Gọi điện "khủng bố" để đòi nợ sẽ bị xử lý thế nào?
Cập nhật: 26/07/2023
"Thợ săn tiền thưởng" và nguy cơ trở thành kẻ vi phạm pháp luật
Khởi tố nhiều giám đốc doanh nghiệp vì mua bán trái phép hóa đơn
VOV.VN - Hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối người khác có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Khi làm thủ tục vay tiền qua App, thông thường các App này yêu cầu người vay phải cho phép truy cập danh bạ điện thoại. Vì vậy, phát sinh những tình huống người vay không trả nợ đúng hạn thì chủ sở hữu App sẽ gọi điện quấy rầy người thân, nhằm tạo sức ép cho người vay phải trả nợ. Trường hợp này giải quyết như thế nào?
Liên quan đến tình huống pháp lý trên, Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Minh Gia (Đoàn LS TPHN) tư vấn như sau:
Theo quy định tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN, các công ty tài chính không được gọi điện cho người thân của khách hàng vay để đôn đốc, thu hồi nợ.
Tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số điện thoại nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Như vậy, hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối người khác có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Đối với hành vi đăng ảnh trên mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm danh dự, thì người thực hiện hành vi vi phạm cũng bị phạt đến 20 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, cụ thể:
“Phạt tiền từ 10.000.000 triệu đồng đến 20.000.000 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”
Nghiêm trọng hơn, hành vi này có thể bị xử lý về Tội làm nhục người khác hoặc Tội vu khống theo Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Còn nếu bị đăng ảnh trên mạng xã hội, bị hại hoàn toàn có quyền gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật và buộc người có hành vi vi phạm gỡ bỏ những hình ảnh, thông tin đó. Đồng thời, người bị gọi điện quấy rầy có thể ghi âm cuộc gọi và khiếu nại lên nhà mạng mà mình là khách hàng hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở Thông tin và Truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn cũng khuyến cáo tới người dân, nếu gặp khó khăn về vấn đề tài chính, có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng tin cậy để được tư vấn cụ thể về mức vay, lãi suất, thời hạn trả tiền vay. Đồng thời khi phát hiện những App cho vay tiền với lãi suất cao, người dân cần liên hệ đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ nhằm tránh hệ lụy khi vay tiền qua App hoặc qua các đối tượng “tín dụng đen”...
Từ khóa: App vay tiền, bẫy vay tiền qua app, đòi nợ vay qua app, xử lý vay qua app, tín dụng đen
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: ctv vững nguyễn/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN