“Giãn cách xã hội” như thế nào và bao lâu để chặn đứng dịch Covid-19?

Cập nhật: 18/03/2020

VOV.VN - Mục tiêu của “giãn cách xã hội” là hạn chế tiếp xúc gần giữa người với người nhằm giảm nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng nó sẽ được áp dụng trong bao lâu?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/3 kêu gọi người Mỹ dừng hầu hết các hoạt động xã hội trong 15 ngày và không tụ tập nhóm trên 10 người nhằm kiềm chế sự gia tăng các ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 tại nước này. Ông Trump cũng nhấn mạnh người dân nên tránh tự ý đi lại, không đến các quán bar, nhà hàng, các quầy thực phẩm công cộng hay các phòng gym...

Những điều mà Tổng thống Trump khuyến cáo người dân được coi là các biện pháp “giãn cách xã hội” nhằm hạn chế hết sức có thể những tiếp xúc gần giữa người với người để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

"gian cach xa hoi" nhu the nao va bao lau de chan dung dich covid-19? hinh 1
Bảng chỉ dẫn giữ khoảng cách tối thiểu 6 feet (tương đương 1,8 mét) tại Colorado theo khuyến cao của Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ. Ảnh: AP

Giãn cách xã hội (tạm dịch của cụm từ “social distancing”) được hiểu là việc giữ khoảng cách trong mọi hoạt động xã hội. Mục tiêu của biện pháp này là nhằm hạn chế nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 giữa những người ở gần nhau trong phạm vi dưới 2 mét.

Vậy việc “giãn cách xã hội” này sẽ kéo dài bao lâu để có thể “chặn đứng” dịch Covid-19?

Đó là câu hỏi mà không chỉ người Mỹ mà người dân của nhiều nước khác cũng đang quan tâm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới 162 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đây cũng là một câu hỏi đặc biệt khó ngay cả đối với giới khoa học.

Lời đáp tốt nhất và chân thực nhất, theo các chuyên gia dịch tễ học, các nhà nghiên cứu virus, thì rất đơn giản “Điều đó còn tùy”. Tất nhiên nó sẽ không thể kết thúc một cách chóng vánh, có thể là phải vài tháng chứ không chỉ vài tuần.

Dưới đây là những yếu tố chính quyết định việc “giãn cách xã hội” sẽ kéo dài chừng nào:

Phụ thuộc vào việc khi nào Mỹ lên đến đỉnh dịch

Trong những ngày gần đây, sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã bắt đầu tương tự với “đường cong” mô phỏng tình hình dịch bệnh của các nước khác như Italy.

Trong khi virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) vẫn đang lây lan rộng tại Italy, thì số ca mới ghi nhận trong ngày ở các nước khác như Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc cuối cùng cũng giảm – một dấu hiệu cho thấy họ đã vượt qua đỉnh dịch hiện nay.

“Điều đó tùy thuộc vào việc trong vòng 1 tuần tới tính từ thời điểm này, chúng ta sẽ giống với Italy hay Hàn Quốc”, theo Caitlin Rivers, một chuyên gia dịch tễ học tại Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Sức khỏe.

"gian cach xa hoi" nhu the nao va bao lau de chan dung dich covid-19? hinh 2
Người dân ở Milan, Italy buộc phải giữ khoảng cách khi xếp hàng vào siêu thị. Ảnh: Getty

Trung Quốc mất khoảng 2 tháng kể từ khi bắt đầu đợt bùng phát dịch bệnh để nước này lên tới đỉnh dịch. Với Hàn Quốc khoảng thời gian này là nửa tháng.

Tuy nhiên, không thể phán đoán được khi nào Mỹ sẽ lên tới đỉnh dịch.

Trong những tín hiệu gần đây nhất về việc cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ kéo dài bao lâu và nó sẽ trở nên tồi tệ như thế nào, Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) ngày 15/3 nói rằng, người dân nên dừng việc tụ tập nhóm trên 50 người trong 8 tuần tới.

Ngày 16/3, một số bang cũng yêu cầu hàng triệu sinh viên không tới trường trong khoảng thời gian còn lại của năm học.

Trong cuộc họp báo ngày 16/3, Tổng thống Trump cũng khuyến cáo người dân Mỹ nên dừng hầu hết các hoạt động xã hội trong 15 ngày và không tụ tập nhóm trên 10 người, tránh tự ý đi lại, không đến các quán bar, nhà hàng, các quầy thực phẩm công cộng hay các phòng gym hay các sự kiện thể thao.

Ông cũng cho rằng đợt dịch này có thể kéo dài tới tháng 6, thậm chí tháng 8 năm nay.

Qua đỉnh dịch, vẫn cần các biện pháp mạnh

2 tháng rưỡi sau khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã dỡ bỏ một phần các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt ở nhiều khu vực. Nhiều trường học bắt đầu mở cửa trở lại và giới chức đã bắt đầu đóng cửa các bệnh viện dã chiến đã xây dựng ở Vũ Hãn trong thời điểm cao trào của dịch bệnh.

Tuy nhiên, các trường hợp mới vẫn tăng nhẹ. Chính phủ vẫn phải tiếp tục việc đo nhiệt độ tại các chốt kiểm tra và duy trì chương trình giám sát điện tử để theo dõi việc di chuyển, các đường phố - ngay cả ở các siêu đô thị (megacity) – cũng không đông đúc như trước đây.

Nguy cơ về một đợt dịch mới vẫn còn. Đó là lý do vì sao giới chức Trung Quốc đưa ra các hạn chế mới đối với khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này – cũng như một số nước từng cấm nhập cảnh đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc – để ngặn chặn virus lây ngược từ bên ngoài lãnh thổ và dấy lên một đợt dịch mới.

“Chúng ta có thể chứng kiến những làn sóng thứ 2 hay thứ 3 của đợt dịch ở những nước vẫn còn đang phục hồi từ sau làn sóng thứ nhất. Một số chuyên gia cho rằng, sẽ có khoảng 40-70% dân số thế giới bị nhiễm SARS-CoV-2”, theo Rivers.

Vì thế, nhiều khả năng, sau khi qua đỉnh dịch, người Mỹ vẫn phải duy trì một số biện pháp – như cách ly những người nhiễm bệnh, thường xuyên rửa tay, tiếp tục “giãn cách xã hội”... cho đến khi một loại vaccine được phát triển – điều có thể phải mất 12-18 tháng.

Tùy thuộc vào những đặc tính chưa được biết đến của virus

Vẫn còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết đến về loại virus corona chủng mới hiện nay và cơ chế hoạt động của nó như thế nào.

Một số người bày tỏ hy vọng loại virus corona, giống như cúm, sẽ bị tác động khi đổi mùa (virus cúm sẽ yếu đi khi nhiệt độ ấm hơn vào mua xuân và mùa hè). Nếu vậy, điều đó có thể đem lại cho người Mỹ một giai đoạn “tạm nghỉ” các biện pháp khắt khe và có khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị hệ thống chăm sóc sức khỏe trước khi đợt lây nhiễm thứ 2 quay trở lại vào mùa thu và mùa đông.

Tuy nhiên, vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn sự thay đổi mùa có tác động tới virus corona chủng mới này hay không.

Thêm nữa, các nhà khoa học vẫn chưa biết một cách chính xác liệu sau khi đã nhiễm virus corona mới, bạn sẽ có được cơ chế miễn dịch lâu dài hay không, và nếu có thì dài bao lâu.

Có một số báo cáo cho về khả năng tái nhiễm, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đó có thể là do lỗi xét nghiệm hoặc do virus tồn tại trong cơ thể hoạt động mạnh trở lại ở những người vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Tùy thuộc sự sẵn sàng của mỗi người

Mỹ có thể điều chỉnh đường cong của sự lây lan dịch Covid-19 hiện nay như thế nào sẽ phụ thuộc vào việc người dân sẵn sàng hy sinh tiện nghi cá nhân của mình ra sao cũng như mức độ mong muốn của họ trong việc cứu những người khác.

Ví dụ ở Anh, giới lãnh đạo nước này tuần trước nói rằng họ vẫn chưa áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, cấm tụ tập đông người và đóng cửa các trường học, một phần là vì lo ngại người dân sẽ nhanh chóng cảm thấy chán nản.

“Nếu hành động quá sớm, mọi người sẽ mệt mỏi và kiệt sức”, Christ Whitty, Cố vấn trưởng Y tế của chính phủ Anh nói hôm 12/3. Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản đối rộng rãi trong giới chuyên gia – trong đó hơn 200 nhà khoa học và chuyên gia y tế đã cùng ký tên vào lá thư ngỏ chỉ trích kế hoạch này cùng với chiến lược “miễn dịch cộng đồng” mà Cố vấn trưởng Khoa học Patrick Vallance đã nêu.

Theo các nhà khoa học là vì rất nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng, các biện pháp can thiệp được áp dụng càng sớm thì nó sẽ càng có tác động lớn.

Ngay cả với các hành động mà Mỹ đang áp dụng hiện nay, các chuyên gia nói rằng các bệnh viện sẽ sớm hết giường bệnh, các thiết bị y tế cần thiết và buộc phải “chia khẩu phần” chăm sóc, lựa chọn bệnh nhân nào sẽ cứu và bệnh nhân nào không cứu.

“Tôi không biết liệu những người đã sẵn sàng “giãn cách xã hội” hiện nay có thể tiếp tục thực hiện biện pháp này trong bao lâu. Nhưng khi bạn nhận thấy tình trạng ở các bệnh viện ngày càng trở nên khó khăn hơn, tôi nghĩ thái độ đó sẽ thay đổi”, theo Natalie Dean, một nhà thống kê sinh học tại Đại học Florida đang làm việc trong dự án đánh giá vaccine ngừa virus corona với Tổ chức y tế Thế giới (WHO) và các dự án đối phó dịch bệnh khác.

Khi trả lời phóng viên hôm 15/3, Dean “vẫn đang phải trông 2 đứa con nhỏ đang chạy quanh dãy nhà cô ở.

“Thật vô cùng căng thẳng. Nó sẽ buộc nhiều gia đình phải thay đổi thói quen sinh hoạt. Nhưng chân thực mà nói, vẫn còn quá sớm để đưa ra câu trả lời điều này sẽ kéo dài bao lâu. Cũng giống như việc bạn hỏi anh lính cứu hỏa khi nào bạn có thể trở về nhà trong khi căn hộ của bạn vẫn còn đang bốc cháy”./.

Từ khóa: virus corona, nCoV, dịch Covid-19, giãn cách xã hội, không tụ tập đông người

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập