Giáo sư Furuta Moto: Coi trọng đào tạo 3 năng lực cốt lõi
Cập nhật: 10/01/2020
Gần 100 gian hàng giảm giá tại “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”
23 tác phẩm xuất sắc đoạt giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Sơn La
VOV.VN - Nền giáo dục đại học Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. Mọi người đang cố gắng hội nhập quốc tế và tôi học tập được nhiều điều từ sự thay đổi này.
GS.TS. Furuta Moto, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt, Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam và là chuyên gia về lịch sử hiện đại và chính trị Việt Nam. Ông đã chia sẻ với phóng viên VOV về triết lý giáo dục của mình.
PV: Thưa giáo sư! Từ hơn một thế kỷ trước, nhà chí sĩ Phan Bội Châu của chúng tôi đã nhận thấy những thành tựu đáng kinh ngạc của Nhật Bản trong hành trình kiến thiết đất nước nên mong muốn đưa người Việt trẻ sang học hỏi để trở về xây dựng đất nước. Ông thấy có nét tương đồng nào giữa giáo dục hai nước?
GS.TS. Furuta Motoo, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt. |
GS.TS. Furuta Moto: Hai nước chúng ta đều có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, coi trọng giáo dục. Cụ Phan Bội Châu sang Nhật Bản vào năm 1905 có ý định ban đầu là cầu cứu Nhật Bản, tức là kỳ vọng Nhật Bản giúp đỡ vũ khí cho người Việt Nam đánh thực dân Pháp.Nhưng các nhà chính trị và chí sĩ dân gian Nhật Bản thời đó đều nói, trong bối cảnh quốc tế lúc đó, Nhật Bản khó mà viện trợ vũ khí cho Việt Nam, nhưng Nhật Bản có thể giúp cụ Phan đào tạo nhân tài “gánh vác công việc giành độc lập cho Việt Nam”. Cụ Phan nhận lời khuyên như vậy mà kêu gọi Phong trào Đông Du. Phong trào Đông Du được triển khai trên nền tảng hai nước Việt Nam và Nhật Bản đều có truyền thống coi trọng đào tạo nhân tài.
PV: Ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật. Đây là lần đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội bổ nhiệm Hiệu trưởng trường đại học thành viên là người nước ngoài. Qua 3 năm ở cương vị hiệu trưởng, ông thấy có điều gì cần thiết nhưng lại rất khó thay đổi trong giáo dục Việt Nam, cụ thể ở cấp đại học?
GS.TS. Furuta Moto: Nền giáo dục đại học Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của nền giáo dục đại học ở Liên Xô cũ và có khuynh hướng coi trọng giáo dục chuyên sâu. Sinh viên cũng chú trọng việc nhanh chóng nắm bắt kiến thức chuyên môn để có lợi thế khi xin việc làm. Doanh nghiệp muốn tuyển dụng sinh viên có năng lực chuyên môn có thể áp dụng ngay sau khi tuyển dụng. Tất nhiên đối với sinh viên đại học thì trang bị kiến thức chuyên sâu là điều then chốt. Nhưng chỉ tập trung vào điều này làm hạn chế việc đào tạo nhân tài có tầm nhìn rộng và kỹ năng đối ứng biến đổi. Nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, tầm nhìn rộng và kỹ năng đối ứng biến đổi có ý nghĩa rất quan trọng. Trường Đại học Việt - Nhật lấy giáo dục khai phóng làm triết lý cơ bản với kỳ vọng mang lại yếu tố mới cho nền giáo dục đại học Việt Nam. Nhưng đây không phải là việc dễ dàng.
PV: Điều gì ở giáo dục Việt Nam khiến ông thực sự hứng thú và nghĩ đó là động lực để mình tiếp tục công việc giáo dục?
GS.TS. Furuta Moto:Nền giáo dục đại học Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. So với Việt Nam, nền giáo dục đại học Nhật Bản quá bảo thủ, chậm thay đổi. Tôi thích môi trường thay đổi nhanh, mọi người đang cố gắng làm sao hội nhập quốc tế và tôi học tập được nhiều điều từ sự thay đổi của giáo dục đại học Việt Nam.
PV: Ở trường Đại học Việt - Nhật và trên cương vị hiệu trưởng, ông kỳ vọng xây dựng điều gì cho lứa sinh viên trong ngưỡng cửa quan trọng bước vào đời?
GS.TS. Furuta Moto:Trường Đại học Việt - Nhật coi trọng đào tạo 3 năng lực cốt lõi cho sinh viên. Một là, năng lực tổng hợp từ mặt bằng kiến thức cơ bản rộng và phạm vi ứng dụng rộng. Hai là, năng lực đối phó với biến đổi lớn trong xã hội. Ba là, năng lực lãnh đạo có đạo đức và luân lý. Đó là lý do Trường Đại học Việt - Nhật coi trọng giáo dục cởi trói ràng buộc, tức là giáo dục khai phóng.
Bước đầu trong việc thực hiện sứ mệnh của mình là chúng tôi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng quốc tế hướng tới trở thành các chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà quản lý ở Việt Nam, Nhật Bản, khu vực và thế giới. Tôi hy vọng các sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành nhân tài mà trí tuệ nhân tạo không thể thay thế, thể hiện qua 3 điều quan trọng là: kỹ năng sáng tạo, tư duy độc lập và kỹ năng ra quyết định quyết đoán.
PV: Khi nhận trọng trách Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật, mục tiêu ông đặt ra là gì?
GS.TS. Furuta Moto:Khi nhậm chức này, kỳ vọng lớn nhất của tôi là xây dựng một trường đại học thể hiện văn hóa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Thí dụ, người Việt Nam rất mềm dẻo, còn người Nhật Bản thích nguyên tắc và kỷ cương. Văn hóa của Trường Đại học Việt - Nhật dung hòa hai yếu tố đó.
PV: Trong hành trình đem “Đông Du” đến Việt Nam, ông có phát hiện ra điều gì để “học hỏi” ở Việt Nam?
GS.TS. Furuta Moto:Tôi yêu mến con người Việt Nam vì tính cách lạc quan yêu đời, mềm dẻo nhưng rất bền bỉ như cây tre. Tôi thấy những yếu tố đó người Nhật Bản nên học hỏi ở Việt Nam để vượt qua nhiều thử thách của thời đại.
PV: Những năm tiếp theo, nếu còn tiếp tục làm giáo dục, ông mong muốn điều gì?
GS.TS. Furuta Moto:Là nhà giáo dục, mong muốn lớn nhất của tôi là các cộng sự và các sinh viên của trường trưởng thành và có những thành tích vượt qua tôi.
Trân trọng cảm ơn giáo sư!./.
Giáo dục đại học: Bao giờ gỡ bỏ phân biệt công - tư?
Giáo dục đại học: Bao giờ gỡ bỏ phân biệt công - tư?
Từ khóa: giáo dục đại học, Giáo sư Furuta Moto, Đại học Việt-Nhật, giáo dục
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN