Giành lại vỉa hè ở TP HCM: Phải kiên trì
Cập nhật: 25/09/2019
Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức tiệc chiêu đãi mừng Đảng, mừng Xuân Ât Tỵ
Triệt phá đường dây lừa đảo xuyên biên giới gần 1.000 tỷ đồng
VOV.VN - Thành phố phải có giải pháp về chỗ để xe và cơ sở kinh doanh, hỗ trợ làm ăn cho những gia đình trước nay mưu sinh dựa vào vỉa hè.
Việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè được các địa phương, các ngành chức năng của TP HCM đẩy mạnh thực hiện từ đầu năm 2017 đến nay. Trên thực tế, trật tự lòng đường, vỉa hè nhiều nơi có sự chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng tích cực. Nhưng vẫn còn một số tuyến đường chưa chuyển biến gì hoặc tái diễn tình trạng lấn chiếm sau khi lực lượng chức năng rút đi. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp cụ thể và lâu dài.
Giải tỏa phương tiện để lấy vỉa hè dành cho người đi bộ.
Ban An toàn giao thông thành phố cho biết, các đoàn kiểm tra liên ngành vừa kiểm tra xong 186 tuyến đường trọng điểm ở 24 quận, huyện của thành phố và ghi nhận chỉ có 85 tuyến đường chuyển biến tốt, 86 tuyến có chuyển biến và 15 tuyến ít chuyển biến. Mở rộng ra nhiều tuyến khác, tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, đậu xe dưới lòng đường, chiếm vỉa hè để giữ xe hoặc buôn bán vào ban đêm, vào ngày nghỉ, vào lúc không có lực lượng chức năng kiểm tra…vẫn tái diễn. Quận 1 có 134 tuyến đường, là trung tâm thành phố, nơi mật độ xe cộ, buôn bán tấp nập, cũng là nơi thời gian qua quyết liệt lập lại trật tự lòng đường.
Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận này thừa nhận: “Đúng như phản ánh, thông tin của các báo đài, Quận 1 vẫn có tình trạng vỉa hè lòng đường bị tái chiếm. Sau khi chúng tôi tiếp tục vận động, ra quân dọn dẹp chấn chỉnh nhưng vẫn có tình trạng tái lấn chiếm nhiều lần”.
Hiện nay thành phố đang thiếu chỗ đậu xe, trong tổng số 4.869 tuyến đường thì 3.631 tuyến có lòng đường hẹp, gần 2.600 tuyến đường không có vỉa hè. Ở những tuyến này thường xảy ra tình trạng dừng, đậu xe dưới lòng đường. Người bán hàng rong, bán hàng dựa vào vỉa hè còn nhiều và thành phố cần thời gian để tìm cách hỗ trợ việc kiếm sống. Vấn đề đặt ra là thành phố phải có giải pháp về chỗ để xe phục vụ người dân và cơ sở kinh doanh, hỗ trợ cách làm ăn cho những gia đình trước nay mưu sinh dựa vào vỉa hè.
Ông Hoàng Minh Trí, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho biết, Viện đang có đề án nghiên cứu sử dụng hợp lý vỉa hè, trong đó có đề cập đến chủ cửa hàng được phép sử dụng 1 phần vỉa hè:“Các chủ hộ kinh doanh được phép giữ xe cho khách trong thời gian nhất định. Việc này Viện đang nghiên cứu để phù hợp với yêu cầu của Ban An toàn giao thông”.
TP HCM quyết tâm lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Cùng với quyết tâm đó là các giải pháp đang được tính toán. Trong đó, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện những biện pháp đã có hiệu quả như: ra quân thường xuyên, sắp xếp chỗ buôn bán ổn định, cấm xe ba gác tự chế buôn bán dưới lòng đường, xem xét cho để xe ở một phần vỉa hè…Lãnh đạo thành phố cũng chủ trương để ngành chức năng cùng chính quyền địa phương bàn bạc thống nhất phương án sử dụng lòng đường, vỉa hè phù hợp với thực tế từng nơi.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM: “Chúng ta quyết tâm chấn chỉnh, lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè để đảm bảo mỹ quan đô thị. Tình hình này tồn tại từ rất lâu. Mặc dù chúng ta đã ra quân nhiều đợt để sắp xếp, tổ chức lại những đâu lại hoàn đấy. Những lần ra quân ấy cũng cho chúng ta những kinh nghiệm chỉ đạo tốt hơn, nhưng trên hết là phải kiên trì.
Từ nay về sau, cứ 3 tháng 1 lần, thành phố sẽ họp để đánh giá, tháo gỡ khó khăn trong việc đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè. Thành phố cũng kêu gọi, ngoài việc lực lượng chức năng kiên trì lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, người dân cần xem việc này cũng là trách nhiệm của mình./. TPHCM: Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn tái diễn ở nhiều nơi
Từ khóa:
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN