Giữ Tết cổ truyền ở Trường Sa
Cập nhật: 23/01/2020
Triển lãm nghệ thuật ánh sáng mùa đông ở Đức (26/11/2024)
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn tại Đông Anh, Hà Nội (25/11/2024)
VOV.VN - Tết ở Trường Sa dù không được đủ đầy so với đất liền nhưng vẫn ấm áp tình xuân.
Trong những ngày tết đến xuân về, quân dân Trường Sa luôn giữ những phong tục của ngày tết cổ truyền dân tộc. Mọi người cùng nhau trang trí nhà cửa, bàn thờ gia tiên, quây quần gói bánh chưng và cùng nhau đón giao thừa, đi chùa hái lộc đầu năm, chơi trò chơi dân gian.
Bánh chưng gói bằng lá bàng vuông mang hương vị riêng của Trường Sa. |
Nhiều năm sống trên đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, gia đình chị Lữ Thị Kim Cúc luôn chuẩn bị chu đáo cho cả nhà ăn tết cố truyền. Sáng sớm, bộ đội mổ một con lợn to rồi chia cho quân và dân ăn Tết. Từ ngày 28 Tháng Chạp, các gia đình trên đảo cùng bộ đội gói bánh chưng, đêm đến, người lớn, trẻ nhỏ ngồi quây quần bên bếp lửa canh nồi bánh. Chiều 30 Tết, mọi người cùng bày soạn mâm cúng Tất niên, mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu.
Chị Lữ Thị Kim Cúc kể, ăn Tết trên đảo không đủ đầy như đất liền nhưng không thiếu những món ăn ngày tết truyền thống và nhà cửa được quét dọn, trang trí đẹp hơn:"Tết Nguyên đán năm nay gia đình chuẩn bị cũng được chút ít, nhận được một ít quà ở đất liền gửi ra để ăn Tết năm nay như nhu yếu phẩm, bánh kẹo cho các cháu. Sáng mồng 1 Tết, các người dân tham gia lễ chùa, thăm các bộ đội, động viên anh em ở lại đảo công tác vui vẻ".
Bộ đội trên đảo Trường Sa trang trí bàn thờ Bác Hồ đón Tết. |
Tết trên đảo không thể thiếu bánh chưng. Bánh chưng ở Trường Sa được gói bằng lá bàng vuông. Miếng bánh chưng gói bằng lá bàng vuông có vị đắng rất riêng.
Anh Phùng Văn Hoàn, ở đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa cho biết, Tết là lúc mọi người trên đảo cùng quây quần nấu bánh chưng và đợi đón giao thừa. Trước đó nhiều ngày, công tác chuẩn bị đón Tết, đón giao thừa cũng được triển khai với nhiều hoạt động như gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, chuẩn bị chương trình văn nghệ chào năm mới...
Theo anh Phùng Văn Hoàn, Tết trên đảo luôn chứa chan tình cảm:"Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên quần đảo Trường Sa tổ chức rất nhiều cuộc thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, gói bánh chưng tết…, đây là nét đẹp truyền thống. Thông thường những dịp Tết đến như thế này, trên đảo vẫn sử dụng lá bàng vuông để gói bánh chưng, gói lên thì bánh cũng có màu xanh. Ở ngoài đảo thì lá dong nhiều khi cũng không có nên có thể áp dụng lá bàng vuông để gói bánh chưng trong dịp Tết đến như thế này."
Ngày tết trên đảo, vui nhất vẫn là trẻ em háo hức đón Tết, bọn nhỏ đạp xe chạy khắp nơi, vui mừng khoe áo mới.
Chị Phan Nguyễn Xuân Thùy, sống ở đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa tâm sự, những ngày giáp Tết trên đảo Sinh Tồn, bộ đội mổ heo, chia phần cho người dân trên đảo cùng ăn Tết.
"Không khí Tết ở đây cũng vui vẻ, chỉ có hơi nhớ gia đình, còn lại ở đây Tết đến các chị em cũng quây quần lại với nhau. Bánh chưng thì đơn vị kết nghĩa có mấy anh bộ đội gói rồi đem cho các hộ dân. Mồng 1 Tết thì đi chùa thắp nhang, rồi chơi các trò chơi dân gian như kéo co, đánh bóng chuyền…", chị Thùy nói.
Tết cổ truyền đã ăn sâu trong tâm thức người Việt. Ngày xuân, ở nơi đảo xa, quân và dân Trường Sa lại có những ngày tết ấm áp, chan chứa yêu thương./.
Một số hình ảnh đón Tết cổ truyền ở Trường Sa
Không khí Tết nô nức khắp đảo Sinh Tồn |
Người dân đảo Sinh Tồn treo cờ Tổ quốc đón Tết |
Quân và dân trên đảo Trường Sa cùng gói bánh chưng |
hững chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông |
Những đứa trẻ trên đảo Sinh Tồn háo hức đợi Tết |
Những đứa trẻ trên đảo Sinh Tồn |
Quân và dân trên đảo Trường Sa gói bánh chưng đón Tết |
Từ khóa: đón tết ở trường sa, ăn tết ở trường sa, tết nguyên đán 2020, Bộ đội Trường Sa
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN