Giáo dục Hà Nội không thể chỉ cạnh tranh với các tỉnh thành trong nước

Cập nhật: 15/08/2022

[VOV2] - Phó bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng với tư cách là thủ đô, giáo dục Hà Nội không thể chỉ cạnh tranh với các tỉnh thành trong nước, mà phải vươn ra so sánh với các thủ đô trong khu vực và thành phố lớn trên thế giới.

Sáng nay (15/8), Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai năm học 2022-2023. Tham dự Hội nghị, Phó bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, năm học vừa qua là năm học đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, ngành giáo dục thủ đô đã duy trì trì hoạt động dạy và học với quy mô lớn 2.2 triệu học sinh. Đồng thời đánh giá cao nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ giáo viên từ cơ sở đến lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Phong cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành, đặc biệt, nếu không có dịch bệnh sẽ không nhận thấy. Chẳng hạn như tâm tư vấn tâm lý học đường cho học sinh như thế nào?

Phải đánh giá thực chất giáo dục để bồi dưỡng giáo viên

Theo ông Phong, Hà Nội với tư cách thủ đô của Việt Nam sắp tới 100 triệu dân đang có tốc độ phát triển nhanh và hội nhập quốc tế sâu rộng, quy mô kinh tế tăng, vị thế uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế, không thể chỉ cạnh tranh với các tỉnh thành trong nước, mà phải vươn ra so sánh với các thủ đô trong khu vực và thành phố lớn trên thế giới, có quy mô dân số tương đồng là 10 triệu dân.

Phó bí thư Hà Nội đề nghị ngành giáo dục thủ đô làm cuộc tổng rà soát từ cơ sở vật chất, mạng lưới trường học, chất lượng đội ngũ cho đến dân  cư.

“Nếu không đánh giá được số lượng dân cư thì vỡ trận khi quy hoạch và luôn bị động vì Hà Nội một năm tăng dân số cơ học 2-2.5%, có nghĩa tăng thêm khoảng 1 huyện như Phúc Thọ, Đan Phượng. Ở Hà Nội, thậm chí 1 phường có 3 trường tiểu học vẫn chưa đủ trong khi đó Luật giáo dục quy định chỉ cần 1 trường.

Đây là do công tác dự báo để làm quy hoạch mạng lưới trường lớp nhưng quan trọng hơn là đánh giá thực chất để có kế hoạch, đề án đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm học tới sẽ bám sát việc xây dựng 7 trường phổ thông liên cấp có diện tích từ 5 ha trở lên ở một số quận, huyện… theo hướng hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế. Hà Nội cũng đã dự kiến đầu tư 21.000 tỷ cho các dự án xây dựng, cải tạo trường lớp giai đoạn 2022-2025.

Theo ông Phong, đây là con số khủng khiếp nhưng không là gì nếu không có đội ngũ giáo viên, phương thức quản lý, đội ngũ quản lý tương thích.

“Xây trường, có tiền chắc cùng lắm 2 năm sẽ làm xong nhưng để có bộ máy vận hành hiệu quả chắc không phải 1-3 năm mà lâu hơn, được đào tạo bồi dưỡng”, ông Phong nói.

Cần hạn chế bệnh thành tích

Phó bí thư Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn, chất lượng giáo dục toàn diện của thủ đô đang đặt ra nhiều vấn đề. Báo cáo ngành giáo dục cho thấy chất lượng giáo dục đang tiếp tục được duy trì được nhưng cần bình tĩnh đánh giá lại.

“Chắc là Ngoại ngữ và Toán Hà Nội nằm trong tốp đầu nhưng các môn khác như Sinh học đứng bao nhiêu? Tựu chung chất lượng thi tốt nghiệp THPT đứng loanh quanh bao nhiêu năm nay từ thứ 20-25 trên mặt bằng chung cả nước, tất nhiên có những lý do khách quan”. Ông Phong cho rằng, dù không đặt nặng đứng thứ bao nhiêu nhưng cần đánh giá khách quan nguyên nhân.

Nhắc đến câu chuyện đội ngũ giáo viên, ông Phong đề nghị ngành giáo dục thủ đô cần thẳng thắn đánh giá. “Giáo viên Hà Nội chắc chắn đạt chuẩn cao hơn các tỉnh, thành khác của cả nước nhưng chuẩn đó là chuẩn bằng cấp bởi vì nhiều giáo viên, tôi nói đùa tốt nghiệp “Harvard gốc mít” mà còn dạy ngoại ngữ nữa thì vô cùng tai hại”, Phó bí thư Hà Nội đề nghị phải tiến tới chất lượng thực.

Nhấn mạnh vai trò của người thầy, ông Phong mong giáo dục thủ đô thực sự sáng tạo, thực chất, hạn chế thấp nhất bệnh thành tích từ trong các thầy các cô cho đến học sinh.

Theo ông Phong, giáo dục thủ đô nên tập trung vào 3 nhóm việc:

Đầu tiên, giáo dục thủ đô phải là nơi tiên phong, đột phá về hợp tác quốc tế. Cần quan tâm tạo điều kiện cho các hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Hà Nội sẵn sàng là nơi thí điểm các chính sách, mô hình mới.

Thứ 2, phải mạnh dạn, tham mưu đề xuất cách thức, cơ chế, chính sách mới liên quan về giáo dục, kể cả cho giáo viên, học sinh. Sắp tới điều chỉnh bổ sung Luật thủ đô, tạo điều kiện để nhà trường phát triển chứ hiện nay việc tự chủ còn lúng túng.

Thứ 3, cần quan tâm giáo dục toàn diện, mũi nhọn và đại trà. Hiện nay, chất lượng giáo dục giữa nội thành và các huyện xa trung tâm chênh nhau lớn trong khi đầu tư cho giáo dục lại chênh theo hướng ngược lại. Tức là các huyện xa trung tâm lại được đầu tư cơ sở vật chất nhiều hơn nhiều so với khu vực trung tâm nhưng chất lượng thì ngược lại.

Từ khóa: trung thực, giáo dục, phó bí thư, Hà Nội, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập