Giáo viên làm công tác xã hội trường học phải ôm đồm nhiều việc
Cập nhật: 06/09/2022
Bị bắt khi định lừa 150 triệu đồng để lo cho công an lấy xe vi phạm ra sớm
Triệt xóa nhóm thiếu niên gây ra nhiều vụ cướp giật và trộm cắp tài sản
[VOV2] - Nhiều trường đang tư duy theo kiểu, đã cử người đi học tư vấn trường học rồi, có ca khó đều đẩy hết cho họ. Tuy nhiên, những làm công tác xã hội trường học chỉ là đầu mối điều phối.
Trong 2 ngày 30-31/8, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác xã hội trường học tại các cơ sở giáo dục. Tham gia tập huấn có gần 200 cán bộ giáo viên tham dự trực tiếp và khoảng 180 điểm cầu với hơn 10.000 cán bộ giáo viên tham dự trực tuyến.
Thương học sinh nhưng chưa tìm ra phương pháp để trợ giúp
Chia sẻ về khó khăn khi làm công tác xã hội trường học, cô Nguyễn Như Quỳnh, Phòng GD-ĐT Ngô Quyền, Hải Phòng cho biết, giáo viên gặp áp lực khi đối mặt với nhiều vấn đề của học sinh và phụ huynh.
Chẳng hạn như trẻ tăng động, giảm chú ý, ngại giao tiếp bằng mắt với người lớn, thích sống trên màn hình ảo, sống bằng trò chơi, lạm dụng thiết bị điện tử vì cảm thấy được an ủi trong khi bố mẹ bận “trăm công ngàn việc”.
Nhiều phụ huynh không tương tác được với con, nói câu trước câu sau là nổi đóa, không tin con làm được, thường hay so sánh con nhà người ta, bắt đi học thêm, thậm chí phó mặc cho các thầy, các cô.
Trong khi đó, giáo viên lại thiếu kỹ năng lắng nghe, giao tiếp với học sinh, đặc biệt là thiếu phương pháp xử lý tình huống với những học sinh khác biệt.
“Là giáo viên mảng công tác xã hội, thấy học sinh khó khăn mình rất thương nhưng khả năng của mình nhỏ bé, chỉ có thể chia sẻ an ủi, nhưng làm được cái gì rộng hơn để trợ giúp các em thì chưa tìm ra phương pháp”, cô Phạm Thị Hà, Sở GD-ĐT Thái Bình trăn trở.
Cô Bùi Thị Ngọc Diệp, Sở GD-ĐT Cao Bằng cho rằng, hiện chưa có biên chế cho giáo viên công tác xã hội trường học, giáo viên làm công tác xã hội trường học chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng công tác, trong khi phải kiêm nhiệm quá nhiều việc.
Theo bà Nguyễn Thúy Liễu, Phó trưởng phụ trách phòng chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Hải Phòng, ở các trường học hiện nay, tổng phụ trách đoàn đội thường kiêm nhiệm chăm sóc y tế ban đầu và công tác xã hội tâm lý học đường. Tuy vậy, việc kiêm nhiệm bấp bênh bởi vì “không phải kiêm nhiệm từ đầu đến cuối mà có khi làm 2-3 tháng hoặc hết tuổi tổng phụ trách thì lại chuyển sang công việc khác. Thậm chí có khi đi tập huấn về công tác xã hội về chưa kịp triển khai đã chuyển công tác”. Trong khi đó, bà Liễu cho rằng để tích lũy được vốn xã hội, tâm lý học đường hoặc công tác tổng phụ trách đòi hỏi dày dặn kinh nghiệm.
Bà Liễu đánh giá, việc không có biên chế khiến việc thu hút nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp về công tác trong các trường học công lập gần như bất khả thi.
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội trường học, ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản liên quan đến Công tác xã hội, đặc biệt có Thông tư số 33 năm 2018 về hướng dẫn Công tác xã hội trong trường học.
Qua thực tiễn gần 4 năm triển khai, bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại những hạn chế như kết quả triển khai công tác xã hội vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu.
Theo quy định hiện nay, trong các trường học không có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội, cán bộ, nhân viên công tác xã hội là cán bộ kiêm nhiệm được giao đầu mối làm công tác xã hội vì vậy không có chuyên môn làm công tác xã hội; hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên được tập huấn; quy trình triển khai thực hiện công tác xã hội trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện đúng quy trình.
Có ca khó lại đẩy hết cho người đi học về
Theo TS. Phạm Văn Tư, Phó trưởng Khoa công tác xã hội, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, giáo viên giúp đỡ học sinh khó khăn, gặp những vướng mắc trong cuộc sống chỉ bằng tấm lòng thôi là chưa đủ mà phải có phương pháp khoa học. “Là một nghề thì phải có đào tạo, bồi dưỡng nhằm can thiệp trợ giúp cá nhân, gia đình, nhóm cộng đồng giải quyết vấn đề gặp phải, phát huy tiềm năng và kết nối các nguồn lực để họ tự giải quyết vấn đề".
TS. Tư ví dụ bằng câu chuyện cụ thể. Sau đợt dịch COVID-19 ông đã trợ giúp một nữ sinh lớp 8 và mẹ của học sinh này. Câu chuyện xuất phát từ việc mẹ em phát hiện sự thật động trời con mình hẹn hò với một nữ sinh lớp 11 ở Sài Gòn, hẹn sau dịch bay ra trốn đi chơi. Phát hiện mối tình đồng tính của con, bà mẹ đã đánh con thậm tệ. Trước sự cấm đoán của phụ huynh, nữ sinh lớp 8 tự tử hụt được mẹ phát hiện và đưa đi cấp cứu.
“Đứng trước tình huống này nhà trường cần phải tìm được nguồn lực ở đâu để giúp đỡ học sinh đó và gia đình của họ? Trong tình huống này, chuyên môn công tác xã hội có nhiều điểm giúp bổ sung cho thầy cô làm nghề, nhiều học sinh sẽ được hỗ trợ tốt hơn theo cách thức vận hành của tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học".
Phó trưởng Khoa công tác xã hội, Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, nhiều trường đang tư duy theo kiểu, đã cử người đi học tư vấn trường học rồi, có ca khó đẩy hết cho họ. Tuy nhiên, người làm công tác xã hội trường học chỉ là đầu mối điều phối, kết nối các bên và kết nối chuyên gia để hỗ trợ học sinh.
Cần xã hội hóa công tác xã hội trường học
Năm 2004 Bộ GD-ĐT chính thức cho 6 trường ĐH đầu tiên đào tạo công tác xã hội. Hiện nay, có gần 50 cơ sở đào tạo công tác xã hội.
TS. Tư đánh giá, hiện nay nhiều Sở GD-ĐT đã quan tâm giúp các trường có đầu mối về người làm công tác xã hội trường học, điều phối dịch vụ hỗ trợ học sinh, phụ huynh, giáo viên. “Do vị trí việc làm, hiện giờ chỉ có một số trường tư thục vận hành theo mô hình công tác xã hội trường học, tuyển dụng người tốt nghiệp công tác xã hội để điều phối cung cấp dịch vụ công tác xã hội trường học như tham vấn trường học, điều phối hỗ trợ phụ huynh học sinh hiệu quả”.
Tại các trường công lập, nhân sự làm công tác xã hội ở các cơ sở giáo dục công lập chủ yếu là các giáo viên kiêm nhiệm, việc triển khai công tác xã hội trường học khá vất vả.
Gỡ khó cho vấn đề này, theo TS. Phạm Văn Tư, Thông tư 33 đã chỉ rõ công tác xã hội trường học hoàn toàn có thể xã hội hóa.
"Những trường học đóng trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp hoặc có điều kiện kinh tế tốt có thể huy động các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ một phần cho công tác đào tạo giáo viên để có nghiệp vụ công tác xã hội trường học. Chính họ cũng là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ, bảo trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Khi chúng ta thuyết phục được phụ huynh đấy là dịch vụ quan trọng hỗ trợ chính con em họ thì phụ huynh sẽ ủng hộ, nhà trường sẽ triển khai thuận lợi. Trong điều kiện hiện nay để có biên chế không dễ, quan trọng là làm thật và hiệu quả"
Theo TS. Tư, xã hội hóa công tác xã hội trường học khả thi vì điểm mạnh của công tác xã hội trường học là điều phối, khai thác, kết nối nguồn lực hỗ trợ cho trường học./.
Từ khóa: công tác xã hội trường học, giáo viên, kiêm nhiệm, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2