Gìn giữ nét đẹp giếng làng - nơi lắng đọng một mảnh hồn quê
Cập nhật: 10/10/2020
Bắt quả tang nhiều người dùng muỗng cà phê làm vật quy đổi khi đánh bạc
Vụ xe đâm tử vong bé 17 tháng tuổi trong nhà ở Tuyên Quang: Lấy mẫu máu nam tài xế
(VOV5) -Giếng quê trở thành một hình bóng quê nhà, có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt để ai đi xa cũng mong cũng nhớ.
Ở các miền quê Bắc Bộ, nơi đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh của giếng làng bên gốc đa, gốc si, gốc ruối. Giếng làng là một phần không thể thiếu tạo nên bức tranh tươi đẹp của làng quê Việt Nam. Việc gìn giữ biểu tượng của làng quê Việt Nam trong thời hiện đại là việc làm cần thiết, như máu thịt trong người, bởi chiếc giếng như gương soi của ngàn xưa gửi lại.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Giếng làng trong tâm tưởng người dân quê là mạch nguồn sâu thẳm, là nơi lưu bóng hồn quê và ôm trọn những ký ức của một thời chưa xa. Với ông Kim Ngọc Khánh, tuổi thơ của ông gắn liền với chiếc giếng cuối làng. Ông kể, hồi nhỏ, ông cùng tụi bạn thường rủ nhau ra bờ giếng lấy đất thó nặn thành pháo, chơi trò pháo đất. Mỗi khi đập xuống đất là pháo nổ giòn vang hòa trong tiếng cười lanh lảnh, giòn giã vô tư của tuổi thơ: "Chúng tôi có một kỷ niệm rất ấn tượng. Giếng đó là tuổi thơ của chúng tôi, thời mà chúng tôi ít có trò chơi. Chúng tôi lấy trò chơi bằng đất nặn, gọi là pháo nổ, pháo nang làm bằng đất. Chúng tôi ngồi ở bờ giếng, cùng nhau nặn rồi cho nổ. Sau đó, chúng tôi múc nước giếng ở đó lên tắm".
Giếng xóm Hạ, thôn Vĩnh Lạc, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, Hà Nội có niên đại trên trăm năm. Không có dáng hình tròn như những nơi khác, giếng ở đây được thiết kế theo hình đa giác có 15 cạnh, mỗi cạnh 2m, chiều sâu khoảng 4m, có bậc lên xuống, trông giống một chiếc ao con. Nước ngọt thanh và trong. Giếng ở vị trí cuối làng nên cứ chiều chiều, người dân trong xóm lại ra giếng đón những cơn gió nồm nam thổi vào mát rượi, hàn huyên, chuyện trò sau một ngày lam lũ.
PGS. TS. nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Tùng còn nhớ, trước đây giếng có trụ để gàu múc nước. Thời ấy, chiếc gàu làm bằng tre. Sau này, gàu không còn nữa, người dân đi làm đồng về, có người lấy luôn chiếc nón đội đầu, vục xuống giếng múc nước. Nằm ngay liền kề đường tỉnh lộ 419 và đường liên thôn, người dân đi qua dễ dàng nhìn thấy giếng xóm Hạ. Ai đi làm đồng hay đi chăn trâu, cắt cỏ về, mệt, thường xuống giếng uống nước, rửa mặt. Ông Tùng kể, trước đây, giếng làng là nguồn nước chủ yếu để người dân trong xóm sinh hoạt, nên nhà nào cũng ra giếng gánh nước về trữ trong nhà: "Cả xóm, ai có chai, lọ, thùng thì mang ra đựng và gánh nước mang về. Ngày xưa nghèo, không có bể. Tôi thường làm hai cái lọ, xách hai tay mang về. Rất sạch sẽ. Nhìn giếng, mình nhớ về cha ông ngày xưa cuộc sống vất vả mò cua bắt ốc. Đến nay, dù không dùng đến giếng nữa nhưng uống nước phải nhớ nguồn. Sinh ra ở mảnh đất này, mọi người cần phải có ý thức gìn giữ".
Giếng làng là nơi đã chứng kiến người dân Mỹ Thành kiên cường bảo vệ làng xóm trong thời kỳ kháng chiến. Chính nguồn nước giếng này đã nuôi lớn biết bao người dân quê trưởng thành. Hiện nay, có nhiều người đang giữ những vị trí quan trọng, làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Có người là Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, làm việc trong các ngành giáo dục, khí tượng, quân đội, công an, v.v và có cả những người đã hiến dâng đời mình hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Dù có trưởng thành và tỏa đi khắp mọi miền đất nước, giếng làng, biểu tượng của làng quê Việt, vẫn còn đọng lại trong tâm trí của những người xa quê.
Ngày nay, giếng làng không còn đóng vai trò là nơi cung cấp nước chủ yếu cho hầu hết dân cư như trước nữa. Có nơi, giếng làng đã bị bỏ quên, hoang hóa hoặc bị lấp đi dành chỗ cho các công trình dân sinh khác. Tuy nhiên, với người dân Vĩnh Lạc, giếng làng vẫn là món ăn tinh thần, là ký ức, kỷ niệm không dễ phai mờ của nhiều thế hệ đã sinh sống tại đây.
Nhận thấy, chiếc giếng cổ chứng kiến mọi đổi thay của cuộc sống, qua thời gian, dần xuống cấp, phủ đầy rong rêu, bà con lối xóm đã tiến hành họp bàn tìm cách tôn tạo lại một chứng tích văn hóa của hồn quê bến cũ. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, cho biết chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ việc trùng tu giếng cổ xóm Hạ: "Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm đến việc chỉnh trang khu dân cư nông thôn trong toàn xã. Đặc biệt chú trọng khôi phục, sửa chữa lại hệ thống giếng làng nhằm lưu giữ lại một phần ký ức của ông cha để lại. Do vậy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tổ chức san lấp, mở rộng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, cử cán bộ văn hóa, phối hợp với trưởng thôn, trưởng xóm tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện".
Với tình cảm yêu mến giếng quê, cả xóm nhiệt tình hưởng ứng, người thì góp ngày công lao động, người thì ủng hộ tiền mặt đóng góp trùng tu lại giếng cổ. Giếng quê lại như chất keo vô hình tiếp tục gắn kết những người dân thôn dã sống chan hòa, gần gũi bên nhau bên mảnh ruộng, vườn rau….
Chiều chiều, người dân quê lại rủ nhau ra khu vui chơi cạnh bờ giếng tập thể dục, đàm đạo chuyện xưa, chuyện nay. Kỷ niệm xưa cứ theo nhau ùa về. Bên bậc thang dẫn xuống lòng giếng như còn in bóng cha, bóng mẹ khom khom vục gầu múc nước, những người một đời tần tảo sương gió nuôi con khôn lớn từ nước giếng thanh. Nhớ hình ảnh vui cười, tấp nập của cả xóm nơi miệng giếng trong những ngày hạn. Tình người, tình quê trong gian khó vẫn nồng đượm, đậm đà.
Từ xưa có câu: “Có làng là có giếng”. Giếng quê cũng từ thuở xưa ấy đã trở thành một hình bóng quê nhà, có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt để ai đi xa cũng mong cũng nhớ. Với giá trị tinh thần và nhân văn ấy, sức sống và hồn cốt của di sản giếng làng cần được bảo tồn, lưu giữ cho đời sau.
Từ khóa:
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5