Giáo viên “đánh vật” với các cuộc thi
Cập nhật: 28/11/2019
Bắt cựu nhân viên ngân hàng lừa đảo nhiều tỷ đồng
Bắt giữ các đối tượng tàng trữ, mua bán pháo nổ trái phép tại TP.HCM
VOV.VN -Sau khi tham gia 4 kỳ thi giáo viên giỏi âm nhạc cấp huyện, tỉnh, một giáo viên âm nhạc bị sút 10kg. Thực tế cho thấy nhiều cuộc thi còn nặng hình thức.
Một tháng thi 4 lần, sụt 10kg
Trong các buổi gặp mặt với các bộ, ngành chức năng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11 vừa qua, nhiều thầy cô giáo đã nêu kiến nghị: Giảm tải áp lực cho giáo viên trong các cuộc thi sáng kiến sáng tạo, giáo viên dạy giỏi. Cô Lương Thị Hòa, giáo viên âm nhạc kiêm tổng phụ trách đội trường Tiểu học và THCS Cao Sơn, TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ câu chuyện cô sút 10kg sau khi tham gia 4 kỳ thi giáo viên giỏi âm nhạc cấp huyện, tỉnh và giáo viên tổng phụ trách đội giỏi cấp huyện tháng 3 năm ngoái. Cô giáo này cũng mong muốn các kỳ thi giáo viên dạy giỏi được giảm tải, nhất là để loại trừ bệnh thành tích trong thi đua, đặc biệt là những người dạy ở vùng đặc biệt khó khăn, để thầy cô tập trung giảng dạy và quan tâm nhiều hơn đến học sinh.
Cuộc thi giáo viên giỏi nặng tính hình thứ gây áp lực cho giáo viên. Ảnh: Trube |
Đồng quan điểm, thầy giáo Nguyễn Quang Trung (THCS Quảng Hòa, Đắk Nông) thẳng thắn bày tỏ thực trạng, thực hiện việc tinh giản biên chế, số lượng giáo viên phụ trách lớp đã theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều cuộc thi dành cho giáo viên đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo thời gian giảng dạy cho học sinh trên lớp. Dù giáo viên có lịch dạy bù nhưng vẫn không đảm bảo chất lượng bằng việc dạy như đúng quy định.
“Ngành giáo dục cần giảm số lượng cuộc thi dành cho giáo viên. Đồng thời, cần giảm số lượng hồ sơ sổ sách mang tính hình thức để giảm gánh nặng cho giáo viên chủ nhiệm. Bởi vì giáo viên chủ nhiệm không chỉ dạy, quản lý mà còn phải đảm nhiệm việc kiểm tra các chế độ dành cho học sinh...”, thầy Trung đề nghị.
Còn cô Nguyễn Vân Nhi, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, việc làm sáng kiến kinh nghiệm hằng năm rất khó thực hiện. Theo cô, để có thể viết ra được một sáng kiến có chất lượng, đủ tiêu chuẩn cho ngành giáo dục, đòi hỏi sự đúc kết nhiều kinh nghiệm và công sức.
Hơn nữa, một giáo viên bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt tiêu chuẩn cấp huyện trở lên mới có cơ hội đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua nên thậm chí có hiện tượng sao chép ý tưởng, biến tấu lại sản phẩm của người khác thành của mình. Điều này vô hình chung tạo áp lực lên giáo viên, nhiều thầy cô chưa có kinh nghiệm đã phải làm sáng kiến, đồng thời làm mất tính công bằng của cuộc thi.
“Ngành giáo dục cần giảm số lượng cuộc thi dành cho giáo viên. Đồng thời, cần giảm số lượng hồ sơ sổ sách mang tính hình thức để giảm gánh nặng cho giáo viên chủ nhiệm. Bởi vì giáo viên chủ nhiệm không chỉ dạy, quản lý mà còn phải đảm nhiệm việc kiểm tra các chế độ dành cho học sinh...”-Thầy Nguyễn Quang Trung, Trường THCS Quảng Hòa, Đắk Nông.
Cô giáo Hà Thị Hiền (Trường Tiểu học và THCS Phú Cường, Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Hiện nay, ở trường Phú Cường trung bình 40 học sinh/lớp. Tuy nhiên học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, tiếp nhận kiến thức so với những học sinh ở vùng thuận lợi. Vì vậy, cần giảm sĩ số học sinh để việc kèm cặp các em được tốt hơn”.
Giảm áp lực, đi vào thực chất
Bày tỏ sự thấu hiểu trước áp lực của giáo viên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) thừa nhận: Thời gian qua nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp mang tính chất “diễn”, một giờ dạy giỏi được “diễn” đi, “diễn” lại nhiều lần, làm bản chất cuộc thi này khác đi, mục tiêu của cuộc thi giáo viên dạy giỏi không còn trong sáng nữa. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đang rà soát tất cả thông tư quy định về giáo viên dạy giỏi, từ đó xây dựng thông tư mới, hướng đến việc xét và công nhận danh hiệu này qua cả một quá trình, bởi “một giờ dạy không đủ quyết định giáo viên đó có giỏi hay không”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sắp tới cuộc thi giáo viên dạy giỏi thay vì thi 2 tiết học các thầy cô sẽ chỉ phải tổ chức 1 tiết học, trong đó sẽ không phải viết hay trình bày sáng kiến kinh nghiệm, mà thầy cô có thể chia sẻ, trình bày những kinh nghiệm hay, những việc làm tốt trong năm qua. Cần sớm có giải pháp nhằm giảm tải áp lực cho giáo viên trong các cuộc thi sáng kiến sáng tạo, giáo viên dạy giỏi; có cơ chế luân chuyển cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn yên tâm công tác lâu dài; đảm bảo chế độ cho giáo viên và học sinh vùng cao…Thông tư chuẩn bị ban hành được xây dựng trên tinh thần giảm tối đa áp lực cho giáo viên. Các cuộc thi vẫn được tổ chức nhưng hình thức sẽ được giảm tải, không bắt buộc thầy cô tham gia.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã rà soát và sẽ cắt những cuộc thi không nâng cao chất lượng giáo dục, thậm chí còn tạo gánh nặng, áp lực cho giáo viên. Một trong những nội dung quan trọng từ năm 2019 để giảm áp lực, tạo động lực cho giáo viên là giảm gánh nặng sổ sách hành chính, các cuộc thi nhà giáo không cần thiết. Bộ cũng đề nghị địa phương và các bộ, ban ngành liên quan chung tay giải quyết áp lực thi đua cho các trường; có chính sách lương bổng để nhà giáo yên tâm làm tốt công việc./.
Từ khóa: cuộc thi giáo viên giỏi, giáo viên giỏi âm nhạc, giáo viên âm nhạc, áp lực
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN