cũ. Con có được những thành công hôm nay là nhờ sự giáo dục của thầy ngày nào...” thể hiện vị danh tướng là một người:
- Biết giữ đúng “đạo học trò”, biết tôn trọng và đề cao vai trò của người thầy.
- Là một người biết sống ân nghĩa, luôn ghi nhớ và biết ơn công lao dạy dỗ của thầy.
- Là một người khiêm tốn, có nhân cách cao đẹp, dù ở địa vị cao vẫn luôn tôn trọng thầy, coi trọng mối quan hệ, tình nghĩa thầy trò hơn quan hệ xã hội.
Câu 3:
1. Về hình thức
Bài viết có dung lượng khoảng 2/3 trang giấy, đảm bảo đúng cấu trúc ngữ pháp, ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, không mắc lỗi chính tả, khuyến khích bài viết có những sáng tạo riêng.
2. Về nội dung
a. Xác định vấn đề cần nghị luận
Vai trò của cách ứng xử trong việc thể hiện nhân cách của mỗi con người.
b. Triển khai vấn đề
* Giải thích
- Cách ứng xử: cách con người phản ứng lại trước sự tác động của môi trường xung quanh; thể hiện ở hành động, thái độ, cử chỉ, lời nói… đối với cá nhân, tập thể và môi trường tự nhiên.
- Nhân cách: tư cách và phẩm chất con người.
à Ý nghĩa cả câu nói: Vai trò của cách ứng xử trong việc thể hiện nhân cách của mỗi con người.
* Bàn luận
- Cách ứng xử biểu hiện nhân cách của mỗi con người
+ Thông qua cách ứng xử, mỗi người tự bộc lộ “chân dung” bên ngoài lẫn đời sống nội tâm bên trong.
+ Nhờ vào cách ứng xử, mọi người sẽ hiểu ta là ai và là người như thế nào. Từ đó có nhận định, đánh giá chân thực về mỗi con người.
* Mở rộng vấn đề
- Cách ứng xử giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống, là nền tảng để tạo nên văn hóa ứng xử của một xã hội văn minh, tiến bộ.
- Cách ứng xử là cái bên ngoài, dễ nhận thấy; nhân cách là cái bên trong, không dễ xem xét, đánh giá. Do vậy, không thể đánh giá một con người chỉ thông qua cách ứng xử trong một hoàn cảnh nhất định; cần có cái nhìn toàn diện, khách quan.
* Bài học nhận thức và hành động
- Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của cách ứng xử.
- Điều chỉnh hành vi, thái độ của bản thân trong mối quan hệ với mọi người xung quanh./.
Từ khóa: đáp án môn Ngữ văn, gợi ý môn Ngữ văn lớp 10, tuyển sinh lóp 10 tại Hà Nội, Ngữ văn
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN