Gìn giữ làn điệu Chèo – nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc

Cập nhật: 08/11/2022

(VOV5) -Điều lớn nhất chúng ta có được từ Liên hoan là ngọn lửa khát khao, đam mê nghệ thuật truyền thống cháy trong lòng của tất cả các nghệ sĩ tham dự.

Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 vừa khép lại tại Hà Nam sau 14 ngày hoạt động sôi nổi. 27 vở diễn tham dự Liên hoan là 27 bài ca về chân, thiện, mỹ của làng Chèo Việt. Thông qua liên hoan, nghệ thuật Chèo đã được nâng lên một mức mang tính giá trị đời sống hiện thực và tư tưởng sâu sắc.

Trải qua quá trình hình thành, phát triển lâu dài, nghệ thuật Chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần và trở thành một trong những môn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Gìn giữ làn điệu Chèo – nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc - ảnh 1Tiết mục dân ca Hà Nam ngọt ngào, đằm thắm mở màn cho Lễ bế mạc Liên hoanChèotoàn quốc năm 2022. Ảnh:hanamtv.vn

Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 quy tụ gần 1.500 diễn viên, nghệ sĩ từ 16 đơn vị nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương. Theo đánh giá của Hội đồng ban giám khảo, tại Liên hoan lần này, có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ, mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật Chèo.

27 vở diễn với sự cống hiến hết mình của hàng trăm diễn viên dự thi dù có những thành công khác nhau nhưng tất cả đều được thể hiện nghiêm túc, chân thành, sáng rõ về chủ đề tư tưởng, hấp dẫn về hình thức, đậm tính nhân văn, thời sự, hữu ích cho xã hội.

Phó giáo sư-Tiến sĩ Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đánh giá: "Có thể khẳng định rằng 27 vở diễn của Liên hoan là 27 bài ca về chân, thiện, mỹ của làng Chèo. Những sáng tạo trên sân khấu Liên hoan Chèo lần này là những công trình mỹ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất Chèo truyền thống, với tính cách tân mới mẻ, đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Ở đó, nội dung đã vang lên những bài ca tình đời, tình người sâu sắc, làm người xem được lớn hơn bản thân mình vốn có, được vươn cao hơn trong đời sống, để hướng tới xây dựng cho mình những phẩm chất trung thực, liêm chính, hiến dâng tài năng cho Tổ quốc, non sông, hòa bình, hạnh phúc, giầu đẹp và kiên quyết phê phán những tư tưởng ích kỉ nhỏ nhen, hèn kém, hại người…"

Phần lớn các nghệ sĩ đều hướng tới hình thức kết cấu tự sự, kịch tính, trữ tình, có hậu với thủ pháp miếng trò nối tiếp miếng trò, tả thực gắn liền với ước lệ, tạo cho các tác phẩm đa dạng màu sắc hỉ, nộ, ái ố…Thông qua 27 tác phẩm, các tác giả đã suy tư trăn trở về cuộc sống, sáng tạo ra những hình tượng đậm tính hiện thực, hữu ích cho khán giả.

Gìn giữ làn điệu Chèo – nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc - ảnh 2Cảnh trong vởchèo“Đất liền và biển cả” – tác phẩm giành giải Vở diễn xuất sắc. Ảnh: tin247.news

Năm nay, vở diễn xuất sắc được trao cho tác phẩm “Đất liền và biển cả” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Đây là vở diễn mang đậm dấu ấn của cuộc sống hôm nay. Gắn với hai câu chuyện nơi đất liền và biển cả, vở diễn là sự đan xen của hai không gian khác nhau: cuộc chiến của những người lính đảo Trường Sa và “cuộc chiến” ở quê nhà, nơi người thân phải vượt qua vất vả, cô đơn bằng niềm tin, sự tự hào về những người lính biển. Bên cạnh giải xuất sắc cho vở diễn, “Đất liền và biển cả” còn nhận giải Biên kịch xuất sắc cho tác giả Nguyễn Đăng Chương - người từng là chiến sĩ hải quân Trường Sa và đã nhiều năm ấp ủ ý tưởng cho kịch bản này.

Trong khi đó, 6 vở diễn đoạt huy chương Vàng tại liên hoan đều gắn với các đề tài lịch sử hoặc dân gian. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm mang hơi thở thời đại.

Gìn giữ làn điệu Chèo – nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc - ảnh 3Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoanChèotoàn quốc năm 2022 phát biểu bế mạc Liên hoan. Ảnh:hanamtv.vn

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Liên hoan lần này nhằm mục đích phát hiện ra những sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật Chèo, từ đó tìm ra những bài học quý, giải pháp hay, góp phần xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Chèo Việt Nam: "Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022 cũng là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết của Đảng về chấn hưng, phát triển văn hóa con người Việt Nam. Liên hoan là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hội nghề nghiệp chuyên ngành hoạch định những chiến lược phát triển sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật sân khấu Chèo nói riêng.Điều lớn nhất chúng ta có được từ Liên hoan là ngọn lửa khát khao, đam mê nghệ thuật truyền thống cháy trong lòng của tất cả các nghệ sĩ tham dự. Di sản của nghệ thuật Chèo vẫn mãi còn đọng lại trong lòng khán giả yêu nghệ thuật."

Tháng 10/2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ di sản chèo đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 là dịp để tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc củanghệ thuật Chèo, để gìn giữ ngọn lửa tình yêu Chèo mãi rực sáng trên sân khấu nghệ thuật Việt Nam.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, làn điệu Chèo, nghệ thuật truyền thống, bản sắc dân tộc, nghệ thuật chèo, liên hoan chèo toàn quốc 2022

Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập