Giữ hồn Then trên dặm đường biên ải

Cập nhật: 24/01/2022

VOV.VN - Cả một đời làm Then, cụ Vẩn có một lối hát rất đặc biệt, tuy không náo nhiệt, tưng bừng như các dòng then khác nhưng rất êm ả, nhẹ nhàng, thong dong đầy chất trữ tình.

Trong ký ức của người dân trên mảnh đất biên cương Tràng Định (Lạng Sơn) về những đêm Then, với giọng hát, tiếng đàn những bà Then hiền hậu mà đẹp đến lạ kỳ. Bà Then Bế Thị Vẩn hơn 90 tuổi là một người như vậy. Bà được người dân xứ Lạng kính trọng, yêu mến và gọi là "Người  giữ hồn Then trên dặm đường biên ải".

Người Tràng Định không gọi thầy Then như ở các nơi khác mà gọi là "Pựt". Những người phụ nữ hành nghề này được bà con gọi một cách thân thương là các bà "Pựt". Trong ký ức lưu lại của người Tràng Định, những bà Pựt của cái thuở xa xưa ấy tuy đơn sơ, giản dị trong tà áo chàm và chiếc đàn tính nhưng họ vẫn đẹp một cách lạ kỳ, nét đẹp của bản làng, của truyền thống văn hóa dân tộc nơi mảnh đất Tràng Định (Lạng Sơn).

Những thế hệ các nghệ nhân Then như: Pựt Miệt ở Háng Deng (xã Tri Phương), Pựt Thó ở Bản Trại (xã Khánh Chiến), Pựt Bình, Pựt Nhâm ở Nà Cạn (xã Đại Đồng), Pựt Hà ở Pác Giàng (thị trấn Thất Khê) đến nay vẫn còn để lại những cảm xúc dặm dài bất tận, mặc dù thời gian đã đưa những con người ấy về cõi xa xăm và giờ đây chỉ còn lại Pựt Vẩn ở Tri Phương.

Pựt Vẩn, hay "Mé Vẩn" trong tiếng gọi thân thương của bản làng tên đầy đủ là Bế Thị Vẩn. Trải qua hơn 70 năm theo nghề, cụ đã đạt đến chức phẩm cao nhất trong nghề làm Then. Cụ đã được đội chiếc mũ Then có 13 dải tua - số lượng dải tua chỉ những thầy Then chức phẩm thượng đẳng mới được phép đội. Pựt Vẩn có thể thực hiện được những lễ nghi phức tạp với lề lối chặt chẽ như "Lẩu pựt".

Về nghề làm Then của mình, cụ Bế Thị Vẩn bộc bạch: "Tôi bắt đầu đi làm Then từ năm 17 - 18 tuổi và tôi hành nghề Then từ hồi đó đến giờ cũng đã hơn 70 năm. Trong Then nghi lễ có các đường Then khác nhau như: Then chữa bệnh khác Then tìm vía, Then nối số cũng khác nhau không phải đường nào cũng giống đường nào, Then cầu an, Then cống slử (Nộp lễ để cầu bình an cho trẻ con) và Then mừng sinh nhật khác nơi cũng có cách làm khác nhau, ngoài ra còn có Then nối số (làm cho người già) và Then trả lễ bà mụ (dành cho trẻ con) nhưng hiện nay đường Then trả lễ bà mụ đối với các gia đình không còn tách ra làm riêng nữa, mà thông thường đến lễ đầy tháng (Khai bươn) sẽ gộp vào làm đầy đủ các thủ tục dành cho đứa trẻ.

Đến nay, hơn 90 tuổi đời nhưng cụ vẫn nặng lòng với dòng Then của mình. Với mong muốn lưu giữ lại nghề tổ, cụ đã truyền nghề lại cho đệ tử duy nhất của mình là anh Bế Trung Kiên.

"Từ nhỏ tôi đã biết thầy, gia đình tôi có việc gì cũng đều đến nhờ thầy về làm lễ cầu an cầu phúc. Gia đình tôi có dòng dõi làm nghề Then tâm linh, nên tôi nhờ đến thầy về truyền dạy cho tôi để tôi trở thành thầy Then. Thầy đã dạy cho tôi các đường Then như: Then cầu an giải hạn, Then làm sinh nhật, 19 làn điệu trong đường Then nối số thầy đều truyền lại cho tôi hết. Thầy còn dạy tôi những đạo lý để trở thành một người tốt có đạo đức với nghề, dạy tôi những điều hay lẽ phải trong Then: “Nhà khó không khinh rẻ, nhà giàu không nể, giàu nghèo không được phân biệt”, anh Kiên nói về người thầy đáng  kính của mình như vậy.

Pựt Vẩn cả đời chỉ gắn bó với bản làng, với tiếng tính, lời Then. Mặc dù tuổi cao sức yếu, cụ vẫn tận tâm với nghề. Cụ luôn cố gắng dùng tiếng đàn, lời Then của mình như một sợi chỉ nối tất cả mọi người lại với nhau. Gia đình nào có việc mời cụ đều vui vẻ đến giúp, thậm chí không cần trả lễ. Bước chân của cụ vẫn bước trên khắp các bản làng.

Nghệ nhân ưu tú Đoàn Bích Khê ở khu 3 thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định) cho hay: "Tôi biết đến bà Vẩn từ nhỏ vì bà là một thầy Then có tiếng trong vùng, bà đi hành nghề Then từ Cao Bằng, Lạng Sơn, nơi nào cũng có bước chân của bà. Bà đã tự đi làm thầy Then từ năm 17 - 18 tuổi để cứu nhân độ thế ở nhiều tỉnh xa, đường xá ngày xưa đi lại cũng rất khó khăn chủ yếu là leo đồi núi nhưng bà vẫn nhiệt tình đến để giúp đỡ bà con khi được bà con mời đến giúp. Đến nay dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng bà vẫn rất minh mẫn".

Cả một đời làm Then, cụ Vẩn có một lối hát rất đặc biệt, tuy không náo nhiệt, tưng bừng như các dòng Then khác nhưng rất êm ả, nhẹ nhàng, thong dong đầy chất trữ tình. Ai đã được nghe cụ Vẩn hát, đều cảm nhận được tiếng ca của cụ được cất lên từ tận sâu thẳm tâm hồn. Với cụ, Then như hơi thở là lẽ sống của cuộc đời và không biết từ bao giờ những làn điệu Then đã ngấm vào cụ như một duyên nợ và từng làn điệu Then đó được cụ Vẩn thể hiện bằng tình yêu và sự say mê ./.

Từ khóa: Then, người làm then, nghệ nhân hát then, Pựt Vẩn, tràng định, lạng sơn

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập