Giảm khai thác, tăng nuôi trồng - trụ cột của Chiến lược phát triển thủy sản

Cập nhật: 01/04/2024

VOV.VN - “Nuôi biển là xu thế tăng trưởng xanh, xanh cho đại dương, xanh cho ngành thủy sản” là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại  hội nghị “Phát triển nuôi biển bền vững - Nhìn từ Quảng Ninh” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức vào sáng nay (1/4) tại tỉnh Quảng Ninh.

Với mong muốn đưa nuôi biển Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới, các tham luận tại hội nghị tập trung đánh giá về thực trạng nuôi biển tại Việt Nam cũng như trên thế giới hướng đến mục tiêu phát triển ngành thủy sản Xanh nói chung và ngành hàng nuôi biển bền vững nói riêng.

Thống nhất cao với nhận định, nuôi biển là xu thế tất yếu, chiến lược phát triển phát huy lợi thế của quốc gia, các đại biểu cho rằng, Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đối tượng nuôi phong phú, từ các loài cá, rong, nhuyễn thể đa dạng, chất lượng gắn với các vùng sinh thái và kinh nghiệm nuôi biển nhiều đời, nếu có chiến lược, giải pháp khơi thông tiềm lực, nuôi biển sẽ là ngành hàng có giá trị kinh tế lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh cho biết, quan điểm phát triển của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân, đảm bảo sức khỏe của các hệ sinh thái biển và đại dương, không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá.

Nhấn mạnh vai trò nuôi biển đóng góp vào kinh tế biển nói chung, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới. Quảng Ninh sẽ phát triển để sớm trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế toàn diện bằng các giải pháp tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian hợp lý, khoa học, dựa vào hệ sinh thái, theo chức năng sử dụng biển đảo, vùng ven biển hài hòa lợi ích, giảm xung đột, phát triển bền vững. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển.

“Trên cơ sở quy định các văn bản quy phạm pháp luật, tích hợp giải quyết các nhiệm vụ trong cùng 1 thời gian, với cách làm này vừa qua địa phương giảm được hơn 50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Quảng Ninh mong muốn tổ chức phát triển nuôi biển một cách bền vững, nuôi biển gắn với phát triển công nghệ ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, đồng thời xác định rõ trọng tâm trong phát triển nuôi biển bền vững là vai trò của các doanh nghiệp và hợp tác xã, từ nơi đó là tạo ra các chuỗi giá trị” - ông Nguyễn Xuân Ký nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản là một trong những trụ cột của Chiến lược phát triển thủy sản. Nuôi biển chính là nuôi dưỡng đại dương, nuôi biển không chỉ là phát triển kinh tế mà còn giải quyết vấn đề của xã hội, hài hòa lợi ích của người dân, trong đó có doanh nghiệp, hợp tác xã và ngư dân, qua đó tạo ra sự giàu có của đại dương.

“Định hình con đường nuôi biển không chỉ tạo ra được một ngành kinh tế bình thường mà nó góp phần cho một xu thế không thể nào bỏ qua, đó là xu thế tăng trưởng Xanh, Xanh cho đại dương, Xanh cho ngành Thủy sản. Khi và chỉ khi chúng ta có một hệ sinh thái gồm những tác nhân tham gia vào chuỗi ngành hàng thủy sản dựa trên nền tảng nuôi biển thì lúc đó ngành ngư nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng sẽ phát triển một cách bền vững mang lại giá trị không chỉ cho hiện tại mà cho tương lai” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Từ khóa: Nuôi biển, tăng trưởng xanh,ngành thủy sản,Quảng Nin

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: minh long/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập