Gỗ rừng nguyên liệu ế ẩm do chất lượng sản phẩm chế biến thấp
Cập nhật: 13/03/2020
VOV.VN - Hầu hết các cơ sở chế biến gỗ tại Bắc Kạn đã dừng hoạt động dẫn đến hàng chục nghìn ha rừng nguyên liệu đến tuổi nhưng không được khai thác.
Nguyên nhân vẫn là sản phẩm gỗ nguyên liệu chất lượng thấp, không có thị trường tiêu thụ ổn định.
Trước Tết Nguyên đán, 2 xưởng bóc gỗ của anh Trần Trung Kiên tại các huyện Chợ Mới, Bạch Thông có đến 15 nhân công làm việc với lượng gỗ tiêu thụ chừng 200 - 300 m3/tháng. Tuy nhiên đến nay, chỉ còn 4 lao động bóc nốt số gỗ nguyên liệu tồn lại từ trước Tết, nhưng sản phẩm làm ra cũng chủ yếu xếp trong kho.
“Hiện tại hàng không xuất được nên tạm dừng hoạt động chờ hết dịch mới quay lại sản xuất được. Còn hàng sản xuất tồn lại từ năm trước thì xếp hết vào kho để chờ” - anh Kiên cho nói.
Sản phẩm gỗ bóc hầu hết phải xếp trong nhà kho do không có nơi tiêu thụ. |
Vài năm trước, các xưởng chế biến gỗ băm, gỗ bóc mọc lên ồ ạt với hơn 200 cơ sở rải khắp các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn. Được kỳ vọng là giải pháp tiêu thụ gỗ rừng trồng cho người dân, nhưng thực tế các xưởng chế biến gỗ nguyên liệu này lại phụ thuộc chủ yếu vào các tư thương thu mua xuất đi thị trường Trung Quốc.
Khi thị trường chững lại thì gần như ngay lập tức, hệ sống sản xuất, chế biến bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Đình Thỏa, Phó Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bạch Thông cho biết, hiện người trồng rừng nguyên liệu hầu như không bán được gỗ, nếu bán được thì giá cũng giảm từ 20-30% so với trước Tết.
“Tình trạng không bán được gỗ nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân, chủ rừng sẽ không đạt hiệu quả cao nhất khi chu kỳ khai thác đến mà không thể bán được. Thứ hai là ảnh hưởng đến chỉ tiêu trồng rừng sau khai thác của địa phương được giao, bởi khi người dân không khai thác thì diện tích trồng cũng sẽ không có” - ông Thoả cho biết.
Một số doanh nghiệp chế biến ván ép, đũa gỗ vẫn hoạt động tương đối ổn định. |
Trái ngược với sự ảm đạm của các cơ sở chế biến gỗ tròn, các xưởng sản xuất ván gỗ chất lượng cao hoặc tinh chế các sản phẩm từ gỗ vẫn hoạt động khá ổn định.
Ông Nông Đình Huân, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện các đơn vị trong khu công nghiệp vẫn duy trì hoạt động ổn định nhờ ký kết được các hợp đồng xuất hàng sang Hoa Kỳ và một số thị trường khác ngoài Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc nguồn nguyên liệu là ván bóc của các doanh nghiệp này lại chủ yếu đến từ nhiều địa phương khác như Bắc Giang, Tuyên Quang…
Theo ông Huân, nguyên nhân là các xưởng gỗ bóc tại Bắc Kạn không đáp ứng được một số tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm: “Tới đây doanh nghiệp phải làm lại việc kết nối nguyên liệu, khi các doanh nghiệp phải lấy gỗ ở tỉnh ngoài thì trong tỉnh lại đang ùn ứ. Vấn đề này tới đây chúng tôi sẽ trao đổi lại với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần xem lại việc đặt lại về đầu vào nguyên liệu, các đơn vị đang tắc nghẽn về đầu ra”.
Việc nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu là ván bóc của các cơ sở sản xuất tại Bắc Kạn là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu các xưởng sản xuất bài bản hơn trong quá trình sản xuất và chủ động liên hệ, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị sản xuất ván ép thành phẩm.
Với diện tích rừng sản xuất lên đến hơn 300.000 ha cung cấp mỗi năm hàng trăm nghìn m3 gỗ tròn nguyên liệu, nếu các cơ sở chế biến gỗ ở Bắc Kạn làm tốt việc tìm kiếm, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm thì đời sống người trồng rừng tại Bắc Kạn chắc chắn sẽ được nâng lên./.
Gỗ nguyên liệu giấy tăng, người trồng rừng ồ ạt bán keo non
Từ khóa: gỗ, gỗ lâm sản, gỗ nguyên liệu, gỗ nguyên liệu ế ẩm, Bắc Kạn
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN