Giáo sư Vuving: “Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông”
Cập nhật: 25/04/2020
Ca sĩ Lê Vĩnh Toàn tri ân quê hương Nghệ An qua phim ca nhạc "Miền nhớ"
Hương Ly, Lydie Vũ thăng hạng nhan sắc qua bàn tay "phù thủy trang điểm" Mi Nguyễn
VOV.VN - Theo giáo sư Vuving, Trung Quốc đang lợi dụng việc các nước tập trung chống dịch Covid-19 để có những hành vi khiêu khích nguy hiểm ở Biển Đông.
Hành vi sai trái đáng lên án
Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương (APCSS), Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông thông qua một loạt các hành vi khiêu khích và quấy rối các quốc gia trong khu vực.
Trung Quốc đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để chèn ép các quốc gia trong khu vực trong vấn đề Biển Đông. Ảnh: AP |
“Dường như ngay cả khi bận đối phó với dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc vẫn không từ bỏ tham vọng chiến lược của mình. Trung Quốc muốn tạo ra một chuẩn mực mới ở Biển Đông nơi họ tham vọng áp đặt mọi thứ theo ý của mình và để làm như vậy, Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng hơn”, Giáo sư Vuving đánh giá.
Mới đây nhất, để củng cố tham vọng độc chiếm Biển Đông phi lý của mình, Trung Quốc ngang nhiên thông báo Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là "khu Tây Sa" và "khu Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam mà trên thực tế là các thực thể nằm trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hành vi sai trái trên của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế, Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang tăng cường “chiến thuật chèn ép” trên Biển Đông trong khi các nước khác đang phải lo đối phó với dịch bệnh trong nước.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: “Bắc Kinh đã có những động thái lợi dụng sự phân tâm của các quốc gia khác để thực thi mưu đồ của mình, từ việc đơn phương thành lập các khu vực hành chính tại các đảo và vùng biển ở Biển Đông. Hồi đầu tháng, Trung Quốc cũng đã đánh chìm tàu cá của Việt Nam đồng thời thành lập phi pháp các “trạm nghiên cứu trên đá Chữ thập và đá Subi”.
“Điều quan trọng nhất hiện nay là cần nêu bật việc Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước đang tập trung chống lại cuộc khủng hoảng Covid-19 để tiếp tục những hành vi khiêu khích của mình”, ông Mike Pompeo nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án mạnh mẽ hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Các nước trong khu vực đồng loạt lên tiếng
Tuyên bố của ông Mike Pompeo được đưa ra trong bối cảnh, nhiều nước trong khu vực cũng đã lên tiếng phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc với từng quốc gia riêng rẽ trong những vụ việc khác nhau.
Cụ thể, liên quan đến việc Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "khu Tây Sa" và "khu Nam Sa", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết, nước này đã gửi công hàm ngoại giao phản đổi việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "khu Tây Sa" và "khu Nam Sa" cũng như việc Trung Quốc được cho là đã chĩa súng vào tàu Hải quân Philippines.
Cụ thể, ngày 17/2, khi tàu BRP Conrado Yap của Philipines đang thực hiện tuần tra tại khu vực Dự án năng lượng khí đốt tự nhiên Malampaya tại nhóm đảo Kalayaan thì phát hiện tàu Trung Quốc vỏ xám lại gần. Qua quan sát, vũ khí của tàu Trung Quốc đã chĩa vào phía tàu BRP Conrado Yap.
Tàu BRP Conrado Yap ngay lập tức đưa ra cảnh báo qua radio và đề nghị tàu Trung Quốc tiếp tục hành trình của mình, nhưng tàu Trung Quốc đã phản ứng bằng thông tin sai trái là: “Chính phủ Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với Biển Đông, các đảo và vùng biển lân cận”.
Giới chức quân đội Philippines ngày 23/4 khi công bố vụ việc đã lên án “hành vi thù địch có chủ ý của phía Trung Quốc” và nhấn mạnh: “đây là hành vi không thể chấp nhận được theo thông lệ quân sự quốc tế có thể gây leo thang căng thẳng dẫn tới xung đột”. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cũng khẳng định: “Hành vi này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”.
Trước đó, Malaysia cũng đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 theo sát tàu West Capella của nước này đang thực hiện việc thăm dò dầu khí tại khu vực thuộc thềm lục địa của Malaysia. Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 23/4 tuyên bố: “Malaysia tái khẳng định cam kết bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của nước này ở Biển Đông”.
Đáng chú ý, hồi năm 2019, Trung Quốc cũng đã điều nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành vi sai trái này được Trung Quốc lặp lại nhiều lần cho đến khi nhóm tàu Hải Dương 8 của nước này rút khỏi khu vực Bãi Tư Chính vào tháng 9/2019 trước những phản ứng kiên quyết của Việt Nam./.
Từ khóa: Biển Đông, Trung Quốc, Covid-19, hung hăng, Alexander Vuving
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN