VOV.VN - Ở một góc yên bình thuộc xã Tân Thạnh, thành phố Cần Thơ, có những con người âm thầm gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống. Tại chùa Bâng Cro Chắp Thmây, tiếng nhạc Khmer ngân vang cùng những điệu múa uyển chuyển của các em nhỏ, dưới sự hướng dẫn tận tình của cô giáo trẻ Lâm Thị Hậu.
Cứ đều đặn mỗi ngày, từ 17h, sân chùa Bâng Cro Chắp Thmây lại rộn ràng tiếng nhạc truyền thống của đồng bào Khmer. Người khơi nguồn cho không gian văn hóa ấy là chị Lâm Thị Hậu, một người con dân tộc Khmer ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cũ, nay là xã Tân Thạnh, thành phố Cần Thơ.
Các em say sưa tập các điệu múa truyền thống
Chị Hậu cho biết, chị đam mê nghệ thuật truyền thống Khmer từ nhỏ, khi lớn lên, chị mong muốn lan tỏa nghệ thuật múa truyền thống ấy đến các thế hệ em nhỏ, bởi đây không chỉ là một loại hình nghệ thuật, mà còn là bản sắc, là niềm tự hào của dân tộc.
"Khi em học xong lớp đại học chuyên ngành văn hoá ở thành phố Hồ Chí Minh, em muốn về quê để giúp quê hương mình. Ban đầu em chỉ dạy múa cho vài trẻ nhỏ tại nhà thôi, sau đó thì em có xin phép sư trụ trì chùa để mở lớp và vận động thêm các em nhỏ để tham gia lớp học, thế là ngày càng thu hút đông các em học múa".
Mỗi buổi chiều, lớp học múa miễn phí tại chùa Bâng Cro Chắp Thmây giúp các em nhỏ hiểu rõ hơn và yêu hơn về giá trị văn hóa, yêu điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Có từ 20 đến 30 em, nhiều nhất là khoảng 50 em theo học mỗi ngày. Không giáo trình, không sân khấu hào nhoáng, chỉ có một khoảng sân trong chùa, một chiếc loa và rất nhiều đam mê ở các em học sinh dân tộc Khmer trong lớp học. Chị Lâm Thị Hậu dạy các em về những điệu múa truyền thống như romvong, saravan, lăm leo… rộn ràng, vui tươi và có cả nghệ thuật múa Rô-băm nữa.
Chị Lâm Thị Hậu chỉ từng động tác múa cho các em nhỏ
Em Huỳnh Thảo Nhi phấn khởi nói: "Em học múa được hơn 2 năm rồi. Em thấy chị Lâm Thị Hậu đăng lên mạng xã hội về lớp dạy múa truyền thống Khmer, em thấy thích và xin vào học chung".
Không chỉ là nơi giữ gìn nghệ thuật truyền thống, lớp múa tại chùa Bâng Cro Chắp Thmây do chị Hậu dạy còn là không gian kết nối cộng đồng. Từ những buổi học, các em thêm tự tin, thêm yêu mến nét đẹp văn hóa của mình đang được truyền lại qua từng bước chân nhỏ. Lớp học còn giúp cho các em có sân chơi lành mạnh trong dịp nghỉ hè sau một năm học.
Có khá đông các em đến tham gia lớp học múa
Đại đức Thạch Thươl, trụ trì chùa Bâng Cro Chắp Thmây, cho biết: "Chùa mở lớp dạy múa để cùng chung tay bảo tồn, giữ gìn văn hoá truyền thống của đồng bào Khmer. Múa romvong, lăm leo, saravan… các điệu múa và cả nhạc ngũ âm nữa, dạy các em múa, các em chơi đê biểu diễn vào các dịp lễ hội".
Sau gần 3 năm dạy múa, hiện nay, lớp cũng đã thành lập được đội múa để đi biểu diễn vào các sự kiện hay trong dịp lễ hội của đồng bào Khmer, như Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôn-ta, lễ dâng y Kathina…. Không chỉ tại địa phương, đội múa còn được mời đi diễn ở các tỉnh ngoài.
Lớp dạy múa giúp các em có thêm hoạt động lành mạnh trong dịp nghỉ hè
Chị Lâm Thị Hậu, chia sẻ thêm: "Ban đầu thì mở lớp dạy thì chọn được 15 người để thành lập đội múa, có dịp thì đi diễn, lễ hội. Bây giờ thì các em này cũng qua giúp chùa để hỗ trợ dạy các em nhỏ múa".
Từ những buổi chiều đầy say mê ở chùa Bâng Cro Chắp Thmây, nghệ thuật múa Khmer đang được tiếp nối qua từng thế hệ, chan chứa tình yêu quê hương và giàu bản sắc văn hoá của dân tộc.
VOV.VN - Lễ hội Thắk Côn (lễ hội cúng Dừa), Lễ hội Chrôi Rum Chếk (lễ hội Phước Biển) của đồng bào Khmer vừa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Từ khóa: Khmer, Khmer,điệu múa truyền thống,chùa Bâng Cro Chắp Thmây,Lâm Thị Hậu,múa Khmer