Giáo viên cần đầu tư nhiều hơn khi dạy trực tuyến

Cập nhật: 09/09/2021

[VOV2] - Khi việc dạy trực tuyến trở thành phương thức bất khả kháng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để có những giờ học thực sự hiệu quả, người giáo viên cần đầu tư nhiều hơn bằng sự năng động, sáng tạo và tâm huyết.

Trong giờ học trực tuyến vai trò của giáo viên nặng nề hơn

Ngày đầu tiên của năm học mới 2021-2022 diễn ra không mấy suôn sẻ. Nhiều lớp học trực tuyến gặp “sự cố", học sinh không vào được lớp học, đường truyền chập chờn lúc có lúc không, thuật ngữ “out ra out vào" liên tục được phụ huynh và học sinh than thở … Dường như các nhà mạng chưa có sự nâng cấp công suất cho hàng triệu “thượng đế" trong ngày đầu học online.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng khoa Tâm lý ĐH Giáo dục – ĐH Quốc Gia Hà Nội : “Có những khó khăn và xáo trộn trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, cũng phải nhìn thấy điểm tích cực đó là các thầy cô cũng đã có sự chuẩn bị rất tốt về mặt bài giảng. Sau giờ học, các thầy cô cũng đã chuẩn bị một số địa chỉ để các con nhận các bài tập cũng như nộp bài. 

Trong giờ học trực tuyến vai trò của giáo viên nặng nề hơn, đòi hỏi họ phải năng động sáng tạo hơn, phải phối hợp nhiều yếu tố. PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, trong một lớp học trực tuyến thì giáo viên phải kiêm luôn cả huấn luyện viên cho cha mẹ để họ trở thành những cánh tay nối dài của giáo viên. Vì vậy giáo viên cũng cần phải thay đổi các quan điểm. Trong môi trường trực tuyến thì giáo viên xác định mình là người hỗ trợ học tập, hướng dẫn các con khám phá các chủ đề và cũng lôi kéo bố mẹ vào để cùng khám phá với các. 

"Không chỉ chuẩn bị kiến thức trong phạm vi bài giảng, người giáo viên dạy trực tuyến cần chủ động mở rộng, phát triển bài giảng", cô Ninh Hạnh Quyên, Trường THPT chuyên Hà Nội Amstecdam nêu quan điểm. Là người tham gia giảng dạy trên Đài Phát thành - Truyền hình Hà Nội, cô giáo Ninh Hạnh Quyên chia sẻ: giữa việc dạy trực tiếp với dạy trên truyền hình có sự khác biệt khá rõ. Khi dạy trực tiếp thì giáo viên  có sự tương tác với học trò, và có thể xử lý kịp thời tất cả các tình huống phát sinh trong quá trình dạy. Còn dạy trên truyền hình thì giáo viên gần như là độc thoại nhưng có thể có số đông người truy cập vào bài giảng của mình. Vì vậy khi dạy trên truyền hình chúng tôi phải đầu tư cho việc soạn giáo án, làm thế nào để bao quát được những vấn đề cốt yếu nhưng cũng có thể lường trước những tình huống, những vấn đề học sinh có thể đặt ra để mình tự giải quyết ngay trên bài giảng của mình.

Nếu có sự đầu tư thực sự và tâm huyết giờ dạy trực tuyến còn hiệu quả hơn giờ dạy trực tiếp

Cô giáo Tô Thuỵ Diễm Quyên - giáo viên Việt Nam đầu tiên được giải thưởng Giáo viên sáng tạo toàn cầu là người đã tập huấn cho hàng triệu lượt giáo viên có thể sử dụng các ứng dụng, ưu thế của internet vào trong việc giảng dạy chia sẻ: Việc dạy trực tuyến hiện nay có khá nhiều bất cập gây áp lực cho giáo viên. Có học sinh mở máy và để đó, không tham gia giờ học, giáo viên cứ phải đi tìm và lâu lâu gọi tên điểm danh học sinh. Vậy giáo viên cần tìm giải pháp để làm sao để học sinh luôn luôn quan tâm đế tiết học này, tự nguyện hợp tác, tương tác. Muốn làm được điều đó các thầy cô cần thay đổi phương pháp. Tâm lý của đứa trẻ ngồi trước tivi, trước màn hình khác hoàn toàn với việc ngồi ở trong lớp tương tác với thầy cô và tương tác với các bạn.

Cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên đưa ra 3 gợi ý: Đầu tiên các thầy cô phải cần  tổ chức những hoạt động để trẻ tìm tòi trước. Phải sắp xếp sao cho hợp lý các đầu việc phù hợp tạo thành hệ sinh thái học tập chứ không phải chỉ ngồi trước mặt thầy cô mới là học. Thứ hai, cần tạo không gian học cho các con, giáo viên phải trao đổi với phụ huynh xem nơi nào phù hợp để con ngồi học. Có thiết bị là tốt rồi nhưng bố mẹ cũng phải quan tâm đến việc học của con. Trong việc tương tác với các con, đầu giờ nên cho trẻ ôn lại kiến thức qua hình thức như chơi games để trẻ tăng sự phấn khích, hưng phấn trong suốt tiết học. Tiếp theo quá trình đó, chúng ta sẽ thông báo cho trẻ biết  cô sẽ có những câu hỏi đột xuất câu hỏi này được bao nhiêu điểm cộng, cuối giờ cô sẽ đưa ra những câu hỏi tổng hợp ai có thể tóm lại được những gì cô nói trong tiết học sẽ được điểm cao.

Giáo viên thực hiện cho điểm thường xuyên, không phải cho điểm kết quả mà cho điểm lúc các con tương tác với cô, với bạn. Cô đánh giá học sinh không chỉ bằng điểm số mà bằng lời nói ví dụ khen tư thế ngồi của con, khen cách ăn mặc của con… Những tương tác nhỏ nhỏ đó tạo niềm vui cho trẻ làm cho trẻ cảm thấy ngồi trước màn hình cũng phải trân trọng chính hình ảnh của mình và khi đó đứa trẻ có tâm thế khác, hứng thú  học tập.

Cách giáo viên tương tác với học trò phải thật thoải mái chứ không nặng nề, làm sao cho giờ học thật thú vị, thật thu hút và không chỉ giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh mà yêu cầu học sinh đặt câu hỏi lại cho giáo viên câu hỏi càng khó giáo viên không trả lời ngay được thì trò càng được điểm cao. Điều này tạo không khí vui vẻ cho giờ học như vậy giờ học sẽ đạt hiệu quả.Cách đánh giá không đánh giá kết quả mà đánh giá quá trình mức độ đạt được, khích lệ để học sinh tương tác nếu đầu tư bài bản và tâm huyết hiệu quả giờ học trực tuyến còn hiệu quả hơn cả giờ dạy trực tiếp.

Dạy trực tuyến giáo viên vẫn cần phải giữ hình ảnh từ cách ăn mặc, trang phục đến ngôn ngữ cử chỉ khi giảng bài và giao tiếp với học sinh

Cô giáo Lê Lưu Ly, trường THCS-THPT Thực Nghiệm, Ba Đình, Hà Nội là người nổi tiếng có gu thời trang rất đẹp và lịch sự. Từ khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng khiến cho cô và những đồng nghiệp của mình phải dạy trực tuyến. Hình ảnh cô giáo trên màn hình máy tính vẫn rất lịch lãm và ấn tượng. Cô thường mặc áo dài khi họp phụ huynh và khi đứng lớp, hay trong những ngày đầu tuần có tiết chào cờ. Theo cô: mặc đẹp, lịch sự là sự tôn trọng học sinh, tôn trọng phục huynh và công việc mình làm trong môi trường sư phạm. Việc ăn mặc đẹp, lịch sự cũng khiến cho học sinh cảm thấy hứng thú khi học và làm cho giờ học nghiêm túc diễn ra như giờ học trực tiếp.

Khi việc dạy trực tuyến trở thành phương thức bất khả kháng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để có những giờ học thực sự hiệu quả, người giáo viên cần đầu tư nhiều hơn bằng sự năng động, sáng tạo và tâm huyết. 

Từ khóa: dạy trực tuyến, phương thức, bất khả kháng, tình hình dịch bệnh, Covid-19, năng động, sáng tạo, tâm huyết.

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập