Giáo dục năm 2021: Niềm tin và cảm hứng
Cập nhật: 12/02/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Bước sang năm 2021, ngành giáo dục lại đối mặt với thử thách khi dịch Covid-19 trở lại. Nhưng với kinh nghiệm vượt khó trong năm 2020, ngành giáo dục được kỳ vọng sẽ vượt qua khó khăn, tạo niềm tin cho xã hội và cảm hứng cho đội ngũ giáo viên.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương Lê Thị Tuyết Lan: “Mong một năm mới bình an, toàn bộ học sinh, giáo viên, phụ huynh của trường âm tính Covid-19”.
Năm mới Tân Sửu 2021 đã đến, điều mong muốn lớn nhất của tôi là tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh của trường đều âm tính Covid-19. Một năm mới bình an, sức khỏe và chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19.
Trong những ngày cách ly tại trường, tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp giữa các em học sinh, giáo viên và phụ huynh. Những ngày đầu tiên cũng có những phụ huynh lo lắng, bồn chồn, thậm chí là khó chịu. Nhưng khi trải qua những ngày khó khăn bên nhau, chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ, tin tưởng của các bậc phụ huynh.
Trước ngày 30 Tết, rất vui vì đã có 15 em học sinh của trường đã âm tính với Covid-19 lần 3 và đã được trở về đón Tết và cách ly tại nhà. Nhưng điều khiến tôi xúc động là có 7 phụ huynh đã xin ở lại để tiếp tục cách ly và ăn tết cùng với các em học sinh, giáo viên còn lại của trường.
40 em học sinh và giáo viên chúng tôi đã cùng đón năm mới, đón giao thừa ngay trong khu cách ly. Đây có lẽ là khoảng thời gian để lại cho tôi nhiều cảm xúc trong cuộc đời làm nghề giáo của mình. Bởi đối với người Việt Nam khoảnh khắc sum họp bên gia đình vào dịp đầu năm mới luôn là điều thiêng liêng mà ai cũng mong muốn.
Nhưng cô trò chúng tôi đã cùng ở bên nhau trong thời khắc đặc biệt này. Chúng tôi không tổ chức hoạt động gì rườm rà trong đêm 30 hay mùng 1 Tết vì đảm bảo sức khỏe và khoảng cách phòng chống dịch. Cô trò chúng tôi cùng cảm nhận không khí Tết qua đài và qua 17 chiếc tivi được Hội chữ thập đỏ và ngành giáo dục đào tạo quận Nam Từ Liêm trao tặng.
Sáng mùng 1 Tết, tôi trao những chiếc lì xì cho các em học sinh với một lời chúc may mắn và bình an cho tất cả các con.
TS. Lê Thống Nhất: "Kỳ vọng năm 2021 triển khai chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6 sẽ tránh được những điều có thể làm nao lòng xã hội"
Dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại vào đúng dịp Tết nguyên đán và cả xã hội và ngành giáo dục lại đứng trước một thử thách mới. Nhưng việc năm 2020 chúng ta đã đạt được mục tiêu kép trong giáo dục: “Dừng đến trường nhưng không dừng học” thì năm 2021 với kinh nghiệm đã có thì trước khó khăn này tôi tin ngành giáo dục sẽ vượt qua.
Tôi biết, Bộ GD&ĐT đang hoàn chỉnh để ban hành thông tư tổ chức dạy học trực tuyến trong đó có cả những quy định về thi cử, đánh giá kết quả học tập trực tuyến. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài chúng ta có thể vượt qua được để đảm bảo đúng tiến độ chương trình.
Năm 2021, năm thứ hai triển khai chương trình, SGK mới. Tôi kỳ vọng với bài học đắt giá khi triển khai chương trình, SGK lớp 1 năm 2020, Bộ GD&ĐT đã tiếp thu, chấn chỉnh kịp thời. Trong quy trình biên soạn, thẩm định sách đã được bổ sung để khắc phục được những điều còn lúng túng. Và mong rằng với sự chấn chỉnh này việc triển khai chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6 sẽ tránh được những điều có thể làm nao lòng dư luận xã hội.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành hàng loạt thông tư mới: 01, 02, 03, 04 liên quan đến đời sống giáo viên, liên quan đến việc xếp ngành nghề, bậc lương giáo viên. Khi những thông tư này được ban hành, giáo viên rất phấn khởi. Đặc biệt, có những quy định trước đây không phù hợp như quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì nay đã được xóa bỏ đã tạo được không khí phấn khởi trong đội ngũ giáo viên ngay trong dịp đầu năm 2021. Điều này cho thấy, nếu chúng ta giải quyết được bài toán giáo viên an tâm, say mê với công việc, được tháo gỡ những điều vô lý trước đây quy định sẽ tạo nên sức mạnh để chúng ta giải quyết được những nhiệm vụ trong ngành giáo dục một cách tốt đẹp.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ: “Năm 2021 sẽ là năm của niềm tin và cảm hứng”
Tôi cảm nhận được niềm tin và cảm hứng đang rất sục sôi. Sự đổi mới đã len lỏi vào trong các nhà trường và trong mỗi giáo viên và học sinh.
Đặc biệt vừa qua với sự dũng cảm của lãnh đạo quản lý ngành khi đề xuất với trung ương bỏ những chứng chỉ, nghiệp vụ không cần thiết để giáo viên tập trung hơn vào chuyên môn thì tôi kỳ vọng rằng các giáo viên sẽ ghi nhận điều đó để thấy đây là động lực để mình có thể coi chuyên môn là trụ cột trong qúa trình vận hành nghề nghiệp, là trụ cột để làm tốt sứ mệnh giáo dục của mình trong năm 2021 và những năm sau đó.
Tôi cũng mong muốn khi đón nhận cái mới, ví dụ SGK lớp 2, lớp 6 hay các dự án giáo dục địa phương, các dự án đòi hỏi tính tự chủ của các trường học thì mỗi giáo viên, mỗi nhà trường sẽ đón nhận nó với sự chủ chủ động hơn chứ không phải coi đó là một sự rủi ro mới, một cái khó khăn mới mà mỗi người chúng ta phải làm mỗi khi tiến hành đổi mới.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng ĐHSP Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh): "Kỳ vọng các trường Đại học tạo được sự bứt phá trong chuyển đổi số".
Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, tôi kỳ vọng giáo dục nước nhà tiếp tục phát triển bắt kịp với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, làm thế nào để học sinh có thói quen học và tự học cả đời. Sinh viên được trang bị kỹ năng về công nghệ thông tin và kỹ năng ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó ngành giáo dục cần phải mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để loại bỏ những tiêu cực mà mấy năm nay xuất hiện trong ngành giáo dục như tiêu cực trong thi cử, đánh giá...
Năm 2020, ngành giáo dục đã khởi động chuyển đổi số nhưng sự thay đổi chưa nhiều, các trường đại học chưa quyết liệt chuyển đổi. Năm 2021, tôi cho rẳng các trường bắt buộc phải đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực từ quản lý đào tạo, quản lý con người, tự động hóa, bên cạnh đó phải tận dụng nền tảng Mobile Learning... Tôi tin rằng, chuyển đổi số nhanh sẽ tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học
Trong thư chúc mừng năm mới gửi thầy trò cả nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh, năm 2020, cùng với cả nước, ngành Giáo dục đã đi qua một năm “đặc biệt” khi dịch Covid-19 làm thay đổi, đảo lộn mọi hoạt động, kế hoạch dạy và học; bão lũ, thiên tai liên tiếp làm chất chồng thêm khó khăn. Song, trong khó khăn, ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết của toàn ngành đã được thể hiện mạnh mẽ.
Chúng ta đã thực hiện được mục tiêu kép: bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên và hoàn thành kế hoạch năm học với nhiều kết quả tích cực. Nhân dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo, các cán bộ, nhân viên trong ngành và các em học sinh, sinh viên vì những nỗ lực trong suốt một năm “đặc biệt” vừa qua.
Bước sang năm 2021, toàn ngành tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông và đẩy mạnh tự chủ đại học. Thời cơ, thuận lợi nhiều, song khó khăn, thách thức chưa phải đã hết. Ngay lúc này, dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục tác động lớn tới các hoạt động của ngành Giáo dục.
Với kinh nghiệm quý báu từ một năm “vượt khó”, cộng với những thành quả chắt chiu trong suốt giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hy vọng và tin tưởng, mỗi cán bộ, giáo viên và các em học sinh, sinh viên trong cả nước sẽ tiếp tục đồng lòng, vượt khó và cùng nỗ lực vì một năm mới với những thành công mới.
Từ khóa: Dịch Covid-19, học trực tuyến, đối phó dịch bệnh, Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục, học sinh, cách ly, kỳ vọng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2