Giao dịch BĐS từ 300 triệu đồng phải báo cáo: Bất khả thi!

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Nhiều chuyên gia cho rằng, những giao dịch bất động sản bằng tiền mặt qua sàn có giá trị từ 300 triệu đồng phải báo cáo là không khả thi.

Bộ Xây dựng vừa chỉ đạo Sở Xây dựng các địa phương có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, nhằm phòng chống rửa tiền.Theo chuyêngia thìquy định này còn nhiều hạn chế và không khả thi.

Theo ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Nhà toàn cầu (Global Home), quy định giao dịch bất động sản bằng tiền mặt có giá từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo là không khả thi.

Vì thực tế có thể xảy ra tình trạng “lách luật” mà không ai có thể kiểm soát được, như hợp đồng giao dịch mua bán không phản ánh đúng giá trị của bất động sản giao dịch. Hay hợp đồng chỉ ghi là góp vốn đầu tư mà không phải là mua bán chuyển nhượng bất động sản. Với những hợp đồng này sẽ không phải báo cáo.

giao dich bds tu 300 trieu dong phai bao cao: bat kha thi! hinh 1
Quy định giao dịch bất động sản bằng tiền mặt có giá từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo là không khả thi. Ảnh minh họa: KT

Bởi vậy, ông Nguyễn Duy Thành đề xuất, để kiểm soát và phòng chống các hoạt động rửa tiền qua các giao dịch bất động sản hiệu quả, cơ quan chức năng cần có quy định tất cả các giao dịch về bất động sản phải chuyển khoản qua ngân hàng.

“Có thể dùng giải pháp đơn giản và hiệu quảhơn như bắt buộc tất cả các giao dịch bất động sảnđều phải chuyểnkhoản qua ngân hàng. Khi các giao dịch này qua ngân hàng sẽ dễ phát hiện những hoạt động rửa tiền, giống như cơ quan thuế hiện nay cũng đang quản lýcác giao dịch qua ngân hàng”, ông Thành cho biết.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cũng cho rằng, quy định giao dịch môi giới bất động sản có giá trị từ 300 triệu trở lên phải báo cáo mà Bộ Xây dựng đưa ra còn nhiều hạn chế.

Bởi đối tượng phải báo cáo là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản thì cũng mới chỉ phản ánh được một phần giao dịch trên thị trường. Trong khi hiện nay, các nhà đầu tư cũng có thể bán trực tiếp cho người mua theo quy định trong Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.

Song song với đó, quy định cũng chưa bao quát được hếttất cả giao dịch bất động sản khác, như giao dịch nhà lẻ trong dân, nhất là nhà mặt tiền có giá trị rất lớn từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.

“Theo Công ước phòng chống rửa tiền của Liên Hợp quốc, đối tượng giao dịch bất động sản có giá trị cao không chỉ ở căn hộ, mà còn bao gồm nhàở trong những khu phố bình thường. Trong trường hợp đó các đối tượng này sẽ không thuộc diện phải báo cáo và không có đầu mối báo cáo nên đây là bất cập của quy định”, ông Châu nêu quan điểm.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, để phòng chống rửa tiền, nhiều nước trên thế giới quy định các giao dịch giá trị 200-300 triệu đồng trở lên thì phải báo cáo với cơ quan chức năng.

Ông Tín cho rằng, để tuân thủ các thỏa thuận với quốc tế,sắp tới ở Việt Nam không chỉ các giao dịch trong lĩnh vực bất động sản, mà các lĩnh vực khác cũng cần phải báo cáo với cơ quan chức năng để kiểm soát dòng tiền, phòng chống rửa tiền.Điều quan trọng hiện nay là luật phải điều chỉnh cho phù hợp và sát với thực tế của từng lĩnh vực.

“Để pháp luật về phòng chống rửa tiền phát huy có hiệu quả, các pháp luật chuyên ngành cần phải sửa trước, sau đó là các văn bản luật có liên quan đến quản lý kinh doanh, hoạt động bất động sản giao dịch trên thị trường để có thể thỏa thuận các cam kết của Việt Nam, tuân thủ theo quyđịnh của Việt Nam và quốc tế”, ông Tín cho biết./.

Từ khóa: sàn giao dịch bất động sản, giá trị giao dịch, chế độ báo cáo, chống rửa tiền, đầu cơ bất động sản,

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập