Giảm giá thịt lợn để bảo vệ thị trường chăn nuôi phát triển bền vững
Cập nhật: 18/03/2020
VOV.VN - Giá lợn giảm xuống ở mức 70.000 đồng/kg là phù hợp, nhằm bảo vệ cho thị trường phát triển bền vững, giá cao quá chính chúng ta sẽ để mất thị trường.
Giá thịt lợn vừa qua đã tăng “phi mã” trong khi nguồn cung không thiếu hụt, lương thực và thực phẩm đảm bảo cho người dân khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về những vấn đề này
PV: Bộ NN&PTNT đã khẳng định năm nay không thiếu thịt lợn và kêu gọi các doanh nghiệp (DN) giữ giá lợn hơi quanh mức 70.000 đồng/kg. Theo Bộ trưởng, dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức giá này?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta không thiếu nguồn thịt lợn và sẽ đảm bảo đưa giá xuống quanh mức 70.000 đồng/kg lợn hơi vì một số lý do: Thứ nhất, đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế, 99% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Thứ hai hiện nay đàn giống lợn cụ, kỵ, ông bà có 110.000 con, có 2,7 triệu lợn nái và rất nhiều địa phương đang tái đàn tích cực hiệu quả thì không có lý do gì để thiếu thịt lợn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Bộ NN&PTNT đã yêu cầu 17 doanh nghiệp lớn “dẫn dắt” ngành chăn nuôi phải đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng. Lý do hiện nay giá thành sản xuất của doanh nghiệp khoảng 40 - 45.000 đồng/kg, như vậy khi đưa giá lợn giảm xuống ở mức 70.000 đồng/kg là phù hợp, nhằm bảo vệ cho thị trường phát triển bền vững. Nếu giá cao quá thì hàng hóa ở các thị trường khác tràn vào và lúc đó chính chúng ta đánh mất thị trường của mình.
Việc đưa giá lợn xuống mức hợp lý còn thể hiện chúng ta phải có ứng xử phù hợp để người tiêu dùng thấy giá hợp lý thì mới tiêu thụ sản phẩm này. Vì vậy, hôm nay chúng tôi khuyến nghị 17 doanh nghiệp chăn nuôi "hạt nhân" gương mẫu, đi đầu, tiên phong có giá định hướng để những cơ sở khác cũng đi theo và như vậy, sẽ giải quyết được câu chuyện về giá thịt lợn hiện nay.
PV: Khi có diễn biến mới về dịch Covid-19, nhiều người đã vội vã đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ. Từ câu chuyện đó, Bộ trưởng có thấy việc củng cố thị trường trong nước, đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm quan trọng như thế nào và được Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết khẳng định, trước tác động, biến động của tình hình khí hậu, trước tình hình rất nhiều nguy cơ rủi ro ở thế giới phẳng này thì những vấn đề rủi ro luôn luôn có nguy cơ xảy ra. Do đó chúng ta phải chủ động và bao gồm biện pháp tổng thể.
Phía cơ quan sản xuất, chúng tôi cam đoan rằng Bộ NN&PTNT dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tập trung cùng các doanh nghiệp, địa phương và các thành phần kinh tế kiên quyết khắc phục những khó khăn thách thức về dịch bệnh, thời tiết, tổ chức thị trường để sản xuất có quy mô và hiệu quả cao nhất, đặc biệt cho 2 nhóm: lương thực và thực phẩm. Hai nhóm này rất quan trọng đối với việc ứng phó Covid-19, không chỉ phạm vi của Việt Nam mà còn của toàn cầu.
Việt Nam có 100 triệu dân, nhu cầu rất lớn vì vậy trước hết phải đảm bảo trong mọi hoàn cảnh.
PV: Sự chuẩn bị của Bộ Nông nghiệp &PTNT trong việc mở rộng thị trường đã được Bộ tính toán như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước tiên chúng ta phải ý thức liên tục tái cơ cấu mở rộng các loại thị trường. Ví dụ, thị trường gạo năm 2018 Trung Quốc chiếm 50% nhưng sau đó nhu cầu từ thị trường này giảm thì lập tức chúng ta chủ động điều chỉnh thị trường. Thứ hai chúng ta phải mở rộng thị trường khác. Hiện nay chúng ta đang tập trung vào các thị trường như Nga – đây là thị trường rất lớn với 140 triệu dân, Brazil 200 triệu dân. Song song đó, triển khai trên các thị trường nền tảng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Như vậy, chúng ta vừa mở rộng thị trường mới và với từng thị trường truyền thống cũng phải khai thác chất lượng hơn. Cùng với đó, trên nền tảng tổ chức lại sản xuất theo chuỗi một cách tốt nhất, đưa ra hàng hóa chất lượng tốt nhất với giá thành cạnh tranh nhất thì chúng ta không sợ “ế” hàng. Vấn đề là có sản xuất ra các sản phẩm mà thị trường yêu cầu hay không – đấy là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT cùng các DN, hợp tác xã, bà con nông dân cùng các thành phần kinh tế khác và bộ khác để làm tốt điều này.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Các "ông lớn" không chung tay giảm giá lợn thì "gậy ông đập lưng ông"
Từ khóa: thịt lợn, giá thịt lợn, giảm giá thịt lợn, mất thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN