Giáo viên mầm non mùa dịch cần đủ sống để bám nghề
Cập nhật: 10/08/2021
Nghị định 179, chìa khóa để thu hút người tài (03/1/2024)
Rà soát lại toàn bộ dịch vụ cho thuê trên bãi biển Nha Trang
VOV.VN - Thuộc lao động ngoài khối công lập, giáo viên mầm non các trường dân lập, tư thục hoặc nhóm trẻ được xếp vào nhóm gặp khó khăn nhất trước tác động của Covid-19. Muốn bám trụ được với nghề, trước hết phải đủ sống qua mùa dịch...
Chuyện buồn giáo viên mầm non ngoài công lập trong mùa dịch
Khi đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy đến, các trường tiểu học, THCS, THPT trong và ngoài công lập đều chuyển sang dạy online. Nhưng công việc của giáo viên mầm non thì ngay lập tức rơi vào tình trạng “đóng băng” khi đặc thù đối tượng chăm sóc và dạy học quá nhỏ, không thể triển khai mô hình dạy học trực tuyến.
Với những giáo viên mầm non ngoài công lập vốn dĩ lương bổng đã ít ỏi, giờ nghỉ kéo dài khiến họ gặp không ít khó khăn. Cô giáo Lê Thị Thu Hường nhà ở Đan Phượng, Hà Nội đã gắn bó với nhà trường mầm non tư thục Mẹ Yêu con hơn 2 năm. Ngày nào cô cũng đều đặn vượt hơn 20 km có mặt trước 7 giờ sáng và rời trường khi học sinh cuối cùng của lớp được bố mẹ đón. Năm trước, đợt nghỉ dài bất ngờ nhưng còn có hỗ trợ từ nhà trường, ít nhất cô Hường vẫn đủ trang trải cuộc sống độc thân và vẫn còn ở cùng bố mẹ.
Năm nay, vừa Tết xong, học sinh Hà Nội, trong đó có học sinh cô Hường, lại nghỉ học phòng dịch. Rất may quãng thời gian nghỉ này không quá dài. Chỉ đến sau 30/4, đợt dịch bệnh thứ 4 trở lại, học sinh các khối trường phổ thông nghỉ học. Theo nhu cầu của phụ huynh, nhà trường bắt đầu tổ chức mô hình "trông trẻ Pro", điều phối để hằng ngày, cô Thu Hường và các đồng nghiệp đến nhà học sinh dạy học và chăm sóc học sinh, giúp bố mẹ các cháu yên tâm đi làm.
Nhưng biến thể mới khiến dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, công việc trước đã cầm chừng giờ hoàn toàn đình trệ. Tiếp tục thêm một đợt giãn cách, cô Hường lo lắng vì cả 3 lao động chính trong gia đình đều nghỉ ở nhà, cuộc sống trông cả vào đồng lương giáo viên mầm non công lập của mẹ cô giáo Hường.
“Em còn may mắn vì chưa lập gia đình riêng cũng như chưa có con nhỏ. Nhiều chị đồng nghiệp trong trường con nhỏ, nhà xa, chồng cũng làm việc tự do, giờ ở nhà cả mới thực sự mệt mỏi”, cô Thu Hường chia sẻ.
Bà Vũ Thị Thúy, hiệu trưởng hệ thống mầm non tư thục Mẹ Yêu con, quận Ba Đình cho biết suốt đợt nghỉ dịch năm ngoái, nhà trường cố gắng hỗ trợ 4 triệu đồng mỗi tháng cho một giáo viên. Nhưng năm nay đã cạn kiệt nguồn để hỗ trợ các cô.
"Tiền thuê nhà từ 160 triệu được giảm cũng vẫn ở mức 80 triệu/tháng. Trường chúng tôi 3 cơ sở với hơn 40 giáo viên. Cộng các khoản vào và nhân số tháng nghỉ dịch lên thực sự là con số chóng mặt với các trường tư. Chị em đồng nghiệp thương nhau mà cũng không biết xoay xỏa thế nào”. Bà Vũ Thị Thúy, hiệu trưởng hệ thống mầm non tư thục Mẹ Yêu Con, quận Ba Đình buồn bã chia sẻ.
Trường mầm non tư thục Ánh Sao, thuộc quận Ba Đình cũng rơi vào cảnh tương tự khi nguồn để hỗ trợ giáo viên thậm chí giữ trường tồn tại cũng khó khăn. Có trường hợp cô giáo nuôi con một mình, chồng mất vì ung thư. Bản thân cô giáo cũng mới phát hiện bị ung thư. Gắn bó với công việc dạy học và chăm sóc trẻ mầm non gần 20 năm nhưng trước dịch bệnh kéo dài, nhà trường cũng không thể tiếp tục hỗ trợ mẹ con cô giáo.
Mong ngóng nguồn kinh phí hỗ trợ
Theo rà soát từ Phòng Giáo dục Đào tạo quận Ba Đình, trên địa bàn quận có tất cả 89 trường mầm non tư thục và nhóm trẻ với 431 giáo viên, nhân viên buộc phải dừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch Covid 19.
Bà Trần Thị Vinh, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cùng các đồng nghiệp đang tổ chức thực hiện nhanh chóng việc rà soát và đưa hồ sơ giáo viên mầm non cần được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 về Sở Giáo dục và Đào tạo. Bà Vinh cho biết giáo viên khối mầm non ngoài công lập thực sự lao đao, vất vả và khó khăn.
Chúng tôi cố gắng liên lạc với hiệu trưởng các trường mầm non tư thục, các nhóm trẻ để có số liệu sớm nhất, tránh bỏ sót làm các giáo viên thiệt thòi. Thực ra nhiều cô không trụ được đã phải về quê. Con số thống kê là con số ở thời điểm này, còn thực tế thì cứ qua khoảng thời gian ngắn lại thấy thêm một cơ sở giáo dục mầm non tư thục đóng cửa. Rất buồn và đáng tiếc nhưng cũng chưa có giài pháp nào trong tình thế khó khăn như hiện nay”, Bà Vinh chia sẻ.
Quận Hoàn Kiếm khá thuận lợi khi thực hiện khảo sát số lượng giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng gặp khó khăn do dịch Covid-19 ngoài các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết 68/NQCP, Quyết định 3642/QD-UBND. Toàn quận chỉ có 5 trường mầm non tư thục với 41 trường hợp được vào diện nhận hỗ trợ. Hồ sơ đã được chuyển về phòng Lao động Thương Binh Xã hội.
Bà Diệu Ánh, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm cho biết đã rà soát, hướng dẫn kỹ đối tượng được hưởng chính sách để đảm bảo không bỏ sót trường hợp nào là giáo viên, nhân viên các nhà trường.
"Rất mong nguồn kinh phí hỗ trợ về kịp để cuộc sống của anh chị em công tác ở khối mầm non ngoài công lập bớt khó khăn. Nếu không, khi hết dịch, chính các trường trụ được qua dịch cũng gặp khó khăn về nhân sự để khôi phục lại trường lớp”, bà Diệu Ánh bày tỏ.
Đến nay, cũng đã có một số quận huyện nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Quận Hai Bà Trưng đã có 2 cơ sở giáo dục mầm non thuộc phường Vĩnh Tuy được nhận kinh phí hỗ trợ. Theo đó, trường mầm non Ánh Sao có 18 người lao động, trong đó có 13 giáo viên được hưởng hỗ trợ mức 3.710.000 đồng/người và 7 người lao động được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người do đang nuôi con nhỏ.
“Nguồn hỗ trợ sẽ thêm động lực để nhà trường, đặc biệt các cô giáo vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mong rằng sẽ có thêm nhiều giáo viên mầm non khối ngoài công lập nhận được khoản hỗ trợ này” Bà Tống Thị Minh, Hiệu trưởng trường mầm non Ánh Sao bày tỏ.
Cùng đó, trường mầm non tư thục Ngôi Sao Xinh- La Stella có 7 giáo viên và 2 nhân viên nhận hỗ trợ đợt này. 8 người lao động được hưởng mức 3.710.000 đồng và 1 trường hợp nhận mức 1.855.000 đồng.
Cần giải pháp lâu dài đảm bảo đời sống giáo viên mầm non ngoài công lập trước dịch bệnh
Giáo viên mầm non ngoài công lập thuộc nhóm đối tượng số 4 “Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương” theo Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid 19. Chính sách hỗ trợ này sẽ phần nào giúp giảm bớt khó khăn của các giáo viên mầm non, đặc biệt giáo viên mầm non ngoài công lập.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết khó khăn trước mắt. Trong trường hợp dịch bệnh còn chưa thực sự kiểm soát, học sinh chưa trở lại trường thì giáo viên mầm non ngoài công lập sẽ không thể có thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Cùng với tìm hỗ trợ từ các nguồn khác nhau thì việc các trường chủ động tìm các mô hình trông, dạy trẻ mùa dịch cũng rất cần thiết. Mô hình "trông trẻ Pro", trông trẻ tại nhà của trường mầm non Mẹ Yêu Con và một số trường khác có thể là một ví dụ.
Trước thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, trẻ nhỏ bậc học mầm non đã nghỉ học theo quy định chung gây không ít khó khăn cho phụ huynh vẫn đang đi làm. Các giáo viên mầm non thay vì đến trường sẽ đến từng nhà phụ huynh có nhu cầu. Mức thu nhập của các cô tuy không bằng việc dạy học và chăm sóc nhóm trẻ như khi ở trường nhưng cũng đủ đảm bảo cuộc sống cơ bản. Ban giám hiệu trường xây dựng mô hình trường học linh hoạt với giáo án cụ thể cho từng ngày và đảm trách việc điều phối hoạt động giảng dạy, kiểm tra chất lượng buổi học của từng học sinh cụ thể. Về lâu dài, kể cả khi kiểm soát tốt dịch bệnh, mô hình dạy học tại nhà bài bản vẫn có thể thực hiện trong trường hợp học sinh ốm nghỉ hoặc cần nhu cầu giáo dục đặc biệt./.
Từ khóa: giáo viên mầm non, dịch Covid-19, giáo viên mất việc
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN