Gian nan phòng chống dịch tả lợn Châu Phi ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên dịch bệnh vùng ĐBSCL vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại

Đến nay, trừ tỉnh bến Tre, những địa phương còn lại trong vùng đều đã xuất hiện dịch bệnh. Hiện nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong khâu xử lý ổ dịch , tiêu hủy lợn nhiễm bệnh cũng như ngăn chặn, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển lợn trên địa bàn.

gian nan phong chong dich ta lon chau phi o dong bang song cuu long hinh 1
Việc tìm địa điểm để chôn lợn cũng gặp khó khăn.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Hậu Giang đã xuất hiện gần 200 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tổng số lợn chết và tiêu hủy do dịch bệnh hơn 6.000 con với tổng trọng lượng gần 420 tấn. Huyện Châu Thành là địa phương xuất hiện số ổ dịch tả lợn Châu Phi đứng đầu tỉnh. Hiện toàn huyện đã xuất hiện gần 100 ổ dịch với số lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ gần 2.100 con với tổng trọng lượng gần 132 tấn. Khó khăn mà địa phương này gặp phải trong thời gian qua là thiếu địa điểm để chôn lợn.

gian nan phong chong dich ta lon chau phi o dong bang song cuu long hinh 2
Do vào mùa mưa nên nước thường ứ đọng tại các hố chôn lợn.

Ông Tống Hoàng Khôi- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Khó khănở đây là một số hộ đất quá ít. Nuôi trong diện tích đất ít quá đi cho nên khi heo chết thì không có chỗ chôn phải vận động những hộ gần đó cho chôn không dám di chuyển xa,vì di chuyển xa dễ phát tán thêm nữa, cho nên vận động những hộ gần , bà con kế bên chôn cũng là một cái khó”

Đáng chú ý, tại những ổ dịch có số lượng lớn lợn bị nhiễm bệnh công tác tiêu hủy lợn, tiêu độc khử trùng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như ở hộ ông Phạm Thanh Tâm ở thị xã Ngã Bảy với tổng đàn lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ lên tới 1.200 con.Để xử lý ổ dịch này thị xã Ngã Bảy và các ngành chức năng phải huy động gần 100 lực lượng và mất tới 5 ngày mới tiêu hủy xong. Do số lượng lợn tiêu hủy quá lớn lại vào thời điểm mùa mưa khiến hố chôn bị đọng nước nên địa phương phải giám sát nghiêm ngặt, nỗ lực hết sức để kiểm soát không để mầm bệnh lây lan từ ổ dịch ra diện rộng qua hệ thống kênh, rạch xung quanh khu vực.

Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là quy định về giết mổ lợn, tiêu thụ lợn trong vùng dịch. Hiện Hậu Giang chỉ mới kiểm soát được khâu tiếp nhận, giết mổ lợn khỏe và có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn Châu Phi từ cơ sở chăn nuôi cả trong và ngoài vùng dịch. Còn đầu ra sau khi đã giết mổ cũng phải được xét nghiệm âm tính với mầm bệnh mới được đưa ra thị trường thì vẫn chưa làm được. Toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở giết mổ gia súc nhưng chủ yếu cũng là quy mô nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát đối với công tác này.

gian nan phong chong dich ta lon chau phi o dong bang song cuu long hinh 3
Lực lượng Thú y tỉnh Hậu Giang thực hiện việc tiêu độc, khử trùng tại các hố chôn lợn.

Ông Trương Ngọc Trưng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết: “ Heo muốn giết mổ từ ngoài đưa vào đối với những cơ sở giết mổ lớn phải có kiểm tra mổ âm tính nhưng mà họ chuyển đi họ lấy mẫu là âm tính nữa thì điều kiện này rất là khó. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bán heo thì không phải là lúc nào kêu lái cũng có. Bây giờ họ đồng thuận với mình là sẽ lấy mẫu âm tính để bán nhưng giá trị hiệu lực 10 ngày khi lái không đến, lấy mẫu lần 2 chưa chắc họ lấy”.

Hậu Giang hiện là một trong những địa phương ở ĐBSCL bị nhiều thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi với không gian xảy ra dịch là rất lớn ở 8/8 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Nguyên nhân dịch bệnh lây lan nhanh và diễn biến phức tạp được cho là bởi đặc điểm chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân. Hiện chỉ có hơn 12% trong số tổng đàn lợn là được nuôi theo hướng an toàn sinh học nên rất khó trong công tác phòng chống. Chính vì vậy, để ngăn chặn dịch bệnh thì việc tái đàn trong thời gian này cần được kiểm soát chặt chẽ. Mới đây trong buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang về tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng như các giải pháp ứng phó với dịch bệnh này trong thời gian tới, ông Bạch Đức Lữu- Phó Cục trưởng Cục Thú y lưu ý:

“Bây giờ thì chưa thể tái đàn được và không sinh sản tiếp. Việc giảm đàn tvận động thế nào để người chăn nuôi không sinh sản heo tiếp. Giữ chặt những cơ sở chăn nuôi heo kín và giảm đàn những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ và ngoài vùng dịch hoặc chưa nhiễm bệnh là phải giảm đàn và không sinh sản”.

gian nan phong chong dich ta lon chau phi o dong bang song cuu long hinh 4
Kiểm tra, khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch.

Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung có số hộ chăn nuôi lợn chủ yếu nhỏ lẻ. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nếu người nuôi giấu bệnh, mầm bệnh có thể theo những con sông, rạch lây lan nhanh sang các địa bàn khác. Hiện trừ tỉnh Bến Tre, tất cả các tỉnh, thành còn lại ở khu vực ĐBSCL đều đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Theo Cục Thú y thì con đường lây bệnh từ lợn sang lợn chỉ khoảng 18 - 19%; có đến 40% nguy cơ dịch bệnh lây lan qua đường thức ăn, bao gồm cả trong tập quán chăn nuôi cho ăn hèm, thức ăn thừa... của người dân.

Trước tình hình như hiện nay, các tỉnh, thành trong khu vực cần phải rà soát lại toàn bộ các ổ dịch trên địa bàn để đánh giá nguyên nhân, khu trú mầm bệnh bằng các biện pháp an toàn sinh học và có những giải pháp phòng, chống đúng theo chỉ đạo, khuyến cáo của ngành chuyên môn để hạn chế dịch bệnh lây lan vào các cơ sở chăn nuôi lớn./.

Từ khóa: gian nan phòng chống dịch bệnh, dịch tả lợn châu phi, đồng bằng sông cửu long,

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập