Giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ Quốc: Vì sao chưa như kỳ vọng?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Dù đạt được nhiều kết quả tích cực song công tác giám sát và phản biện của Mặt trận vẫn còn nhiều lúng túng và chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX (18-20/9). Một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại Đại hội lần này chính là vai trò giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công việc này.

giam sat, phan bien cua mat tran to quoc: vi sao chua nhu ky vong? hinh 1
PGS. TS Bùi Xuân Đức.

Chưa đạt như kỳ vọng

Đánh giá về hiệu quả của công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, PGS. TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhận định, trong những năm qua, sau khi có Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nghị quyết liên tịch 403 giữa Mặt trận, Quốc hội và Chính phủ, Mặt trận về cơ bản đã có đủ cơ sở pháp lý và cũng đã tập trung vào việc thực hiện và trò giám sát và phản biện xã hội của mình. Cụ thể, Mặt trận đã thực hiện giám sát các công trình, các dự án, phản biện và thực hiện phản biện một số dự án luật và một số đề án đạt được kết quả tích cực.

Cùng chung quan điểm với PGS. TS Bùi Xuân Đức, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng, Mặt trận bước đầu cũng đã có những phản biện tốt như phản biện về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đặc khu Kinh tế, đưa ra những ý kiến tương đối độc lập liên quan đến Luật Lao động.

Dù vậy, cả PGS. TS Bùi Xuân Đức và GS.TS Trần Ngọc Đường đều cho rằng, chất lượng và hiệu quả trong giám sát và phản biện của Mặt trận vẫn chưa được như kỳ vọng. PGS. TS Bùi Xuân Đức lưu ý, để thực hiện đúng bản chất giám sát, phản biện của Mặt trận thì cần lưu ý rằng, Mặt trận cũng là một tổ chức chính trị nên nội dung giám sát cần tập trung vào vấn đề dân chủ, về đường lối chính sách, về các hoạt động của Đảng và nhà nước, trong đó có chống tham nhũng, lãng phí. Còn những vấn đề liên quan đến giám sát chuyên ngành như kinh tế-xã hội, môi trường thì chỉ nên dừng ở một mức độ nhất định.

giam sat, phan bien cua mat tran to quoc: vi sao chua nhu ky vong? hinh 2
GS.TS Trần Ngọc Đường.

Cần sự chủ động từ Mặt trận

Ngoài ra, theo PGS. TS Bùi Xuân Đức, trong những năm qua, Mặt trận vẫn chủ yếu thực hiện giám sát theo kế hoạch, theo đoàn trong khi đúng ra, Mặt trận cần thực hiện giám sát bằng cách tự phát hiện vấn đề hoặc thông qua việc tập hợp ý kiến của nhân dân từ đó nêu lên chính kiến của Mặt trận liên quan đến những vấn đề còn đang bức xúc hay trong xã hội.

Sau khi đã phát hiện được vấn đề, Mặt trận cần đưa ra những kiến nghị xác đáng và đưa đến các cơ quan có thẩm quyền như Quốc hội, Đảng và thậm chí đến cả những vị lãnh đạo cao cấp. Có như vậy, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận mới đúng, mới trúng và đáp ứng được mong muốn của nhân dân.

Trong khi đó, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, giám sát, phản biện là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn rất mới của Mặt trận được quy định trong Hiến pháp 2013. Vì vậy, từ nhận thức đến tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng, chưa thực sự chu đáo. Ngoài ra, về phương diện pháp lý, những quy định pháp luật để tiến hành giám sát phản biện cũng chưa thật đầy đủ.

GS.TS Trần Ngọc Đường khuyến nghị, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc phản biện, cần có sự chuẩn bị hết sức công phu từ việc soạn thảo tài liệu, bố trí chuyên gia am hiểu lĩnh vực tham gia phản biện và thậm chí phải đi khảo sát, nắm bắt thực tiễn để có được những dẫn chứng tốt, sát với tình hình thực tế chứ không phải chỉ dựa vào những cái có sẵn. Phải thu thập nhiều tài liệu, nhiều thông tin từ nhiều phía.

Những kinh nghiệm từ An Giang

An Giang là một trong những địa phương được đánh giá là đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, kinh nghiệm của tỉnh chính là việc thực hiện công tác giám sát, phản biện một cách khá đồng bộ, từ tỉnh xuống huyện và cơ sở.

Hàng tháng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang tiến hành họp Hội đồng tư vấn để đề ra chương trình giảm sát, phản biện cụ thể dựa trên kế hoạch do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra. Chương trình giám sát phản biện này sau đó được trình lên Cấp ủy địa phương để xem xét và cho ý kiến về cả nội dung chương trình và cách thực hiện.

giam sat, phan bien cua mat tran to quoc: vi sao chua nhu ky vong? hinh 3
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng.

Thời gian vừa qua, An Giang chủ yếu tập trung vào giám sát về đầu tư công, xây dựng cơ bản ở địa phương, nhất là ở xã phường, thị trấn. Công tác này được ban giám sát địa phương thực hiện rất hiệu quả. Từ kết quả giám sát, Mặt trận đã đề nghị cấp ủy, chính quyền, cấp có thẩm quyền xem xét và cho ý kiến đối với các cơ quan, đơn vị đầu tư hoặc thi công các công trình này.

Tại các huyện như Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, Mặt trận đã thể hiện tốt vai trò giám sát, phản biện. Dù vậy, việc thực hiện phản biện vẫn còn nhiều khó khăn, do đây là hoạt động còn mới. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của cấp ủy và định hướng của Mặt trận cho nhiệm kỳ tới thì việc phản biện sẽ có sự phối hợp với các Sở ban ngành bởi vì hiện nay Mặt trận Tổ quốc đã có hội đồng tư vấn trong các lĩnh vực pháp luật, kinh tế xã hội. Việc phản biện nếu được các thành viên trong hội đồng tư vấn tích cực đóng góp thì sẽ giúp nâng cao chất lượng phản biện cho các chương trình, dự án trở nên khả thi hơn./.

Từ khóa: Mặt trận Tổ Quốc, giám sát, phản biện xã hội, PGS. TS Bùi Xuân Đức, GS.TS Trần Ngọc Đường

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập