Giấu dịch, trốn cách ly: Đi ngược nỗ lực của cộng đồng, phải xử lý nghiêm

Cập nhật: 10/03/2020

VOV.VN -Trong khi cả nước đang dồn sức chống dịch, việc không khai báo trung thực, giấu bệnh hay trốn cách ly đang đi ngược với sự nỗ lực của toàn xã hội, cần phải xử lý nghiêm minh.

“Chồng em đã tiếp xúc bệnh nhân 21 trong 1 tiếng cùng một số người khác vào 13-14h00 ngày 6/3. Do vậy, tất cả những ai gặp em trước 18.45 PM ngày thứ 6, 6/3 đều không gặp nguy cơ gì. Sau khi biết thông tin bệnh nhân 21 bị dương tính với Covid-19, cả nhà em đã tự cách ly, gọi điện thoại báo ban quản lý toà nhà và phường. Nhà em cũng đã gọi điện thoại cho tất cả những ai đã gặp gỡ để báo thông tin. Em đã nộp danh sách các nơi em và nhà em đến, người gặp cho y tế phường và công an phường. Em xin phép kính báo mọi người để bảo vệ cộng đồng”.

Đó là hành động kịp thời của cô giáo Lê Thị Thanh Tâm (giảng viên một trường ĐH ở Hà Nội) khi có chồng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hành động này của cô nhận được cả chục ngàn sự ủng hộ của bạn bè trên facebook. Trong lúc dịch đang có nhiều diễn biến như vậy, việc trung thực công khai thông tin để kiểm soát, hạn chế dịch lây lan là một việc làm cần thiết.

Ai cũng biết, chỉ cần 1 người có biểu hiện giấu dịch thì dịch sẽ lây lan rất nhanh theo cấp số nhân, bởi một ngày họ có thể tiếp xúc với rất nhiều người, nhiều người này lại tiếp xúc với rất nhiều người khác… Cứ như thế, sự lây lan nếu không được kiểm soát sẽ rất kinh khủng.

giau dich, tron cach ly: di nguoc no luc cua cong dong, phai xu ly nghiem! hinh 1
Cách ly phố Trúc Bạch khiHà Nội phát hiện ca nhiễm Covid - 19 đầu tiên (ảnh- Văn Ngân)

Bài học xương máu ở Vũ Hán (Trung Quốc) đến nay vẫn còn đó. Chỉ vì ngay từ đầu không công khai, minh bạch nên dịch lây lan không kiểm soát. Đến khi Bắc Kinh công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán, thì đến nay, sau gần 2 tháng, Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cộng đồng thế giới vào cuộc, dịch chưa có giấu hiệu dừng lại và vẫn gây ra hậu quả hết sức nặng nề. Tính đến thời điểm hiện tại, riêng ở Trung Quốc đã có hơn 80.000 ca nhiễm với hơn 3.000 người tử vong. Dịch cũng đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, với hơn 106.000 trường hợp mắc, 3.600 ca tử vong tại 102 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Còn ở Việt Nam, khi các trường hợp có dấu hiệu nhiễm dịch trung thực khai báo ngay từ đầu, chúng ta đã kiểm soát khá tốt và không có trường hợp nào tử vong. 16 ca nhiễm đầu tiên, trong đó có những ca tuổi caolại có nền bệnh lý nguy hiểm nhưng vẫn được điều trị khỏi và xuất viện. Và khi người dân Sơn Lôi (Vĩnh Phúc)- điểm nóng về dịch ở thời điểm đó được cách ly, với sự tự giác khai báo của người dân ở đây, dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế một cách hiệu quả. Để rồi sau 20 ngày cách ly, Sơn Lôi đến bây giờ cũng không có thêm ca nhiễm mới và đã chính thức xóa cách ly.

Nhưng sau gần chục ngày cả nước không có ca nhiễm, thì chỉ một trường hợp của bệnh nhân số 17 (cô gái tên N.H.N ở Trúc Bạch, Hà Nội) nhiễm Covid-19 mà không khai báo trung thực, đã khiến cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương rất vất vả trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chỉ sau 4 ngày, đã có thêm 14 ca bệnh mới, phần lớn là những người bị lây nhiễm trên cùng chuyến bay với bệnh nhân N. Theo nhận định của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, trong thời gian tới, số mắc Covid-19 có thể tiếp tục tăng do hiện nay các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân số 17 trên chuyến bay VN0054 chưa được kiểm soát triệt để.

Trong khi dịch bệnh đang gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, từng người dân đang dồn sức để chống dịch, hành động không trung thực, thiếu ý thức trong việc cách ly, khai báo, có tên trong danh sách cách ly tại nhà mà vẫn tự do đi lại nơi cộng cộng, thậm chí "nhờ" người đi cách ly hộ không chỉ là hành động thiếu trách nhiệm với cộng đồng mà còn sai quy định, coi thường pháp luật, gây nguy hiểm, đe doạ tính mạng của nhiều người.Những đối tượng này, nếu bị nhiễm Covid-19 thì không biết hậu quả sẽ nặng nề đến thế nào.

Luật pháp nước ta cũng đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể về những hành vi vi phạm pháp luật. Điều 8 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định cụ thể hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, cố ý khai báo thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Người có những hành vi này tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 240 của Bộ Luật hình sự.

Trong các cuộc họp của thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, Thủ tướng đã nhiều lần nhắc lại thông điệp chống dịch như chống giặc. Thủ tướng nhấn mạnh, đây không chỉ là việc thử nghiệm rút kinh nghiệm mà phải làm chủ động, có biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Chính phủ sẵn sàng tiếp tục hy sinh những quyền lợi về kinh tế để ngăn chặn Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu “cần có biện pháp quyết liệt, đồng bộ, kịp thời để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây cũng như xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh”.

Vì thế, trong khi cả nước đang dồn sức chống dịch, những hành vi không khai báo trung thực, giấu bệnh hay trốn cách ly đang đi ngược với sự nỗ lực của toàn xã hội, cần phải được xử lý nghiêm minh. Có như thế, mới hạn chế được những hậu hoạ khó lường ảnh hưởng tới cộng đồng và đất nước./.


Từ khóa: giấu dịch, trốn cách ly, covid 19, sars-cov-2, thuê người cách ly

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập