Giao thừa - Khoảnh khắc trời đất giao hòa thiêng liêng
Cập nhật: 24/01/2020
VOV.VN - Chiều 30 Tết, có lẽ là một trong những ngày vui nhất, bởi sự háo hức, rộn ràng của cả nhà chuẩn bị cho buổi cúng tất niên, “mời các cụ” về ăn Tết.
Bao giờ thày cũng sẽ cặm cụi thịt hai con gà. Một con cúng tất niên, và một con làm lễ đón giao thừa. Gà đi lễ phải là gà trống, chân to khoẻ, cánh rộng, cổ dài, mào dày và đỏ tía. Những con gà đi lễ thường được thày u nuôi từ trong năm, năm nào cũng nuôi 3 con thật to khoẻ. Một con làm lễ tất niên, một con làm lễ giao thừa và một con làm lễ “đưa các cụ” (tức là lễ hoá vàng theo cách gọi ngày nay, thường được cúng vào sáng mùng Ba Tết).
Công việc thịt gà lễ rất cầu kỳ, và bao giờ cũng thế, phải tự tay thày làm, mấy anh em chỉ mon men bên cạnh, cầm chân gà cho thày cắt tiết, đun nước sôi để làm lông. Sau này các anh lớn lên, ngoài hai mươi tuổi thì thày mới dạy cụ thể, chi tiết vì theo thày, thịt gà lễ cần sự khéo léo và cũng cần cái tâm thật tĩnh, thật an yên, thật khoan thai thì con gà khi lên mâm mới đẹp và có “thần thái”, dáng vóc đúng như mình mong muốn.
Cái cảm giác ngồi xem thày thịt gà lễ thật thích thú. Trong nhà, chiếc radio mở thật to, giọng nói và tiếng hát liên tục được phát ra tạo nên không khí thật rộn ràng. Ngày ấy, Đài hay phát bài “Em ơi mùa xuân đến rồi đó, thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời…” nghe mà lòng phơi phới, háo hức. Ngoài sân, u ngồi cắt bánh chưng. Chiếc bánh chưng dài bóc lá, u thì một tay cầm bánh, tay kia cầm sợi dây được “chốt” bởi hàm răng cắn chặt, thế là cứ vòng cái dây vào thân bánh rồi kéo ra là một khoanh bánh tròn xoe rơi xuống đĩa, khoanh bánh với vòng tròn nhân đỗ vàng rộm bên trong nhìn như một bông hoa rất đẹp.
Thày cặm cụi làm lông gà sạch sẽ. “Vặt lông phải vặt xuôi, vặt ngược là nó tróc hết da”, thày vừa làm vừa hướng dẫn, xong thì tuốt chân, móng, bóc lưỡi, bóc màng ở mào, mắt… thày làm rất chậm rãi, tỉ mỉ để không bị xước một tý da nào. Xong xuôi, thày rửa sạch gà và cho lên thớt để mổ. Thày nói, “mổ gà lễ là phải mổ moi, chứ không được mổ phanh như thịt gà ăn bình thường”. Mổ moi tức là thày mở một đường dao ở phía bụng dưới con gà, lôi hết lòng mề bên trong ra, rửa sạch sẽ, để ráo nước rồi cho gà lên cái mâm đồng. Thày bắt đầu lấy que và dây để “gò” cánh, “nắn” cổ làm sao để con gà ở thế thăng bằng, hai cánh ngang nhau, cái cổ gà hướng lên trên, nhìn rất mạnh mẽ, vững chãi. Xong rồi thày cho gà vào một cái nồi to, đổ đầy nước (ngập gà) và bắc lên bếp, cho củi vào đốt, để nhỏ lửa lim dim như thế cho gà được ngấm đều và chín đều.
Khi luộc chín, thày tự tay vớt gà ra mâm, để ráo nước rồi thày tháo những cái “nẹp” ra, con gà đã hoàn chỉnh, xong rồi thày lấy một bông hoa hồng mà u đã chuẩn bị sẵn, cắm vào miệng con gà nhìn rất đẹp. Có năm không có hoa hồng, thày lấy tạm một bông hoa cúc vàng, nhìn cũng rất tươi sáng.
Chiều tối, khi u và các chị ở nhà sắp cỗ tất niên, thì mấy bố con vác cuốc và mang theo vàng, hương ra nghĩa trang đầu làng để “đón các cụ”. Mình rất thích công việc này. Hồi đó có năm anh Toán đi bộ đội về, có vài chục bạc nên mua 5-6 bánh pháo. Mình cứ nhìn đống pháo là thấy sướng rơn lên chả cần ăn cỗ. Mang theo một bánh pháo ra nghĩa trang, mấy bố con hì hụi nhặt cỏ, quét dọn, lau chùi bia mộ. Ngày trước thì đa số mộ đắp đất thì lấy cuốc “rẫy” cỏ rồi đắp lên mộ để tạo cảm giác được “khoác áo mới”, xong xuôi mấy bố con thắp hương, đứng chắp tay kính cẩn lầm rầm cúng, như một lời mời các cụ về nhà ăn Tết với con cháu. Cúng xong, mấy anh em hoá vàng, đốt pháo rồi trở về nhà.
Bữa cơm tất niên bao giờ cũng là bữa cỗ ngon nhất trong mấy ngày Tết. Bởi đó là bữa cỗ đầu tiên sau cả một năm ăn uống kham khổ, nên ăn cái gì cũng ngon. Cỗ Tết nhà mình thời xưa thường có 5 đĩa, 4 bát. 5 đĩa gồm: một đĩa giò nạc, một đĩa giò pha, một đĩa thịt gà, một đĩa thịt lợn luộc, một đĩa su hào xào cà rốt. 4 bát gồm 1 bát canh măng, một bát canh miến, một bát nấu đông và một bát canh đậu phụ nấu hành răm. Ngoài ra sẽ là hai đĩa bánh chưng, một đĩa bánh gio và tất nhiên, không thể thiếu được một bát dưa hành “thần thánh” mà nhà nào cũng phải có.
Trong bữa ăn tất niên, bao giờ thày u cũng “tổng kết” lại năm qua. Ví như nhà mình năm nay được mùa hay mất mùa, có vấn đề gì trong công việc cần phải thay đổi trong năm mới, đặc biệt thày u hay điểm lại các mặt ưu nhược điểm của các con. Nhớ cái hồi lớp 11, mình yêu sớm, tất niên năm đó u bảo, Lục năm nay yêu đương vào nên chểnh mảng học hành, Lục xác định nếu ở nhà cày ruộng thì học xong cấp 3 thày u sẽ cưới vợ cho, còn muốn thoát ly thì phải học giỏi và tự lập chứ thày u chả biết cơ quan cơ quách thế nào mà xin đâu, mày cứ tự quyết định cuộc đời của mình con ạ. Thế mà năm đó mình vẫn yêu, dù vẫn không lựa chọn nghề nghiệp đi cày. Thế là cuối cùng trượt đại học thật, u nói chả sai bao giờ. May mà cuộc đời vẫn cho Lục cơ hội để thoát ly như hôm nay.
Đêm giao thừa, quê mình hồi xưa gọi là “động thổ”. Ngày đó chưa có điện, trời tối đen như mực. Ăn tất niên xong, mình lại tót sang nhà con Lý để nghe đài, hoặc qua rủ mấy thằng bạn đi dạo loanh quanh trong làng, vừa đi vừa khoe nhà tao có cái gì, nhà mày mấy bánh pháo,… rồi nửa đêm thì đứa nào về nhà nấy để chuẩn bị đốt pháo “động thổ”. Có năm trời rét, không gian lạnh căm, chả ai muốn ra ngoài.
Trong nhà, mùi hương khói quyện với mùi bưởi, chuối thơm ngào ngạt. U thì ngồi đan len, thày ngồi dặm lại mấy cái con rơm trong ổ đã xộc xệch. Mình với thằng út nằm đắp chăn ngủ, trước khi ngủ còn dặn “U ơi bao giờ động thổ thì gọi em dậy nhá”. Thế mà có năm, pháo nổ đì đoàng, u dựng hai thằng dậy mà lại nằm vật xuống, sáng hôm sau thức dậy, thằng Út cứ thút thít khóc “bắt đền” vì không được xem đốt pháo động thổ.Cái giây phút “động thổ” ấy vui và sung sướng nhất đối với bọn trẻ. Có năm, mới 12 giờ kém 10 phút là pháo đã nổ râm ran rồi. Vì thời đó không có tivi, chẳng có đếm ngược nên chỉ căn cứ xa xa ở thị xã Bắc ninh đốt pháo, là các làng gần đó cũng đốt và nó lan truyền theo tốc độ âm thanh, cứ thấy tiếng pháo là cả làng dậy đốt. Tiếng pháo nổ cứ gọi là dậy đất. Chó mèo chạy hết ra ngoài đồng vì sợ, đến tận rạng sang chúng mới lóp ngóp mò về.
Có năm nhà mình đốt pháo cháy cả đống rơm. Chuyện là ở sân có cái “dây thép” tức là cái dây phơi được buộc dọc từ mái nhà trên xuống đến cây buởi cuối sân. Cái dây chạy dọc sân ấy là để phơi quần áo. Sát cây bưởi ở góc sân là cái đống rơm rất to. Năm đó anh Sáu treo bánh pháo ở tận đầu dây bên này, nghĩa là cách rất xa cái đống rơm, thế nào mà khi pháo nổ, có quả bắn ra đống rơm mới nổ…đoàng và bùng lửa luôn. Cả nhà đang đứng ở cửa nhìn ra thì thấy đống rơm bốc lửa, thế là tán loạn ba chân bốn cẳng chạy vào bếp lấy xoong nồi, vào nhà tắm lấy chậu thau, anh Sáu lao ra giếng quảng cái gàu tùm xuống giếng rồi múc nước lên cho mọi người dập lửa, may mà nhà có cái bể nước mưa trữ đầy nước, thày bèn mở nắp ra đứng múc liên tục cho các anh bưng ra hắt vào đống rơm, may mà pháo nổ xong thì đống rơm cũng tắt lửa. Cả nhà thở phào hú hồn, vừa cười vừa động viên nhau: cháy đống rơm là có lộc đấy.
Những năm sau này khi mình đã lớn, bao giờ giao thừa mình cũng được thày cho bê mâm lễ lên đình. Cứ 12h đêm, khi tiếng pháo nổ râm ran khắp nơi, cũng là lúc tiếng trống trong đình vang lên thình thình rộn ràng quyện vào tiếng pháo. Mùi hương ngào ngạt quanh sân đình. Thày cúng xong, mình bê mâm lễ từ đình về nhà. Cả một không gian đêm mênh mông trầm lắng, mùi hương, mùi pháo lẫn trong gió sớm, vẫn con đường cũ, vẫn những mái nhà mái ngói cổ kính, vẫn những hàng cây quen thuộc ven đường, mà sao tất cả như được khoác tấm áo mới, cái cảm giác lâng lâng khi trời đất giao hòa thật thiêng liêng, mới lạ, cảm nhận được như từng nụ cây đang nhú, từng chiếc lá đang mở ra, từng tiếng chuyển mình của vạn vật, cái cảm giác đó khiến mình cũng thấy lớn lên, thêm một tuổi, thêm trưởng thành.
Đến bây giờ, đêm giao thừa nào cũng nhộn nhịp, pháo hoa tưng bừng sáng rực cả bầu trời, lòng vẫn thấy xốn xang nhưng không còn cái cảm giác lạ lẫm, mà quen thuộc, gần gũi mà thiêng liêng như ngày xưa nữa. Tất cả đã thuộc về ký ức, nhưng nó vẫn in đậm trong tâm hồn của mỗi người con xa quê, mỗi khi nhớ về./.
Từ khóa: pháo Tết, pháo nổ giao thừa, chiều 30, 30 Tết, Ngô Bá Lục
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN