Giảm tần suất “giải cứu” nông sản bằng cách nào?

Cập nhật: 21/02/2020

VOV.VN - Công nghiệp chế biến nông sản ở Việt Nam đã có những tiến bộ giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, tuy nhiên mức độ chế biến vẫn còn thấp so với khu vực.

Công nghiệp chế biến nông sản ở Việt Nam đã có những tiến bộ giảm đi tổn thất sau thu hoạch, tuy nhiên mức độ chế biến vẫn còn thấp so với khu vực.

Các đánh giá này được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp" do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sáng 21/2.

Hội nghị để đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm - thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với chương trình khoa học công nghệ quốc gia với các chương trình đầu tư vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

phat trien cong nghiep che bien giam tan suat "giai cuu" nong san hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Các vấn đề về công nghiệp chế biến nông lâm - thuỷ sản được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia… phân tích tìm giải pháp hướng tới phát triển thị trường nông sản bền vững với những chuỗi cung ứng, chế biến sâu.

Lúa gạo giảm tổn thất sau thu hoạch 6.000 tỉ đồng/năm

Công nghiệp chế biến nông sản làm nền nông nghiệp thay đổi từ tự cung tự cấp sang xuất khẩu. Các nhà máy chế biến đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng. Với 2 ngành hàng lúa gạo, cà phê, trình độ công nghệ chế biến của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình tiên tiến trên thế giới. Công nghệ sơ chế của Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới.

Cả nước có khoảng 4.500 cơ sở chế biến gỗ, tập trung 80% ở các tỉnh Miền Nam, mỗi năm tiêu thụ trên 40 triệu m3 gỗ. Số doanh nghiệp chế biến có quy mô vốn đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên chiếm gần 30% chủ yếu sản xuất xuất khẩu.

Sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa khoảng 4,5 - 5 triệu tấn/năm; tiêu thụ dạng tươi, sống khoảng 2 triệu tấn. Có 636 cơ cơ sở chế biến công nghiệp gắn với xuất khẩu.

phat trien cong nghiep che bien giam tan suat "giai cuu" nong san hinh 2
Công nghệ sơ chế của Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam đánh giá: Những năm qua, đầu tư, huy động nguồn lực xã hội vào ngành sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp của nước ta đã có bước tăng trưởng tốt. Tổn thất trong chế biến và sau thu hoạch đối với nhiều mặt hàng nông sản đã giảm rõ rệt.

“Trước đây, tổn thất trong chế biến rau quả chiếm tới 20%, thì nay đã giảm xuống một nửa; hiện mỗi năm chúng ta đã giảm được tổn thất sau thu hoạch ước tính khoảng 6.000 tỉ đồng/năm chỉ tính riêng ngành lúa gạo…” - ông Hoà nói.

Tuy nhiên, trong chế biến nông lâm - thủy sản phần lớn doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng. Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình, nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm; tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%).

Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp, trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp, số lượng qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp.

Máy phục vụ nông nghiệp phụ thuộc nhập khẩu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4 HP/ha), Trung Quốc (8 HA/ha).

Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Máy nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng gần 30% thị phần, 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc cơ giới hóa canh tác được thực hiện chủ yếu trong ngành trồng lúa, mía đường. Ngược lại, tỷ lệ này còn rất thấp với các cây trồng cạn khác ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Trên thực tế, có rất nhiều loại máy móc nông nghiệp, phụ thuộc vào quy trình canh tác, thu hoạch các loại cây trồng khác nhau, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng miền.

Điều kiện của Việt Nam như dân số lên tới 95 triệu người và một nền kinh tế tăng trưởng nhanh khiến quy mô thị trường nội địa của Việt Nam trở nên rất đáng kể. Người dân Việt Nam chi trả 1 phần đáng kể thu nhập của họ cho lương thực thực phẩm và đang có xu hướng mua các thực phẩm ăn sẵn và các sản phẩm thực phẩm cao cấp nhiều hơn do sự gia tăng thu nhập của các hộ gia đình sống ở thành phố và chế độ làm việc 5 ngày trong tuần.

Do đó, tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến nông lâm thủy sản cũng như áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp để nâng cao giá trị chế biến là rất lớn./.

Từ khóa: chế biến, chế biến nông sản, công nghiệp chế biến, vùng nguyên liệu, máy nông nghiệp

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập