Giáo viên mắc Covid bị trừ điểm thi đua có phải là cách làm đúng?
Cập nhật: 28/02/2022
[VOV2] - Việc xây dựng những tiêu chí hoạt động trong các cơ sở giáo dục là cần thiết nhưng nếu áp dụng quá cứng nhắc và máy móc không tính đến các yếu tố khách quan và hoàn cảnh cụ thể sẽ không tạo được hiệu quả mong muốn.
Chuyện một số giáo viên của Trường THCS Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vô cùng bức xúc vì bị trừ điểm thi đua trong những ngày phải nghỉ dạy học vì mắc Covid-19 đang làm cho dư luận xã hội ngạc nhiên và bất bình.
Cụ thể, trường THCS thị trấn Văn Điển áp dụng hình thức trừ 10 điểm thi đua đối với những trường hợp giáo viên F0, phải nghỉ 7 ngày. Với thầy cô nào có tham gia dạy online trong thời gian là F0 sẽ chỉ bị trừ 5 điểm.
Việc bị nhiễm Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình, ảnh hưởng đến công việc là điều không ai muốn. Vì vậy việc bị trường trừ điểm thi đua đã khiến nhiều giáo viên vừa tủi thân, vừa cảm thấy tức giận. Đó là chưa kể, để việc dạy học không bị gián đoạn ảnh hưởng đến tiến độ chương trình của học sinh những thầy cô còn khỏe mạnh đã phải dạy thay đồng nghiệp. Tuy nhiên, những giáo viên dạy thay đồng nghiệp cũng không được cộng điểm. Và điều này đã gây ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp loại viên chức hàng tháng của giáo viên.
Chuyện trừ điểm thi đua của giáo viên bị nhiễm Covid-19 không thể đi dạy là việc làm cứng nhắc. Trên thực tế, ngay từ đầu năm học, mỗi nhà trường đều xây dựng một bộ tiêu chí thi đua riêng và được thông qua tại hội nghị cán bộ, viên chức để thống nhất thực hiện. Nhiều quy chế trong điều kiện bình thường là hợp lý, nhưng trong thời điểm dịch bệnh, khi mà cả xã hội trong đó có giáo viên và học sinh đều đang rất nỗ lực để thích ứng, thì quy chế ấy không còn phù hợp nữa.
Là giáo viên, không thầy cô nào muốn ốm đau để nghỉ dạy, trong lúc dịch bệnh phức tạp như hiện nay, không thầy cô nào muốn mình trở thành F0, là nguồn lây cho đồng nghiệp và học trò chưa nói tới việc tổn hại sức khỏe bản thân, ảnh hưởng công việc. Trên thực tế, tuy thuộc diện F0, F1 nhưng các thầy cô vấn cố gắng tham gia giảng dạy trực tiếp hoặc gián tiếp. Động viên họ còn không làm, nhà trường lại nghĩ ra cách cắt thi đua của họ thì thật là hành động máy móc, cứng nhắc nếu không nói là phi nhân đạo.
Ngay sau khi báo chí lên tiếng về sự việc này, trưởng phòng giáo dục huyện Thanh Trì, Hà Nội đã có phản hồi tích cực. Phòng GD-ĐT đã yêu cầu Trường THCS Thị trấn Văn Điển phải họp lại hội đồng thi đua, rút kinh nghiệm và có sự điều chỉnh cho phù hợp, nhằm động viên kịp thời cho người lao động.
Ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng Giáo dục huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết: “Với trách nhiệm của ngành, chúng tôi cũng sẽ nhắc nhở tới tất cả các nhà trường trong huyện nói chung, để kịp thời điều chỉnh nếu trường nào còn thực hiện theo cách thức trên, phải rút kinh nghiệm ngay lập tức".
Mục đích cuối cùng của việc thi đua là sự động viên, khích lệ kịp thời với người lao động chứ không phải thi đua để tạo ra áp lực, gây ảnh hưởng đến sự cố gắng của các thầy cô. Trong khi ngành giáo dục cũng như các ngành khác đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 thì sai sót của Trường THCS Thị trấn Văn Điển là bài học mà các trường cần rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Từ khóa: Nghị quyết 128, Covid-19, áp lực, ảnh hưởng, F0, trách nhiệm, thích ứng, nghỉ dạy, giáo viên, học sinh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2