Gian nan kết nối cô trò trong mùa dịch Covid-19 ở vùng xa Kon Tum
Cập nhật: 11/04/2020
VOV.VN - Ở vùng dân tộc thiểu số huyện Kon Plông sẽ phải có một cuộc vận động học sinh trở lại trường sau khi hết dịch.
Tại tỉnh Kon Tum ở những huyện vùng sâu, vùng xa, việc kết nối giữa thầy cô với các em học sinh trong những ngày phòng chống dịch Covid-19 hết sức khó khăn. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng học tập tại nhà của các em học sinh mà còn là nguy cơ khiến các em không trở lại trường khi dịch bệnh kết thúc.
Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có 9 xã, thị trấn. Năm học này địa phương có 30 trường từ bậc học mầm non đến Trung học Cơ sở. Thực hiện phòng dịch Covid- 19, trên 6.400 học sinh của huyện với chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số nghỉ học ở nhà.
Đang loay hoay với một trò chơi mình tự nghĩ ra, em Nguyễn Bá Phúc, nhà ở làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, học sinh lớp 3B, trường Tiểu học Măng Đen hồn nhiên cho biết:“Cháu học một ít thôi vì cháu không muốn học. Cô đăng bài lên Facebook khó vì nhìn chữ nhỏ. Cả làng chưa ai có máy tính hết. Các bạn người địa phương theo bố mẹ đi cấy, đi chặt củi”.
Em Nguyễn Bá Phúc. |
Trong thời gian học sinh ở nhà phòng dịch Covid-19, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông triển khai việc dạy học qua Internet và một số hình thức khác. Tuy nhiên do hạ tầng hạn chế, hình thức dạy học qua Internet, gửi bài tập cho học sinh qua mạng xã hội chỉ có 2 trường của huyện thực hiện được, là Tiểu học và Trung học Cơ sở Măng Đen. Cô Cao Thị Nguyệt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Măng Đen cho biết, trường có gần 360 học sinh, được đánh giá là có điều kiện thuận lợi nhất của huyện nhưng việc kết nối cô trò trong mùa dịch cũng hết sức gian nan.
"Một số gia đình chưa có điều kiện lắp đặt hệ thống mạng Internet hay có máy tính hoặc điện thoại thông minh, cho nên việc để tất cả học sinh toàn trường học trực tuyến rất khó khăn. Thời gian gần đây, do số lượng người tham gia truy cập rất nhiều nên một số buổi học sinh truy cập vào học thì mạng gặp vấn đề trục trặc, nghẽn mạng học sinh phải dừng lại”, cô Nguyệt cho biết.
Cô Cao Thị Nguyệt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Măng Đen. |
Tại địa bàn thuận lợi là thị trấn Măng Đen đã vậy, ở các xã vùng sâu, vùng xa khác của huyện Kon Plông, như: Măng Bút, Đăk Nên, Ngọc Tem…nơi hoàn toàn không thực hiện được hình thức dạy học qua Internet hay trên truyền hình, các thầy cô giáo phải đến từng nhà giao bài tập cho các em học sinh. Dẫu chẳng ngại gian khó song do phong tục tập quán, mỗi khi nghỉ học ở nhà các em học sinh thường theo cha mẹ ra đồng, vào rừng lấy củi, đi làm nương rẫy có khi cả tuần không về làng nên việc kết nối giữa thầy cô với học sinh khá lỏng lẻo. Đã thế từ ngày 1/ 4 vừa qua thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, thầy cô cũng đã phải chấm dứt việc đến nhà học sinh trao đổi bài vở.
Ở vùng dân tộc thiểu số huyện Kon Plông sẽ phải có một cuộc vận động học sinh trở lại trường sau khi hết dịch. |
Bà Hoàng Thị Mùi, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, bày tỏ lo lắng:“Từ ngày 1/4, Sở Giáo dục chỉ đạo tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn huyện còn khó khăn dừng việc học tập của học sinh. Đối với địa bàn huyện Kon Plông, với thực trạng học sinh dân tộc thiểu số nghỉ thời gian dài, khi hết dịch thì giáo viên phải phối hợp với UBND các xã là làm một công cuộc là vận động các em đến lớp”./.
Từ khóa: học trực tuyến, khó khăn trong học trực tuyến, học trực tuyến vùng cao
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN