“Giáo dục là điểm kém sáng nhất trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016 – 2021”
Cập nhật: 29/03/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Thành công của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 tạo nên sắc hồng của đất nước, song giáo dục là điểm kém sáng nhất trong bức tranh kinh tế - xã hội.
Giáo dục – điểm kém sáng trong nhiệm kỳ 2016-2021
Phát biểu tại Nghị trường ngày 29/3, góp ý vào báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Nguyễn Bắc Việt, đoàn Ninh Thuận đánh giá nhiệm kỳ vừa qua là nhiệm kỳ thành công của Chính phủ và thành công đó tạo nên “sắc hồng” của đất nước.
“Sắc hồng đó làm sáng lên con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ và Đảng đã lựa chọn. Dân mong các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, để nhân dân thấy được bản chất tốt đẹp của chế độ, tin vào con đường đã lựa chọn”, đại biểu Nguyễn Bắc Việt nói.
Tuy vậy, bên cạnh “sắc hồng” đó, theo đại biểu đoàn Ninh Thuận, “vẫn còn những điểm không sáng” mà ông mong Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ quan tâm, đó là tình trạng phân biệt giàu nghèo ngày càng rõ nét, đặc biệt là tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp.
“Cơ đồ đất nước sẽ ra sao nếu đạo đức xã hội có chiều hướng xấu đi. Việc này là nét không sáng tí nào”, đại biểu tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh.
Dẫn câu nói của Bác Hồ: Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người, đại biểu Việt cho rằng, tới đây, Chính phủ cần có giải pháp thực sự căn cơ, không để tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp.
Cùng sự băn khoăn về vấn đề đạo đức xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang nêu ý kiến “báo cáo các vấn đề đạo đức xã hội, phạm pháp càng ngày càng tăng khiến cử tri lo lắng với câu hỏi xã hội ngày nay có bất ổn hay không dù tất cả chúng ta khẳng định là chúng ta chưa bao giờ có cơ đồ đẹp như ngày hôm nay?”.
Đại biểu đoàn An Giang cho rằng, lý do chủ yếu là chúng ta quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ.
“Giáo dục là lĩnh vực mà chúng ta luôn nói là hàng đầu nhưng kết quả giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh của Chính phủ 2016 - 2021. Nhìn vào thực tế này, rất mong Chính phủ nhiệm kỳ mới tập trung hơn nữa cho giáo dục nhiệm kỳ mới, tập trung an sinh xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mạnh khỏe”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.
4 lần lỡ hẹn cải cách tiền lương với người lao động
Đóng góp ý kiến vào báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho biết, dù nhiệm kỳ 14 của Chính phủ đã tập trung quan tâm, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, thể hiện ở mức đầu tư cho an sinh xã hội chiếm đến 21% chi trong GDP - là cao nhất trong các nước ASEAN, tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo chưa được thu hẹp mà lại có xu hướng giãn ra.
Phân hóa giàu nghèo tăng lên thể hiện qua mức chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất của dân số và 20% nghèo nhất vào năm 2014 là 9,7 lần, đến năm 2018 thì đã lên đến 10 lần.
Để thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nên nghiên cứu xây dựng một sàn an sinh xã hội để làm căn cứ xây dựng chính sách bảo vệ cho người dân không rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Theo đại biểu đoàn Thanh Hóa, với các căn cứ mức lương tối thiểu, chuẩn nghèo đa chiều hiện nay, không thể phân biệt được ai sẽ đứng dưới sàn an sinh xã hội và ai sẽ bị bỏ lại phía sau. Do đó, rất cần có một thước đo cơ bản xác định một mặt bằng ngang để thấy rằng ai đang cần nhà nước bảo hộ.
“Nghị quyết Trung ương số 27 đã khẳng định là chúng ta phải cải cách chính sách tiền lương, lẽ ra là trong nhiệm kỳ Quốc hội này, nhưng chúng ta chưa làm được, vì chúng ta chưa có ngân sách và cũng chưa cải tiến được bảo hiểm xã hội”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu vấn đề.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, những người về hưu trước năm 1993 lương rất thấp. Nếu cải cách được chính sách tiền lương thì sẽ giải quyết được cho cả những người đang làm việc và cả những người nghỉ hưu.
“Đây là một tinh thần rất đổi mới của Nghị quyết số 27 của Trung ương, nhưng rất tiếc, chúng ta đã 4 lần lỡ hẹn với công nhân, viên chức và người lao động, chưa cải cách được chính sách tiền lương”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
“Tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội khóa 14 tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương, để đảm bảo tiền lương là điều kiện để thúc đẩy tăng năng suất lao động, và tiền lương thể hiện giá trị của sức lao động, được thể hiện bằng giá cả trên thị trường lao động”, đại biểu đoàn Thanh Hóa nêu kiến nghị./.
Từ khóa: đại biểu Quốc hội, cải cách tiền lương, Quốc hội khóa XIV
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN