Giám sát quyền lực để tránh lạm quyền: Nhìn từ vụ việc Vĩnh Phúc
Cập nhật: 29/03/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Gốc rễ của tham nhũng và lạm quyền là việc giao quyền nhưng không kèm theo kiểm soát quyền lực của người thực thi quyền lực. Khi quyền lực không được kiểm soát, giám sát, tất yếu dẫn đến tha hóa.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau phiên họp thứ hai vừa qua chỉ rõ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc bổ nhiệm một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trước đó, cũng tại địa phương này, việc bổ nhiệm con gái đương kim Bí thư Tỉnh ủy 31 tuổi làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư đã gây bức xúc dư luận vì chỉ trong một thời gian ngắn đã đi qua rất nhiều vị trí mà một người bình thường khó có thể đạt được.
Nếu như hai sự việc trên có liên quan đến nhau thì thực sự đây là điều đáng tiếc trong bối cảnh đại hội đảng các cấp và đại hội Đảng toàn quốc mới kết thúc và dư luận đòi hỏi công tác cán bộ phải thật sự công khai, minh bạch, thận trọng.
Dư luận Vĩnh Phúc: Trung ương phải xử lý đến nơi đến chốn để làm gương
“Sau Đại hội Đảng vừa rồi, người dân Vĩnh Phúc chúng tôi đều hướng về và đặt niềm tin vào Đảng, đặc biệt tin tưởng vào sự nêu gương của cán bộ. Thật đáng buồn, ngay sau Đại hội đã xảy ra vụ việc bổ nhiệm cán bộ khiến dư luận bức xúc, hoài nghi. Tuy nhiên, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây đã giúp chúng tôi lấy lại niềm tin, cách xử lý như thế tôi cho là đúng người, đúng việc, rất kịp thời, dư luận đồng tình ủng hộ. Chúng tôi không có bất cứ kỳ thị gì với cán bộ trẻ. Nhân tài đất Việt xưa nay không hiếm người trẻ, cụ Nguyễn Thượng Hiền mới 24 tuổi đã làm quan trong triều. Nhưng cùng với tuổi trẻ phải là tài năng thực sự, tài giỏi trong thi cử, trong công việc. Nếu như vậy, việc bổ nhiệm mới xứng đáng”, ông L.N.T một đảng viên 50 năm tuổi Đảng ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.
Vị đảng viên này cũng đồng tình quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đó là phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế. Quyền lực phải có giám sát, chứ không thể cửa quyền, dưới một người, trên nhiều người, muốn làm gì thì làm.
Ông N.B.B, một cựu cán bộ công tác trong ngành Kiểm sát của tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị, với những vụ việc như vậy, Trung ương cần phải xử lý đến nơi đến chốn để làm gương, không để xảy ra tình trạng tỉnh nào cũng xuất hiện vụ việc tương tự. Cuối cùng chỉ có cảnh cáo, khiển trách, người dân không hài lòng.
Sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với kết luận về công tác bổ nhiệm cán bộ ở Vĩnh Phúc đã phần nào thỏa mãn tâm lý của dư luận. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, vụ việc ở Vĩnh Phúc không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, câu chuyện con cái nhiều vị lãnh đạo địa phương được cất nhắc, bổ nhiệm một cách nhanh chóng, dễ dàng và đúng quy trình như ở Quảng Nam, Bắc Ninh, dư luận dường như vẫn chưa quên. “Giải mã” tình trạng này, một cựu Vụ trưởng của Bộ Nội vụ gọi đó là xu hướng “cậy” mình là lãnh đạo, nâng con cái lên làm lãnh đạo bằng cách đốt cháy giai đoạn”. Và xu hướng ấy hiểu đúng bản chất chính là biểu hiện của sự lạm quyền. Nguy hiểm hơn là sự lạm quyền ấy đã và đang diễn ra khá phổ biến.
Không ít cán bộ phớt lờ quy định nêu gương?
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông đồng tình, ủng hộ bổ nhiệm cán bộ trẻ và không hề có sự phân biệt cán bộ trẻ là con em lãnh đạo, tuy nhiên đó phải là những cán bộ có năng lực, có điều kiện, có phẩm chất… nói chung là đều đạt chuẩn và được bổ nhiệm đúng quy trình, quy định của công tác cán bộ. Đối với những cán bộ trẻ là con em lãnh đạo được bổ nhiệm không đúng quy trình, quy định thì cần làm rõ, liệu có sự nể nang, tình cảm, không dám đấu tranh hay không, cần có kiểm điểm, xử lý để đảm bảo công tác cán bộ phải công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, cần có sự tương xứng về năng lực, trình độ, phẩm chất. Mọi cán bộ đảng viên không chỉ bình đẳng trước pháp luật mà cần bình đẳng cả trong công tác cán bộ, trong điều động, bổ nhiệm, phân công, bố trí.
Để tránh tình trạng lạm quyền, bổ nhiệm thần tốc, không đúng quy trình, quy định của con em lãnh đạo ở Trung ương cũng như địa phương, Đảng đã có quy định cụ thể, như quy định về nêu gương. Tuy nhiên, dù đã có quy định, nhưng thực tế có không ít cán bộ “phớt lờ” quy định để ưu ái người thân, người nhà. Những trường hợp như thế cần phải có kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, xử lý cả người để cho người thân của mình được hưởng đặc quyền, dẫn tới công tác cán bộ bị làm sai lệch.
Một vấn đề nữa, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, cốt lõi của sự công tâm là chính bản thân mỗi cán bộ quản lý phải nêu gương trên mọi lĩnh vực. Khi phát hiện sai phạm phải vào cuộc tham gia quyết liệt, phản ánh trung thực, khách quan. Những cơ chế đó khiến người ta không dám, không ham, không muốn, không làm, buộc phải thực hiện đúng quy định.
Dư luận đánh giá cao công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng nói chung, chống tham nhũng quyền lực nói riêng, đã được Đảng thực hiện khá mạnh và hiệu quả trong 5 năm vừa rồi khiến không ít cán bộ “ngã ngựa”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc bị phanh phui thời gian qua cho thấy, sự nghiệp chống tham nhũng vẫn chưa xử lý được gốc rễ.
Gốc rễ của tham nhũng và lạm quyền là việc giao quyền nhưng không kèm theo kiểm soát, giám sát thì quyền lực đó tất yếu dẫn đến tha hóa. Quyền lực càng nhiều tha hóa càng nhiều, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối, đó là quy luật trên khắp thế giới từ hàng trăm năm nay đã cho thấy như thế./.
Từ khóa: giám sát quyền lực, lạm quyền, Vĩnh Phúc, bổ nhiệm cán bộ, nâng con lên làm lãnh đạo
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN