Giáo dục thiếu niềm tin mới phải dùng giải pháp tình thế học để thi
Cập nhật: 02/05/2021
Bắc Kạn: Triệt xóa ổ nhóm đánh bạc qua hình thức lô, đề
Nhận án phạt vì xúc phạm lực lượng chức năng trên mạng xã hội
[VOV2] - Phải rất lâu nữa chúng ta mới có thể tin được sự đồng đều trong đánh giá quá trình học tập ở các trường, các tỉnh khác nhau. Thầy Nguyễn Xuân Khang nhận định.
Năm học 2020-2021 sắp sửa kết thúc nhưng với học sinh các lớp cuối cấp lớp 5, lớp 9 và lớp 12 lại bắt đầu với một mùa thi tuyển sinh đầy cam go. Thấu hiểu những lo lắng của học trò, bức thư ngỏ gửi học sinh trước mùa thi năm 2021 của thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đã khiến cộng động mạng “rưng rưng” xúc động.
Bằng cách xưng hô thân mật, ấm áp ông nội – các con, bức thư đã tiếp thêm động lực cho học sinh sắp sửa bước vào kỳ thi.
Nói về lý do viết bức thư, thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ, “đối với học sinh, đặc biệt là học sinh phổ thông một năm có 3 tháng 4-5-6 và nửa đầu tháng 7 là mùa thi. Mùa tự nhiên có Xuân, Hạ, Thu, Đông với đủ nóng, lạnh, mưa, gió, bão lụt thì mùa thi của học sinh theo nghĩa nào đó cũng đủ mọi thứ nóng, lạnh, mưa gió, bão bùng".
Áp lực thi cử là chuyện không mới song chưa bao giờ hết “nóng”. Những năm gần đây, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo thông tư 26 của Bộ GD&ĐT hướng đến mục tiêu giảm bớt áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, để vào trường điểm, trường tốp đầu thì áp lực từ những kỳ thi dường như đang tạo ra khoảng cách cho mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Cần thiết phải có quá nhiều cuộc thi hay chỉ cần đánh giá trong quá trình đúng, nghiêm túc, chất lượng? Phóng viên VOV2 có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội.
PV: Thưa thầy Nguyễn Xuân Khang, một năm có 4 mùa nhưng với học trò thì lại có thêm một mùa nữa là mùa thi. Có lẽ thầy là người hơn ai hết cảm nhận được những lo lắng, áp lực của học trò bao nhiều thế hệ mỗi khi mùa thi đến?
Thầy Nguyễn Xuân Khang: Tôi cũng muốn khái quát hóa mùa thi của học sinh phổ thông có 2 loại thi với mục đích khác nhau. Loại thứ nhất với mục đích là xác định chuẩn đầu ra lớp học, hoặc cấp học. Loại thứ 2 là thi tuyển sinh.
Loại thứ nhất là tất yếu vì học xong 1 lớp học thì cuối năm bao giờ cũng có kỳ thi để đánh giá đầu ra và cuối cấp học Tiểu học, THCS, THPT, cần sát hạch để xác định chuẩn đầu ra của cấp đó. Trong những năm gần đây, luật Giáo dục quy định tốt nghiệp Tiểu học, tốt nghiệp THCS giao cho trường làm nên rất nhẹ nhàng.
Nếu quay trở lại thập kỷ 90 thì lớp 5, lớp 9 đều có kỳ thi tốt nghiệp rất căng thẳng, Hiện nay chỉ còn mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, không những Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng có những kỳ thi tương tự như thế, đó là tất yếu. Có áp lực nhưng đó là áp lực cần thiết, vừa đủ để thúc đẩy dạy tốt, học tốt với thầy và trò.
Áp lực vừa phải là động lực cần thiết nhưng đó là kỳ thi xác định chuẩn đầu ra của từng cấp, từng lớp. Còn trong mùa thi, loại thi với mục đích tuyển sinh mới tạo áp lực lớn. Ở lớp 1, lớp 6 còn mức độ vừa phải nhưng sang lớp 10, tuyển sinh ĐH-CĐ áp lực lớn hơn. Áp lực đó không chỉ đè nặng lên học sinh mà còn với bố mẹ, gia đình.
Áp lực là cần thiết nhưng cái gì quá đều không tích cực
PV: Khi nói về áp lực thi cử của học trò ở ta, có nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần áp lực để con trưởng thành và chịu được những áp lực lớn hơn sau này. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng nên để các con được thoải mái phát huy phẩm chất, năng lực mà không chịu áp lực từ các kỳ thi, nhất là ở bậc học dưới. Thầy ủng hộ quan điểm nào?
Thầy Nguyễn Xuân Khang: Quan điểm nào cũng có lý nhưng cái gì quá cũng không tích cực. Ví dụ áp lực lớn quá, mà cụ thể là nhiều học sinh và bố mẹ đặt kỳ vọng lớn vào con. Con không đủ năng lực để học trường chuyên, lớp chọn nhưng vì danh hão mà ép con thi vào, thi không đỗ, nhưng quá trình chuẩn bị cho thi quá căng thẳng, luyện suốt ngày đêm nên căng thẳng không cần thiết, đó là quá. Còn ở mức độ vừa phải nào đó áp lực cũng là động lực để phát triển lên.
Tôi thấy nhiều năm nay, ngành GD&ĐT đã thay đổi tuyển sinh vào ĐH, các trường tự chủ, nhiều trường dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, lấy kết quả đó làm căn cứ tuyển sinh, thậm chí nhiều trường sử dụng đánh giá thông qua học bạ trong quá trình học của học sinh ở THPT để tuyển sinh là cách làm giảm bớt áp lực không cần thiết.
Tôi nghĩ rằng mở rộng lối vào ĐH, thắt chặt lối ra ĐH theo quy luật các nước phát triển làm thì hay hơn, điều đó nếu làm được sẽ làm giảm bớt đi áp lực kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ.
Dạy học phát huy phẩm chất năng lực đang dừng ở quan điểm
PV: Chúng ta đang trong quá trình đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Tuy nhiên, liệu thực hiện mục tiêu này có khó khi mà học sinh ở ta vẫn mất rất nhiều thời gian ở các lò luyện cả trong và ngoài trường và ở các cấp học?
Thầy Nguyễn Xuân Khang: Những năm gần đây, trong đổi mới GD&ĐT có quan điểm mới cơ bản là chuyển từ việc dạy truyền thụ kiến thức một chiều, sang phát huy phẩm chất năng lực học sinh nhưng đang dừng lại ở mức độ quan điểm. Quan điểm đó đi vào thực tiễn cuộc sống ở các trường học cần thời gian khá dài, thói quen đang đè nặng lên cách dạy và cách học của cả giáo viên và học sinh.
Trong thực tế, để thực hiện được quan điểm dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh đang gặp khó khăn vì thói quen. Gần đây chúng ta đã có bước thay đổi căn bản trong chương trình sách giáo khoa để hướng tới mục tiêu đó nhưng đang cuốn chiếu mới thay được lớp 1 năm ngoái, lớp 2- 6 năm tới đây.
Như vậy, học cũng đang nặng để thi chứ không phải như quan điểm mới là phát huy năng lực phẩm chất của học sinh, đặc biệt về mặt kỹ năng. Quan điểm có rồi nhưng phải có thời gian đủ dài để thay đổi nhận thức đặc biệt của giáo viên, phụ huynh, của học sinh, nếu không thay đổi được nhận thức chuyển hóa thành công việc cụ thể sẽ khó thành công.
PV: Có có ý kiến cho rằng, hệ thống giáo dục ít niềm tin nên mới phải lấy thi cử để đánh giá. Thành ra học nhiều thứ không có ích mà cái cần thì lại không học. Thầy bình luận gì về ý kiến này?
Thầy Nguyễn Xuân Khang: Nhận xét này khá phổ biến trong xã hội. Chính ngành giáo dục cũng đánh giá nghiêm túc chuyện này trong quá trình thực hiện NQ 29 đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Chương trình trước đây nặng về hàn lâm, rèn luyện kỹ năng cho học sinh phát huy phẩm chất, năng lực cá nhân hạn chế, ngay thi cử cũng vậy. Nhẽ ra học để ra đời, phục vụ cuộc sống, còn đây là học để thi.
Tôi lấy đơn cử như TP. Hà Nội, quan điểm của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói rất rõ, vì học sinh không học, cho nên nếu không đặt ra một số cách thi tuyển sinh vào lớp 10, ví dụ 3 môn bắt buộc, môn thứ 4 nằm trong 6 môn cơ bản còn lại, đến cuối tháng 3 mới xác định môn thứ 4 để suốt thời gian học từ trước đó lớp 6-7-8 và đặc biệt thời gian đầu của lớp 9 là phải học toàn diện.
Rõ ràng, chúng ta không tin vào quá trình đào tạo, giáo dục chúng ta không tự tin về mình, không tin vào đánh giá xếp loại, không tin sự trung thực, nặng về thành tích cho nên mới có giải pháp tình thế đó, với giải pháp đó có nghĩa là học để mà thi.
Còn bệnh thành tích thì còn rất lâu mới tin tưởng được đánh giá quá trình
PV: Để giảm bớt áp lực thi cử cho học trò, phải chăng cần đánh giá trong quá trình đúng, nghiêm túc và chất lượng chứ không cần thi nhiều thưa thầy?
Thầy Nguyễn Xuân Khang: Phải rất lâu chúng ta mới có thể tin được sự đồng đều trong đánh giá quá trình học tập ở các trường khác nhau, các tỉnh khác nhau. Khi bệnh thành tích nặng nề thì đánh giá nặng về thành tích cứ bị đẩy lên, điểm số cao lên nên các trường ĐH dựa vào kết quả trong quá trình học để tuyển sinh cũng không dễ dàng và tin tưởng lắm.
PV: Lời khuyên của thầy cho các em học sinh trước thời điểm mùa thi sắp tới?
Thầy Nguyễn Xuân Khang: Các cụ nói tuổi các con học sinh phổ thông là “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng hiện nay tôi thấy học sinh lo được là đã quý lắm rồi, mà đã lo được thì sẽ biết cách làm như thế nào để đạt được kết quả mong muốn trong kỳ thi sắp tới.
Trân trọng cảm ơn thầy./.
Nghe chương trình tại đây:
Từ khóa: Thầy Nguyễn Xuân Khang, áp lực thi cử, thư ngỏ
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2